Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Sự nhẫn nhục

Sự nhẫn nhục

67

Giống như các món gia vị được nêm trong thức ăn, nhẫn nhục là chất liệu bí mật làm cho cuộc đời thêm phong phú mau thành tựu. Sự nhẫn nhục có tính cách buông lỏng và dễ dãi. Vì vậy, với nhẫn nhục chúng ta có thời giờ để tìm hiểu giá trị của kinh nghiệm sống, tham dự sâu hơn vào tất cả những hoạt động của mình. Với nhẫn nhục chúng ta đối diện tương lai và trong hiện tại các giác quan của chúng ta được nuôi dưỡng thỏa mãn. Khi chướng ngại xuất hiện, ta tự biết là mình sẽ vượt qua được chúng bằng sự nhẫn nhục.

Không có nhẫn nhục thì đời sống giống như cầy ruộng không trâu, luống cày tất nông cạn và cong queo, công việc nặng nhọc lại không có kết quả. Với sự giúp đỡ mạnh mẽ và bền vững của nhẫn nhục, luống cày thẳng tắp và sâu, chúng ta sẽ gặt hái những thành quả do nỗ lực của chính mình. Đời sống sẽ an lành và mọi hoạt động của chúng ta đều có mục đích tốt. Ngày nay, chúng ta không thấy hạnh nhẫn nhục có liên quan gì tới ý niệm sức mạnh và sự đáng tin cậy. Nhẫn nhục còn được coi là thụ động, nhu nhược, hay kém thông minh. Vì đối với chúng ta sự nhẫn nhục có vẻ chậm chạp và không phương hướng nên chúng ta thường không nghĩ là nó không có giá trị, và chọn đường lối hành động dễ dàng hơn hay nhanh hơn. Khoa học kỹ thuật phát triển đã làm cho đời sống con người có nhịp độ phát triển nhanh hơn và làm cho chúng ta nghĩ rằng mọi việc đều có thể thành tựu, mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, với chút nỗ lực hoặc không cần phải nỗ lực gì cả.

Khi hiểu sự nhẫn nhục, chúng ta cũng tựa giống như những đứa trẻ hư hỏng cho rằng mình muốn gì được nấy. Nhưng khi gặp chướng ngại và những vấn đề không dễ vượt qua hay không thể giải quyết mau chóng, chúng ta sẽ sững sờ và dễ chịu thua. Khi gặp khó khăn chúng ta thường trốn tránh trong ảo tưởng, thay vì thẳng thắn nhìn sâu vào mọi vấn đề với sự cương quyết để thay đổi nó. Chẳng bao lâu, những vấn đề không được giải quyết sẽ giống như bầy côn trùng quấy rối chúng ta tới mức bực bội.

Không nhẫn nhục, hay nóng nẩy, là tính thô kệch làm hại thân thể và tâm trí. Khi nóng nẩy, hơi thở của chúng ta dồn dập khô khan, dẫn đến động tác của chúng ta không chính xác, và ý nghĩa không hữu lý. Chúng ta thường phạm sai lầm, và khi không đạt được mục tiêu sẽ nản chí. Khi không kiên nhẫn như vậy, tiềm năng hành động một cách tích cực và thông minh của chúng ta bị cản trở không thể phát triển, và chúng ta lại tự nghi ngờ bản thân, vì thấy mình không có sự hội tụ nào của ngoại lực.

Sự thiếu nhẫn nhục làm cho chúng ta chịu thua khi đã đến gần đích, và khi điều này lập lại nhiều lần, chúng ta tự phê bình nhiều hơn và cho rằng tất cả những gì mình làm đều không thành công. Đây là hậu quả tệ hại nhất của việc thiếu kiên nhẫn. Vì khi không còn hy vọng thì pháp tu thâm diệu nào cũng không thể đưa chúng ta đi tới đâu. Chúng ta không còn nhận biết được giá trị của mục đích tu tập, không còn tin vào giá trị của đạo quả.

Nhẫn nhục là pháp đối trị tốt nhất cho những khó khăn này. Khi nhẫn nhục, chúng ta có thể chấp nhận hay hợp tác với kinh nghiệm đời sống, thay vì tranh đấu chống lại nó. Như vậy chúng ta có thể cảm nhận được giá trị của mọi kinh nghiệm sống, dù tốt hay xấu. Nhưng có điều trái ngược là khi nhận thấy là cần phải biết nhẫn nhục thì chúng ta lại nóng nảy. Thay vì phát tâm nhẫn nhục, chúng ta chống lại sự không nhẫn nhục của mình mỗi lần nó xuất hiện. Khi thấy mình bồn chồn suy nghĩ, chúng ta lại cưỡng bức mình phải bình tĩnh.

Sự nóng lòng lo nghĩ có thể là những vị thầy tốt nhất luyện tập cho chúng ta tính nhẫn nhục. Hãy chú ý lắng nghe sự bồn chồn nóng nảy. vì nó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần phải buông lỏng những ước vọng và những đòi hỏi đối với bản thân. Chúng ta nên biết rằng sự không kiên nhẫn phát sinh như thế nào, quán sự co rút năng lực thân và tâm, ghi nhận sự không nhẫn nhục gây ra ý niệm thất vọng như thế nào.

Thay vì đuổi theo sự nhẫn nhục, thì cứ hãy buông lỏng và để cho nó tới tự nhiên với mình. Chúng ta hãy thả lỏng sự căng thẳng của thân thể, mở rộng tâm trí ra để cho lực của cảm xúc trôi chảy, hãy để cho lực nhẫn nhục có tính cách xoa dịu xuất hiện bên trong mình và chảy qua thân thể một cách dễ dàng. Cách này chính là hành động nhẫn nhục.

Khi cảm thấy mình thiếu bình tĩnh hay không kiên nhẫn được, bạn nên tới nơi thoáng mát, hay bách bộ ở một chỗ cao, có không khí trong lành. Khung cảnh này làm cho chúng ta bình tĩnh. Một cách khác để chuyển hóa sự nóng nảy, bồn chồn và cảm xúc là luyện tập với màu sắc. Chọn một màu nào mình thích rồi thưởng thức những phẩm tính của nó. Rồi mang nó tới với ý thức bên trong để nó tiếp xúc và điều trị sự không nhẫn nhục mà mình đang cảm thấy. Chúng ta cũng có thể chú tâm vào những bông hoa, tranh ảnh, hay những vật mỹ thuật khác, thưởng thức vẻ đẹp của chúng, rồi để cho chúng chuyển hóa sự mất bình tĩnh thành lực nhẫn nhục êm dịu và đáng ưa.

Với pháp nhẫn nhục chúng ta có thể dùng những khó khăn một cách có lợi cho mình. Nhẫn nhục là người bạn tốt nhất, đáng ưa, rộng mở và dễ dãi. Chúng ta có thể u trầm, hay thay đổi, hoặc khó tính. Nhưng hạnh nhẫn nhục chấp nhận những tính chất này và chăm sóc chúng ta ở mức sâu hơn. Lực nhẫn nhục di chuyển một cách dễ dàng khắp thân thể, tỏ thái độ thân thiện và lợi ích từ tim của chúng ta vào công việc, hay những mối liên hệ, và mọi phương tiện của đời sống.