Bài giảng đầu tiên của giáo sư Cao Huy Thuần với các tân sinh viên đại học Hoa Sen kết thúc cùng tiếng thở phào của giáo sư, ông quay sang nói nhỏ với hiệu trưởng Bùi Trân Phượng: “May mà các sinh viên còn ngồi lại lắng nghe, ít có em nào bỏ về”. Cô Phượng cũng cười tươi như hoa, sau đó nắm lấy bàn tay ông và nói: “Hôm nay em còn dành cho thầy một bất ngờ khác. Em sẽ giới thiệu với thầy một giảng viên của trường mấy mươi năm nay chỉ mong được gặp thầy, một học trò mà thầy chưa từng biết mặt”. Sau đó chị nói vào micro: “Xin mời anh Hoàng Đức Bình!”
“Thưa thầy, có lẽ thầy hoàn toàn không biết em là ai, nhưng ở quê mình – làng Thế Chí (bây giờ là Điền Hải), huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế – ai cũng biết dòng họ Cao Huy của thầy. Hồi nhỏ má em dạy: “Nhìn mấy người dòng họ Cao Huy kìa, ai cũng học hành thành tài, có chí vươn lên, nhờ đó mà cả dòng họ người ta đều ngẩng cao đầu. Các con cũng phải ráng học như vậy!” Vì làng mình còn nghèo nên hồi đó đi học đại học là điều “kinh khủng” lắm, vậy mà nhờ quỹ học bổng mang tên thầy mà em đã được đi học và được như ngày hôm nay. Bây giờ em thật sự đạt được giấc mơ của mình rồi. Em thay mặt ba má em, cảm ơn thầy lần nữa. Hai mươi lăm năm nay, em chỉ mong có ngày được gặp thầy”.
Nước mắt rưng rưng, giáo sư Cao Huy Thuần chậm rãi kể: “Cảm ơn em đã nhớ đến tôi. Nhưng quỹ học bổng mang tên tôi không phải do tôi lập ra mà chính là của má tôi. Hồi đó, những năm khó khăn, ai cũng nghèo, nhà tôi nghèo, làng tôi cũng nghèo. Tôi may mắn nhận được học bổng ở Pháp. Đi mà trong lòng bộn bề lo lắng. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết thế hệ của tôi lúc đó, đi học với lý tưởng là để quay trở về phục vụ đất nước. Vì thế chúng tôi đứa nào cũng chỉ có vài bộ quần áo mặc mấy năm trời, không dám mua sắm gì cả, chỉ có cái vali lúc nào cũng để mở để đến khi có lệnh là xếp quần áo quay về ngay. Nhưng không ngờ cuối cùng tôi phải ở lại đến 16 năm sau mới được trở về. Trong thời gian đó tôi vừa làm việc vừa nhớ mẹ, nhớ quê nhà da diết. Mỗi tháng tôi dành dụm được ít tiền gởi về nuôi má. Nhưng má không xài mà để dành đến vài năm sau, số tiền cũng kha khá, lúc đó má mới xin chính quyền lập một quỹ học bổng cho học sinh nghèo ở quê, để tên tôi. Sau này, nhiều người gọi điện thoại cảm ơn, tôi mới ngã ngửa. Điện về hỏi, má tôi mới cho hay. Cho nên bây giờ, tôi vẫn cảm ơn má tôi mỗi khi có ai nhắc đến chuyện quỹ học bổng, em à!”
Rồi nhân nói đến quyển Thấy Phật, anh Bình tiếp tục hỏi giáo sư có phải nhờ “thấy Phật” mà ngộ ra nhiều điều để giúp ông vươn lên. Ông cười bảo, chuyện “thấy Phật” lại là chuyện của song thân ông. Từ nhỏ, ba mẹ đều bắt ông học thật giỏi để mai sau trở thành thầy giáo hoặc bác sĩ giúp người theo đúng tinh thần nhà Phật. Ông tuân theo. Đậu đại học y ở Sài Gòn, ông học ròng rã mấy năm trời. Nhưng tốt nghiệp rồi, ông không đi làm mà học tiếp trường luật. Sau khi tốt nghiệp, ông về quê nói với ba má là ông đã hoàn tất cả hai bằng nhưng ông không muốn làm bác sĩ mà muốn làm luật sư. Thế là ông bị mắng cho một trận: “Con ơi, sao lại đi làm cái nghề thầy cãi xấu xa!” (kể đến đây, ông mở ngoặc xin lỗi các luật sư vì ông chỉ tường thuật lại lời ba mẹ ngày xưa). Rồi ba ông hỏi ông còn nhớ chuyện ngụ ngôn Aesop về cái lưỡi. “Dạ, con nhớ. Một hôm ông chủ bảo Aesop ra chợ mua cái gì ngon nhất về cho ông ta ăn. Aesop ra chợ mua về cái lưỡi, ông chủ tấm tắc khen ngon. Hôm sau, ông chủ bảo Aesop mua về cho ông ta cái gì dở tệ nhất. Aesop ra chợ mua về cái lưỡi”. Ông đã kể như thuộc làu cho ba ông nghe. Cũng ngay giây phút đó, nhìn gương mặt đầy thất vọng của ba mẹ, ông bỗng thấy nao lòng. Rồi ông cũng quyết định: “Sau đó tôi tiếp tục đi học và ra làm giảng viên, không làm nghề luật, vì dù sao tôi vẫn thấy nghe lời ba mẹ là điều tốt nhất. Hồi nhỏ má tôi hay đi chùa, tôi thì không thích vì ham chơi. Cho đến một lần tình cờ có lẽ vì cái duyên đến, tôi ở trong chùa một thời gian. Sau đó tôi càng thấm thía lời má tôi: “Phật ở trong con, lúc nào con mở rộng tâm hồn, sẽ thấy Phật”. Khi tôi học ngành chính trị học, tôi đến với đạo Phật, vì đạo Phật giúp người ta gần với xã hội. Tôi đến với đạo Phật bằng tâm hồn rộng mở như lời mẹ dạy chứ hoàn toàn không cực đoan”.
Cô Phượng xin phép tiếp lời ông, cô quay xuống cử toạ nói: “Thưa các thầy và các em học sinh, câu chuyện của thầy Thuần làm cho tôi nhớ ra điều này: cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng cho mình lớn lên mà còn giúp mình nuôi dưỡng cả những giấc mơ cao đẹp. Tôi mong các tân sinh viên hiểu được ý nghĩa của câu chuyện này và mỗi khi các em gặp khó khăn, gian khổ trên con đường đời, hãy nhớ đến cha mẹ để không lùi bước”.
Theo: sgtt.com.vn