Tuy nhiên về phía chủ quan của người viết bài này, ngẫm nghĩ lại, thì đây là một vấn đề mà có thể bàn luận từ điểm nhìn của Đạo Phật.
Không phải một lần, khi nghe nói về việc sử dụng phần mềm sao chép (tất nhiên là không có bản quyền) người ta dùng cụm từ “xài chùa” và gọi phần mềm đó là “của chùa”. Có dính đến từ “chùa” là chẳng ai áy náy gì cả, cứ thế mà dùng thoải mái.
Như vậy, có vô tình mà nhà chùa liên quan?
Nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta sẽ thấy Phật giáo là một tôn giáo nêu cao ý thức tôn trọng sở hữu.
Một trong năm trọng giới của Đạo Phật là cấm lấy của không cho. Đây là giới căn bản và đối với hàng tu sĩ, giới này còn được triển khai chi tiết hơn nữa.
Như vậy, sử dụng những cái gì không phải sở hữu của mình, mình không được phép, thì là điều trái với quan điểm đạo đức Phật giáo. Đối với tăng ni Phật tử, là những người đã thọ giới thì đã là việc phạm giới. Dùng sở hữu của người khác mà về nguyên tắc mình không quyền, mà nói là “xài chùa”, thì quả là oan cho nhà Phật.
Còn quyền sở hữu trí tuệ thì là gì mà phải tôn trọng?
Ngày trước, tài sản được coi là những thứ hữu hình. Nhưng thực tế ngày nay tài sản còn là những thứ vô hình, mà trong đó sở hữu trí tuệ chỉ là một. Tài sản trí tuệ là các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, bao gồm bản quyền (quyền tác giả và quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại), chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh (know – how và bí mật thương mại).
Do đặc tính vô hình, nên tài sản trí tuệ dễ bị ngộ nhận (xem là “của chùa”), rất dễ bị chiếm dụng. Người chiếm dụng có khi cũng không biết là mình đang chiếm dụng tài sản người khác.
Thật ra, tài sản trí tuệ có khả năng vật chất hóa không giới hạn, nên có thể tạo ra những giá trị rất lớn.
Theo thông lệ và các văn bản thỏa thuận quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm 2 bộ phận chính, được xác định rất rõ ràng.
Thứ nhất là quyền tác giả, phạm vi của nó bao gồm bản quyền đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (trong đó bao gồm phần mềm máy tính), quyền liên hệ đến các buổi biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, buổi phát sóng (trong đó có tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hóa).
Còn quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng, công nghiệp, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, và giống cây trồng.
Theo những tài liệu về quyền sở hữu trí tuệ, thì các tài sản trí tuệ, cả về sản phẩm văn học nghệ thuật lẫn các giải pháp công nghệ là các sáng kiến kinh doanh, là các sản phẩm không dễ gì tạo nên, đầu tư của chủ sở hữu rất lớn.
Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, nhìn nhận nó như một thứ của cải có chủ, trước hết là tôn trọng nỗ lực trí óc và công sức lao động của người tạo ra nó.
Đối với người con Phật, điều này phù hợp với lời Phật dạy. Chúng ta phải có trách nhiệm coi những sản phẩm trí tuệ vô hình cũng có giá trị như những sản phẩm vật chất và tôn trọng quyền sở hữu của nó tương tự.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ những ở giới hạn hẹp như thế. Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là tôn trọng lợi ích chung của xã hội, trong đó có chúng ta.
Quyền sở hữu trí tuệ kích thích những sáng tạo trí tuệ. Mà sáng tạo trí tuệ là một trong những động lực chính góp phần vào tiến bộ xã hội, thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển, tạo thêm nhiều của cải cải về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là vì lợi ích chung, lợi ích của số đông, không chỉ vì lợi ích của cá nhân hay tập thể có quyền sở hữu trí tuệ.
Nhìn nhận việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ quyền lợi của cá nhân người sở hữu tài sản trí tuệ lẫn bảo vệ lợi ích chung của cả cộng đồng, trong đó có tất cả chúng ta, để từ đó không lấy của không cho, quan điểm của đạo Phật là thống nhất với tập quán và luật pháp quốc tế hiện đại. 2500 năm trước, Đức Phật đã đặc biệt nhấn mạnh đến quyền sở hữu và coi sự tôn trọng sở hữu là nguyên tắc cơ bản.
Đó là cái nhìn chung của đạo Phật đối với quyền sở hữu, mà ở đây chúng ta đang bàn đến quyền sở hữu tài sản trí tuệ.
Nhưng đối với người có sở hữu, đức Phật luôn luôn dạy bố thí. Bố thí không phải là điều bắt buộc. Đạo Phật không quy định người có tài sản định lượng bố thí theo tỷ lệ thu nhập. Nhưng, không bố thí thì chắc chắn tu không kết quả. Người không bố thí thì sẽ cũng có quả báo không tốt.
Đối với sở hữu trí tuệ, quan điểm này đã thấy trong thực tế: hầu như tất cả các tác phẩm nghiên cứu về đạo Phật, nghệ thuật Phật giáo đều không giữ bản quyền dù là vẫn có thể dùng để kinh doanh.
Vì vậy, nếu có tài sản, mà ở đây là tài sản trí tuệ, chúng ta cũng nên tu hạnh bố thí.
Đối với những quốc gia đang phát triển như nước ta, điều kiện tài chính của đa số người dân vẫn còn giới hạn nhất định, bảo đảm đời sống chỉ ở mức tạm đủ về vật chất còn là khó khăn của nhiều người, thì chi phí cho những sản phẩm trí tuệ vẫn là một gánh nặng.
Vì vâỵ, người sở hữu tài sản trí tuệ càng nên có hạnh nguyên bố thí quyền sử dụng tài sản của mình. Đó là điều mà đạo Phật khuyến khích. Bố thí tất nhiên là được hưởng phước báo.
Như vậy, chúng ta mới có cái nhìn toàn diện về quyền sở hữu trí tuệ từ quan điểm đạo Phật. Không nên ngộ nhận đạo Phật khuyến khích “xài chùa”, coi quyền sở hữu của người khác là “của chùa”, nhưng cũng cần thấy rằng đạo Phật cũng luôn giáo hóa việc bố thí đối với mọi thứ tài sản.
Chiêm nghiệm điều này, chúng ta mới thấy sự ưu việt và tiến bộ của đạo Phật ở tất cả mọi lãnh vực, mà ở đây là lãnh vực rất mới: sở hữu trí tuệ.
MT