Đó là khó khăn rất lớn đối với chủ nhà, bởi làm sao để có thể đạt được sự hài hòa cần thiết giữa hai không gian vốn có chức năng rất riêng song lại hòa quyện một cách mật thiết này.
Băn khoăn vấn đề thờ tự
Tâm linh là một yếu tố không thể thiếu đối với mỗi người, và yếu tố đó cần thiết phải được thể hiện ngay trong chính ngôi nhà của họ. Vì thế, một căn nhà chỉ có phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ… mà thiếu hẳn một không gian thích hợp để thiết kế gian thờ rõ ràng là một thiếu sót. Anh Bửu Tâm, chủ một căn hộ tại chung cư Ông Ích Khiêm, Q.11 cho biết: “Căn hộ của vợ chồng tôi có đến ba phòng ngủ, một phòng khách và một gian bếp, phòng vệ sinh. Khi mới tiếp nhận, chúng tôi đã phải bàn bạc với nhau để thiết kế một không gian thờ Phật vừa trang nghiêm, vừa không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình”. Và anh đã chọn giải pháp tối ưu: dành hẳn một căn phòng ngủ nằm về hướng Tây của căn nhà và hướng ra mặt tiền của chung cư để làm gian thờ Phật.
Căn hộ của chị Tâm Mỹ, tại khu chung cư Thanh Đa, Q. Bình Thạnh cũng có ba phòng ngủ, một phòng khác và một gian bếp. “Ban đầu, tôi đã dành hẳn một gian phòng để thờ Phật và gia tiên. Nhưng về sau, số thành viên trong gia đình tăng lên, tôi buộc phải chuyển bàn thờ Phật và ông bà sang phòng khách. Trong khi đó, chị bạn của tôi, sau khi con cái ra riêng, đã chuyển bàn thờ Phật và ông bà từ phòng khách sang một căn phòng riêng biệt”, chị tâm sự.
Tuy nhiên, không phải căn hộ chung cư nào cũng đủ rộng để chủ nhà có thể dành hẳn một gian thờ cúng. Nhiều gia đình Phật tử sống trong căn hộ có không gian hẹp đã rất băn khoăn với giải pháp thờ tự. Chị Diệu Huệ, ở tại khu chung cư Thanh Đa, bức xúc: “Căn hộ tôi ở có diện tích 3x9m, thông suốt từ ngoài vào trong, vì vậy tôi đã phải dùng vách ngăn tạm để phân chia các phòng. Tôi đã di chuyển kệ thờ Phật từ vách tường này sang vách tường khác đến hai, ba lần nhưng vẫn không vừa ý, vì thờ ở đâu cũng thấy thiếu trang nghiêm, thành kính”.
Ngày nay, khi dân số thành phố gia tăng đáng kể, các chủ đầu tư có xu hướng chia nhỏ căn hộ để bán cho nhiều người, dẫn đến tình trạng không gian sinh hoạt cảu người dân tại các chung cư vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Rất nhiều Phật tử sống trong không gian chật hẹp như thế đã không dám nghĩ đến việc thờ Phật. Họ không “nỡ” để Đức Phật phải chứng kiến những sinh hoạt quá đỗi đời thường…
Ở nước ta hầu như vẫn chưa có một nhà thiết kế nội thất nào chuyên về cách tiết kế, đặt để không gian tâm linh – thờ cúng trong gia đình. Nhiều căn hộ rất đẹp, có không gian thoáng rộng, nhiều phòng khách, phòng ngủ, song không gian tâm linh – thờ cúng lại hết sức khiêm tốn. Điều này chứng tỏ trong kiến trúc hiện đại, người ta đã dần dần đánh mất khong gian tâm linh vốn dĩ rất đỗi cần thiết trong việc nuôi dưỡng tâm hồn cho những “tế bào xã hội”. Dĩ nhiên, trong một không gian sinh hoạt hẹp như chung cư, không gian tâm linh lại càng bị thu hẹp hơn, thậm chí một số gia đình hoàn toàn không có khoảng không gian này.
