Trang chủ Văn học Tùy bút Mẹ là tình yêu

Mẹ là tình yêu

79

Từ khởi thuỷ, mẹ và con là một. Cho nên, em bé khóc thét lên khi chào đời phải rời xa bụng mẹ. Tiếng khóc vang lên khi em bé phải rời bầu vú mẹ khi đang bú mớm, hay phải tạm rời vòng tay mẹ trong những buổi đầu tiên đến nhà trẻ. Và những thanh thiếu niên lầm lỡ theo chúng bạn, bị cuốn hút bởi những sa đoạ của xã hội, lìa bỏ gia đình, xa mẹ và lăn lóc trong sự ảo hoá quay cuồng của dục vọng đam mê u tối, hẳn phải có lúc trong sự ê chề, trống vắng, cảm thấy cái nguyên lý Mẹ thôi thúc tự đáy lòng, muốn quay về với mẹ. Có người thì quay trở về được, nhưng cũng có người đã không đủ sức đứng lên trong cơn lốc cuộc đời.


Người có lương tri, dù đã giữ đạo hiếu, nhưng khi mẹ mất đi cũng vô cùng thương tiếc, nghĩ mình vẫn chưa đền đáp bao nhiêu so với tấm lòng bao la của mẹ. Cái Một nguyên sơ của mẹ – con đã mất đi phân nửa, không còn nguyên vẹn nữa rồi. Trong khoảng vắng, đêm trường giữa cuộc sống bận rộn này có ai hướng về mẹ, tưởng niệm đấng sinh thành, những sinh linh rất mực yêu thương tha thiết đối với mình.


Nghĩ đến mẹ là nghĩ đến cha. Cha là từ, mẹ là bi. Từ ở đây là vui khi thấy con được hạnh phúc, quyết làm cho con được hạnh phúc. Bi ở đây là khổ đau khi thấy con khổ đau, là quyết làm vơi tất cả những khổ đau của con. Từ và bi liên kết không rời, là hai mặt của một tình yêu thương vô lượng. Kinh dạy rằng cha mẹ là hai vị Phật ở trong nhà, rằng thời không có Phật thì thờ cha mẹ. Kinh Phạm Võng bảo: “Hiếu thuận là pháp chí đạo cho nên lấy hiếu làm giới”. Kinh Mạ Ý dạy: “Giữ giới chính là để hiếu thuận báo ơn cha mẹ”. Bồ tát giới ghi: “Quả báo của tội phạm giới nặng nề nhất là đến nỗi trong hai hay ba kiếp không còn nghe được danh từ cha mẹ”. Chữ Hiếu được nâng lên thành giới, thành sự thể hiện đạo đức của con người; từ đó có thể dễ dàng thấy rằng các tội lỗi gây ra vì đã xa rời giới. Chính vì không giữ tròn đạo hiếu mà sinh ra các tội lỗi, gây khổ đau cho mình và cho đời.


Ngày nay, những thành tựu của văn minh khoa học kỹ thuật tác động vào xã hội tạo thành một nếp sống mới, nếp ứng xử văn hóa mới. Những thay đổi mới tạo nên một xã hội đa dạng với những sinh hoạt đa dạng. Người phụ nữ được giải phóng, tham gia vào sinh hoạt xã hội cùng với nam giới. Thời giờ hình như bị rút lại vì số lượng và chất lượng sinh hoạt tăng lên. Người cha, người mẹ ít có thời giờ gần gũi, chăm sóc nuôi dạy con cái. Bù lại, nhà giữ trẻ, sân chơi nhà trường, các tổ chức vì trẻ em được thiết lập, tạo môi trường tốt cho việc giáo dục thanh thiếu niên. Nhưng hiển nhiên, về mặt hiện tượng, nguyên lý Một của mẹ con, cha con đang bị che mờ và cái tình cảm gắn bó giữa cha mẹ và con cái khó được ấp ủ, bồi dưỡng, thể hiện.


Chúng ta có buồn không khi thấy đám trẻ lăn lóc bụi đời không nơi nương tựa, hoặc lận đận lao đao, cô đơn sầu khổ hoặc đi vào vòng tội lỗi, huỷ hoại thân tâm? Chúng ta có buồn không khi nghĩ đến những bậc cha mẹ già nua phải sống âm thầm, lẻ loi trong một góc nhà, trong căn phòng nhỏ, hững hờ lặng lẽ, hay trong các nhà dưỡng lão để chết dần mòn trong khi người thân yêu nhất đang mải mê chạy theo vui buồn cùng cái xã hội rộn rịp xô bồ?


Hiển nhiên, trong toàn cảnh xô bồ, bận bịu như hiện nay, các bậc cha mẹ đã nhiều khi cảm thấy một sự trắc ẩn vì không thể hiện đủ tình yêu thương đối với con cái; con cái cũng lắm khi cảm thấy cô đơn vì không nhận đủ sự đùm bọc chở che của hai đấng sinh thành. Làm sao thiết lập trở lại những thuận duyên để thể hiện ở mức tối đa mối liên hệ chức năng và tình cảm giữa cha mẹ và con cái? Các bậc cha mẹ có thể tìm mọi cách để dành thời giờ nghĩ đến con cái, thể hiện đầy đủ bổn phận mình đối với con cái không? Con cái có thể xa rời những thú vui vô bổ, những ý nghĩ, hành động hời hợt đẩy đưa mình xa rời cha mẹ không? Câu trả lời là có thể. Không ai có thể sống vững vàng, lành mạnh mà chỉ bằng công việc, bằng thú vui hay bằng sự đau khổ, chán chường. Hãy quay về với nguyên lý Một, với mẹ cha – con cái. Đó là con đường căn bản trở về với cội nguồn văn hoá dân tộc và xây dựng nếp sống an lành trong hiện tại.


Mùa Vu Lan nhắc nhở chúng ta về điều đó.