Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Nhìn vài ví dụ về Tin lành, nghĩ về PGVN

Nhìn vài ví dụ về Tin lành, nghĩ về PGVN

243

Chỉ cần thấy một người mới, lạ lẫm xuất hiện trước nhà thờ là có người đến tiếp cận ngay. Hết sức vui vẻ và thân thiện,  họ hỏi ngay tôi cần gì, sẵn sàng hướng dẫn, giải thích và mời tôi tham dự lễ, để nghe mục sử thuyết giảng.

Tôi vỡ lẽ ra một điều  rằng, nếu so sánh đạo Tin Lành và pháp môn Tịnh Độ mà hiện nay đang phổ biến tại rất nhiều chùa tại VN, cùng là tin có một thiên đàng tương tự như cõi Cực lạc, nhưng cách hiện thực hóa niềm tin giữa tín đồ đạo Tin Lành và tín đồ của pháp môn niệm Phật  khác xa nhau một trời một vực.

Phật tử theo pháp môn Tịnh độ, suốt ngày niệm Phật (đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc nhà…) để cầu vãng sinh, nói theo kiểu Boris Pasternak,  tác giả của “Bác sĩ Zhivago”, thì tu theo kiểu này biến Phật tử thành “những con người sinh ra không phải để sống mà để chuẩn bị chết”,  trong  khi  đối với niềm tin của  những người theo đạo Tin Lành thì nếu họ tin Chúa, thờ Chúa thì việc lên thiên đàng sau khi chết là chuyện đương nhiên, khỏi cần phải lo. Do vậy,  cứ việc an vui mà sống và  đặt lòng tin vào Chúa thì đến khi chết, Chúa sẽ lo.

Để cũng  cố niềm tin của tín đồ vào Chúa, trong bài giảng, mục sư nhắc nhở đến việc phải tin Chúa và kính Chúa bằng cách nhấn mạnh  rằng Chúa quyền năng sẽ cứu giúp cho chúng ta, sẽ ban phước lành cho chúng ta, nhưng chúng ta phải tin Chúa, nếu chúng ta không tin Chúa, thì làm sao có thể nhận được ân sủng của ngài? 

Đại loại lời giảng mà tôi còn nhớ là Chúa khuyên chúng ta hãy kêu cầu ngài vì ngài sẽ nghe mọi lời nói của chúng ta. Ngài phán “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa; sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở”.  Hễ xin gì Chúa cho nấy vì ngài phán rõ ràng rằng ngài sẽ trả lời… (rất giống hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm trong Phật giáo)

Tôi đã từng đọc cuốn thánh kinh của Tin Lành và rất kinh ngạc trước những trò trừng phạt tàn bạo của một Chúa trời đầy sân hận, nhưng khi thuyết giảng thì vị mục sư chẳng đề cập gì đến những việc làm tàn ác của Chúa trời mà đẩy  lòng nhân từ của ngài lên mức tối đa “Vì Ngài là nơi bền vững cho kẻ nghèo, đồn lũy cho kẻ thiếu thốn trong lúc khó khăn, chỗ đụt cho khỏi bão, chỗ bóng mát cho khỏi nắng, khi những kẻ cường bạo thổi hơi ra như bão, xông vào tường thành.” (ai nghe mà chẳng kính phục và tri ân Chúa!)

Ngoài việc rao giảng niềm tin về sự tin kính Chúa, họ cũng khuyến khích con chiên sống một cuộc sống tốt đẹp, hãy thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Bài giảng nhấn mạnh đến tình thương, “ở đây chỉ có sự yêu thương, yêu thương” và họ hiện thực hóa quyền năng của Chúa và sự rao giảng về yêu thương của họ bằng khuyến khích mọi người quan tâm, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, đặc biệt là đóng góp để giúp đỡ về mặt tài chánh cho những người nghèo khó trong chi hội.

Gần nhà tôi, có một gia đình của một người mù bán vé số theo đạo Phật nghèo xác nghèo xơ, nhưng khi cải qua đạo Tin Lành thì gia đình được giúp đỡ tài chánh, tư vấn để làm ăn và kinh tế khá dần lên, chỉ sau 8 năm, hai cô con gái của gia đình họ đều vào đại học và chở nhau đi học bằng xe scooter. 