Giải pháp thờ tự trong không gian hẹp
Qua tìm hiểu lối thờ tự (chủ yếu là thờ Phật) tại một số tư gia chung cư, chúng tôi nhận thấy các gia đình chủ yếu tận dụng không gian thờ tự tùy theo hoàn cảnh: hoặc dành hẳn (hay ngăn ra) một gian phòng để thờ – trường hợp này khá hiếm; hoặc kết hợp gian thờ với phòng khách; hoặc thờ ngẫu nhiên trên tường hay trên tủ buýp-phê, kệ sách. Ngay như căn hộ của anh Bửu Tâm, dù có một gian thờ riêng, song khoảng không gian phía trước bàn thờ vẫn được tận dụng để kê bộ sa-lông tiếp khách, trên tường là những chiếc kệ dày đặc những sách…
Một số người chọn giải pháp “ở chung với Phật” buộc phải thờ Ngài ở những góc chật hẹp của gia đình – đây là giải pháp phổ biến nhất. Họ tự thiết kế những chỗ thờ rất “ngẫu nhiên” như: trên kệ sách, góc tường, tủ buýp-phê… Nơi thờ tự vì vậy cũng muôn màu muôn vẻ và hoàn toàn tùy thuộc vào năng khiếu thẩm mỹ của mỗi người.
Phần lớn các tư gia chung cư thường kết hợp gian thờ cùng với phòng khách. Nơi thờ Phật thường là một chiếc am hoặc kệ thờ gắn liền vách; vách tường bên có thể là kệ thờ ông bà, đặt thấp hơn kệ thờ Phật một chút nhằm tiết kiệm tối đa không gian cho sinh hoạt. Kiểu thờ tự ngẫu nhiên trên kệ sách, tủ buýp-phê thường mang yếu tố trang trí nhiều hơn thờ tự. Gia chủ thường chọn những pho tượng cổ, những kiểu tượng như Quan Âm tọa sơn, Quan Âm tống tử, tượng Bồ tát Di Lặc,… tạo cảm giác gần gũi với sinh hoạt đời thường. Có trường hợp như căn hộ của anh H.T tại khu chung cư Q.10 chỉ treo độc mỗi bức ảnh Bồ tát Quan Âm, bên dưới bức ảnh là một chiếc tợ nhỏ với lư trầm và một bình hoa đơn sơ, giản dị – nhìn vào, ít ai nghĩ rằng anh đang thờ Phật, bởi anh thờ theo cách của riêng anh!
Kinh Pháp Hoa có nói: một mục đồng dù lấy móng tay vẽ chơi hình tượng Phật, một người chỉ biết cúi đầu, hoặc chỉ giơ một tay trước hình tượng Phật… cũng có thể được thọ ký thành Phật. Thế nên, dù với một không gian sống nhỏ hẹp, người Phật tử muốn gieo duyên với Phật, thiết tưởng hãy nên thiết kế một góc nhỏ tâm linh thờ Phật cho mình và cho các thành viên trong gia đình. Đó là điều mang đến rất nhiều lợi lạc…
Như vậy, trong một không gian chật hẹp và không được thiết kế sẵn như ở phần lớn các chung cư, việc thờ cúng của người Phật tử hẳn nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của mỗi người, vấn đề thờ tự, nhất là thờ Phật, thiết nghĩ cũng cần nên linh hoạt. Thờ Phật là để được nhìn thấy Phật, được chiêm ngưỡng dung nhan của Phật và nhất là để noi theo hạnh nguyện của Ngài. Chính vì vậy, trong một căn hộ mà không gian thờ cúng gắn liền với không gian sinh hoạt, vấn đề trang nghiêm hẳn nhiên sẽ chỉ ở một mức độ nhất định. Vấn đề là làm sao cho các thành viên trong gia đình cảm nhận được bầu không khí ấm cúng, hiền hòa khi hàng ngày họ được nhìn thấy Phật, có cảm giác như Phật luôn ở bên cạnh và kiến tạo được một đời sống gia đình theo đúng Chánh Pháp.
“Chúng ta thờ Phật là để tỏ lòng tri ân của chúng ta đối với một vị đã có ân đức lớn với nhân loại. Chúng ta thờ Phật là để có luôn luôn ở trước mặt một gương mẫu sáng suốt trọn lành để khuôn rập tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta được chân, thiện, mỹ như Phật vậy (…). Chúng ta thờ Phật là muốn luôn luôn đưốcc bên mình ngọn đèn trí tuệ của Ngài, cái hương từ bi của Ngài, để được sáng lây, thơm lây, chứ không phải chúng ta có mục đích cầu cạnh Ngài để Ngài ban phước, trừ họa…”
(HT. THÍCH THIỆN HOA – trích Phật học phổ thông)