Chú ếch chẳng còn cơ hội chạy thoát, chỉ có nước nghểnh cổ lên để bị bắt đi thôi. Bởi vậy, phải thận trọng, đừng thụt lùi vào trong lỗ như con ếch. Một người nào đó đi ngang qua sẽ móc cổ bạn lôi ra. ở gia đình, bị con cháu và của cải quấy nhiễu, nên bạn còn tệ hại hơn chú ếch nữa. Bạn không biết làm thế nào để tách rời khỏi con cháu và của cải. Bạn đã thụt lùi vào trong hang rồi đấy. Khi già, đau, chết đến, bạn sẽ làm gì đây? Cái móc sắp đến bắt bạn đó, bạn trốn đi đường nào bây giờ?
Đèn Bấm
Trong Phật giáo, chúng ta luôn luôn nghe nói đến sự xả bỏ, không chấp giữ, điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là cầm giữ mà không dính mắc. Hãy lấy cây đèn bấm làm thí dụ. Thấy một vật, thoạt đầu chúng ta chẳng biết đây là vật gì, chúng ta tự hỏi: Cái gì đây? Ta bèn cầm lên.Ồ! cây đèn bấm. Nói xong, ta bỏ cây đèn bấm xuống. Khi cầm nắm các sự vật cũng thế. Nếu không cầm nắm gì cả thì phải làm sao đây? Nếu không nắm giữ vật thì ta không thể làm được gì cả. Bởi thế trước tiên ta phải nắm một thứ, đó là sự muốn. Đúng vậy, có ước muốn sẽ dẫn đến có kết quả. Cũng như việc bạn đến đây, trước tiên bạn phải có ý muốn đi đến đây, nếu không có ý muốn đó thì bạn đã không có mặt ở đây hôm nay. Chúng ta hành động bởi vì chúng ta muốn làm. Nhưng khi ước muốn phát sinh, đừng bám víu vào nó. Cũng như ta không chấp giữ lấy cây đèn bấm này. Cái gì đây? Ta cầm cây đèn lên. Ồ! cây đèn bấm. Thế rồi ta bỏ cây đèn xuống. Đó là ý nghĩa của sự cầm nắm mà không chấp giữ, không dính mắc. Chúng ta ý thức, chúng ta nhận biết, xong liền xả bỏ để nó ra đi. Chúng ta không dại dột chấp giữ, dính mắc vào sự vật. Nhưng chúng ta cầm nắm sự vật với trí tuệ rồi để chúng ra đi. Tốt hay xấu đều xã bỏ, đều để chúng ra đi một cách tự nhiên.
Xa Lộ
Nghĩ rằng chúng ta là những pháp trần hay pháp hữu vi biến đổi, hoặc nghĩ rằng chúng ta đang hạnh phúc hay không được hạnh phúc, hoặc đồng hoá hạnh phúc và đau khổ với chúng ta, v.v… Nghĩ như vậy không phải là hiểu biết đầy đủ rõ ràng bản chất thật sự của vạn pháp. Đó là những ý nghĩ sai lầm hay tà kiến. Chúng ta không thể thúc ép sự vật đi theo hay diễn ra theo chiều hướng mà ta ưa thích. Sự vật diễn biến theo đường lối tự nhiên. Lấy một ví dụ đơn giản. Giả sử bạn ra ngồi ngay giữa xa lộ và các loại xe lớn, nhỏ đang boong boong chạy về hướng bạn. Bạn không thể bảo những chiếc xe dừng lại, dầu bạn có nổi giận thì xe cũng vẫn tiếp tục chạy về phía bạn đang ngồi. Vậy thì bạn phải làm gì bây giờ? Bạn chỉ còn cách rời khỏi xa lộ. Xa lộ là nơi để cho xe chạy. Vì thế, bạn sẽ khổ nếu bạn không muốn xe chạy trên xa lộ.
Đối với các pháp trần hay pháp hữu vi cũng vậy. Chúng ta cho rằng các pháp trần đã quấy rối ta. Như khi ta đang ngồi hành thiền mà nghe tiếng động, chúng ta nghĩ rằng: Ồ! Tiếng động này đã quấy nhiễu ta! Nếu nghĩ rằng tiếng động quấy rầy thì ta sẽ khổ sở. Thật ra ai đã quấy rầy ai đây? Nếu chịu khó quán sát sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng chính chúng ta đã quấy rầy tiếng động. Tiếng động chỉ đơn giản là tiếng động. Nếu chúng ta hiểu biết tiếng động theo lối này, thì chẳng có chuyện gì xảy ra thêm nữa. Hãy để yên cho tiếng động đến rồi đi. Chúng ta thấy rõ bản chất sanh diệt của âm thanh và thấy âm thanh chẳng có liên hệ gì đến ta cả, đó là trí tuệ thật sự liễu ngộ chân lý.
Thấy cả hai mặt bạn sẽ có bình an thật sự. Nếu chỉ thấy một mặt bạn sẽ đau khổ. Khi thấy rõ cả hai mặt là bạn đã hành theo trung đạo, đó là sự thực hành đúng đắn của tâm, đó là điều mà ta gọi là tu chánh tri kiến hay làm theo sự hiểu biết đúng đắn. Tương tự như vậy, bản chất của tất cả pháp trần là vô thường và hoại diệt, nhưng chúng ta muốn nắm giữ, muốn mang chúng theo và tham đắm chấp giữ chúng. Chúng ta muốn các pháp trần trở thành sự thực. Chúng ta muốn tìm sự thật trong những cái không thật. Người nào có ý muốn như thế và dính mắc chấp giữ pháp trần, xem pháp trần như chính mình, người đó sẽ đau khổ. Đức Phật dạy chúng ta hãy chú tâm xem xét điều này.
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ
Theo: Chỉ là một cội cây thôi
Nguồn: Buddha Sasana