Trang chủ Văn hóa Hà Nội: Sen chơi mùa vội vã

Hà Nội: Sen chơi mùa vội vã

71

Cái giống sen với mùi thơm nồng nàn mà bền lâu này xem ra khó tìm được trong những khu chợ lớn vốn tràn ngập các loại hoa từ khắp nơi đổ về.

Đã có không ít người tự hài lòng với những bó hoa sen được trồng từ nơi khác, to hơn, thắm hơn, nhưng chính những bông sen này lại càng làm cho nỗi nhớ sen hồ Tây thêm da diết, sâu đậm hơn…


Ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với hồ Tây trong xanh với những vạt sen thơm ngát mọc kín bờ, toả một thứ hương thơm nhè nhẹ, nhưng nồng nàn trong mỗi trưa hè nóng nực.


Với lũ chúng tôi, mỗi bông sen là một kỷ niệm khó quên, đó là những đài sen quấn chỉ làm con quay, những ngó sen ngọt bùi hay những trưa hè phơi nắng với chiếc lọng làm bằng lá sen đung đưa trên đầu.


Lớn lên một chút, những ấm chè nóng của ông nội lại càng làm cho hương vị bông sen hồ Tây thấm đượm trong ký ức. Mỗi khi sáng ra, ông nội chèo chiếc thuyền nhỏ ra hứng những giọt sương còn đọng trên những bông sen hồng rực về pha trà cho cả nhà cùng uống.


Hà Nội đang phát triển, những toà nhà cao tầng thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp, người Hà Nội ngày một đông, ầm ĩ chen chúc nhau trên những con đường bê tông thay cho những con phố nhỏ lát gạch ngày nào… và hồ Tây cũng ngày càng bé lại, những bông sen hồ Tây cũng không còn dịp toả hương như ngày nào.


Một mùa sen nữa lại đến, những người Hà Nội “cầu kỳ” lại cất công tìm đến những đầm sen hồ Tây cuối cùng, mua những bông sen “tuổi thơ” ngày nào về bày trong nhà.


Những gia đình làm nghề ướp chè sen trên phố Hàng Gà, Hàng Điếu… lại thúc giục chủ đầm chuẩn bị sen cho những mẻ chè đang đợi “gạo”.


Tất cả như đang rất nóng vội vì một lý do nào đó, phải chăng họ sợ nay mai sen hồ Tây sẽ chẳng còn, hay vì những bông sen kia đang toả hương thúc giục…












Những vạt sen cuối cùng gần công viên nước hồ Tây đã bị bao bọc bởi những ngôi nhà cao tầng mọc lên xung quanh.












Gần 2.000 đồng cho một bông sen hồ Tây, cái giá không hề rẻ nhưng rất nhiều người Hà Nội đến tìm mua tận đầm và không quên mua cả cho những người thân khác trong gia đình.












Những ngó sen được bà cụ người Tây Hồ buộc cẩn thận bán bên đường vào Phủ. Trong khi đó, những người cháu của bà tỏ ra không mấy quan tâm với những mặt hàng khó làm giàu này. 












Mỗi sáng, vào mùa sen, cửa hàng nhỏ này tại Hàng Điếu lại cần 700 đến 800 bông sen để ướp chè. Công việc tách sen cần phải làm nhanh cho sen giữ được hương thơm lâu hơn khiến chủ nhà phải huy động tất cả anh chị em trong nhà, đôi khi, người bán sen cũng được tuyển dụng vào công việc này.













Những bông sen được tách ra, lấy những “hạt gạo” để ướp chè và mỗi cân chè thành phẩm phải cần tới cả nghìn bông sen, đó chính là nguyên nhân chè sen có hương thơm độc đáo cũng như giá thành đắt đến vậy.















 


Một cách níu giữ “ngày xưa” của một đôi bạn trẻ người Hà Nội.