Tôi leo lên một tầng gác và nhìn về hướng quê tôi, hình dung đủ thứ nhưng nhớ nhất vẫn là khói lam chiều với dáng mẹ tôi gầy cong như đòn gánh.
Tháng 7 quê tôi nhộn nhịp những người, những xe ô-tô láng coóng chạy vù vù vào làng để lên chùa lễ Phật cầu an.
Mẹ tôi vẫn quang gánh xuống chợ, bán dăm ba bó rau, mớ chanh, vài nải chuối cau vàng ươm, ngọt lựng, xế trưa mới tong tả ngược nắng về nhà. Mồ hôi lã chã rơi xuống hai gò má gầy và vầng trán đầy những nếp nhăn. Tôi lùa đàn bò về trong sân uống nước giếng rồi cột chúng vào dưới mấy gốc tre, chúng nằm nhơi nhơi cỏ, ngủ gật.
Tôi chạy vào với mẹ, tìm trong thúng mủng của mẹ những quà bánh chợ quê, ăn ngúng nguẩy rồi cười toe cái miệng có mấy chiếc răng sún… Khi ấy, tôi chưa hiểu gì về ngày Vu Lan – ngày của Mẹ!
Quê tôi không có ngày lễ Vu Lan mà người dân chỉ quen gọi là ngày Rằm tháng 7. “Cả năm được rằm tháng 7, cả thảy được rằm tháng giêng” – câu tục ngữ ấy đã theo tôi lớn lên với tuổi thơ tóc vàng hoe vì nắng và gió Lào trên miền quê nghèo xứ Nghệ.
Với những củ sắn, củ khoai mà trước những năm 1986, cha tôi nhường cho chị em tôi phần cơm ít ỏi trong một nồi cơm trộn sắn. Với những vại dưa mẹ tôi muối mặn để đến mùa đông lấy ra kho với chút nước mắm, chút mỡ heo làm thức ăn mặn cho cả nhà. Tôi nhớ món tép khô kho khế của mẹ…
Tôi vẫn thường có những giấc mơ về tuổi thơ với những ngày tháng bình yên bên mẹ, những ngày tháng mà tôi đã được đúc kết thành hình hài, tuổi thơ và những giấc trưa hối hả.
Tôi lớn lên, vào đại học rồi ra trường và đi làm ở một thành phố lớn, bỏ lại mẹ tôi với những buổi chiều hun khói bếp một mình. Cha tôi là một thợ mộc giỏi nhất trong làng, ông là thợ bậc 7, rất rành nghề và đam mê trong từng nét chạm trổ.
Ông thường xuyên làm những chiếc tủ bích phê bằng gỗ gõ, gỗ dổi cho bà con trong xóm. Cha tôi thường dùng tay miết miết những chỗ chạm khắc hoa văn. Tôi không phải là một nhà điêu khắc để hiểu hết những tình cảm mà cha tôi đã đổ dồn vào từng nếp gỗ, nhưng tôi biết cả cuộc đời của ông, nghề mộc đã ăn sâu vào máu thịt! Ông nói với tôi rằng, đã không làm thì thôi, làm thì cho “ra hồn”.
Chính từ câu nói ấy của cha tôi mà khi tôi cầm bút viết một điều gì đó, tôi thường trăn trở…
Hôm nay, khi ở phố người ta đi mua quà tặng mẹ rất nhiều với bạt ngàn quà tặng, tôi chợt nhói lòng khi nghĩ đến mẹ tôi. Trong cuộc đời mình, mẹ chưa bao giờ mặc một bộ quần áo đẹp, mua một đồ đắt tiền cho riêng mình. Mẹ chắt chiu từng cắc, từng đồng để lo cho chồng, cho con.
Chính vì vậy mà nhà nghèo nhưng cả mấy chị em chúng tôi đều được ăn học đàng hoàng, mùa tựu trường được diện những bộ quần áo mới “khoe khoang” với bạn bè. Người xứ Nghệ thủy chung và với tôi, mẹ là mẫu người phụ nữ lý tưởng!
Lễ Vu Lan – lễ báo hiếu cha mẹ, hãy tặng cho những ai đang còn mẹ một bông hồng đỏ và hãy cài lên áo của những ai mất mẹ một bông hồng trắng. Gió thảng khóc bên trời. Khi những khoảng không gian sống trong cuộc đời mỗi người không chật hẹp, hiển nhiên hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người khác nhau, nhưng bao giờ cũng có những sai lệch.
Vòng xoay của thời gian luôn luôn hiện hữu trong mỗi cuộc đời. Trong trái tim tôi, những kỷ niệm về mẹ cứ sống dậy cồn cào mỗi khi ai đó thoáng nhắc đến Vu Lan. Cuộc sống hiện đại đưa người ta đi đến nhiều nơi nhưng nơi sâu nhất trong mỗi cuộc đời vẫn là lòng mẹ: bao dung và thứ tha.
Đó chính là cội nguồn mà khi lớn lên, trưởng thành rồi về với đất, mỗi người đều hướng về mẹ. Và hơn thế, có ai đó trong cuộc đời này đang hạnh phúc khi có mẹ thì hãy biết nâng niu. Để mẹ mãi là một chiếc lá xanh – sống mãi trên CÂY CUỘC ĐỜI với bao nhiêu đổi thay nhân thế.