Nếu nói rằng đạo nào cũng tốt (vì quý thầy cũng dạy cho các Phật tử như vậy),  và nếu là bạn, trong trường hợp bạn không nghèo, không vào một đạo nào đó chỉ nó giúp cho bạn giải quyết những bức bách về vấn đề  tài chánh, mà muốn chọn một tôn giáo vì tôn giáo đó có thể nâng đỡ tinh thần của bạn trong đời sống hàng ngày, thì bạn sẽ chọn đạo nào? 

Một đạo ăn xong cứ niệm Phật để lo chuẩn bị cho cái chết hay một đạo mà khuyên bạn sống một cuộc sống an nhiên trong tình yêu thương, cho bạn một động lực để sống một cuộc sống an vui với những hạnh phúc rất đời thường? Đạo nào thực tế hơn?

Phản hồi rút ra từ chuyến đi “thực địa” của tôi không nhằm mục đích đã phá một pháp môn nào. Tôi chỉ muốn vạch ra sự yếu kém của Phật giáo tại VN  trong mối tương quan với tôn giáo khác. Do pháp môn Tịnh Độ đang là một pháp môn thịnh hành ở VN, vì vậy phản hồi của tôi dường như xúc phạm đến những người theo pháp môn niệm Phật, nếu như vậy tôi mong các bạn lượng thứ.

Và cũng vì tương lai của Phật giáo VN, tôi mong rằng những bậc tôn túc, những người đang hoằng dương pháp môn niệm Phật nói riêng cũng như các pháp môn khác nói chung nên cải tiến, áp dụng  những phương thức hoằng dương thực tế hơn để làm sao có thể cạnh tranh với tôn giáo bạn, đặc biệt  khi pháp môn của mình cũng na ná như tôn giáo giáo bạn.

Rút  kinh nghiệm từ sự suy tàn của Phật giáo Nhật Bản, sự lấn lướt của Tin lành ở Hàn quốc, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn xem xét tính “khế cơ, khế lý” của một pháp môn nào đó, cũng như hình thức vận hành trong tình hình  bối cảnh  xã hội hiện đại ngày nay hay không?

Trong khi những bài giảng của các mục sư đề cao Chúa của họ một cách tối đa, mà Chúa là một vị thần (có thật hay không thật cũng chẳng ai biết), thì nếu chúng ta xem các đĩa VCD về các đạo tràng niệm Phật, chúng ta chỉ thấy các thầy cứ lo khuyên phật tử niệm Phật để chết được vãng sanh mà chẳng thấy đề cao, ca tụng  gì đến nhân cách đặc biệt, siêu phàm, con người vĩ đại và trí tuệ siêu việt cùng với lòng từ bi vô biên của Đức Phật Thích Ca.

Có một vị giáo chủ là một con người phi thường có thật với nhân cách tuyệt vời như vậy, lẽ ra đạo Phật sẽ có lợi thế hơn các tôn giáo thờ thần khác khi khai thác các chủ đề về con người và nhân cách của vị thầy của mình để cũng cố lòng tin của tín đồ đối với vị giáo chủ của mình,  nhưng hầu như các băng đĩa hoằng pháp của các chùa hiện đã không làm được điều này, rất ít các thầy giảng về Đức Phật Thích Ca.

Các đạo tràng niệm Phật của chúng ta thì đa số là người già, trong khi các nhà thờ Tin Lành thì số người trẻ đến dự lễ rất đông, người già cũng có nhưng không bao nhiêu.  Một người bạn trẻ (tưởng tôi muốn vô đạo) tâm sự với tôi rằng anh ta ở miền trung, vào đây làm việc, không có nhà cửa, vào đạo Tin Lành được giúp đỡ mua nhà, anh ra miền trung đón cha mẹ vào.

Lúc đầu anh nói cha mẹ anh vào đạo, cha mẹ anh phản đối, nhưng khi chứng kiến sự giúp đỡ, cha mẹ anh cũng bị thuyết phục. Anh kết luận: “Hồi xưa thì cha mẹ có quyền, cha mẹ  nói thì con cái không dám cãi. Thời buổi này, con cái nắm kinh tế, mình nuôi cha mẹ, cha mẹ thấy con cái làm lụng cực khổ để lo cho mình nên cũng nghe lời con cái cho chúng nó vui, nên cha mẹ tôi cũng vào đạo luôn.”

Xã hội đã đổi thay…chúng ta phải nhìn nhận thực tế đó.