Trong đám tang ba tôi có rất nhiều người đến viếng, nhưng hai chị em tôi và bà con dòng họ đều ngạc nhiên khi có mấy người đàn bà rất đẹp, họ không đến cùng một lượt, song đều khóc gọi tên ba trước linh cữu, đều tới viếng bằng những bông hoa hồng đỏ thắm. Sau đó, họ đến chỗ mẹ chào một cách kính trọng, nhìn mẹ bằng ánh mắt vừa có vẻ ngưỡng mộ, vừa rất buồn. Mẹ tôi đáp lễ, nắm chặt tay họ, hai bên nhìn nhau bằng ánh mắt cảm thông chia sẻ và không nói bất cứ câu gì…
100 ngày ba tôi, không thể kìm nổi sự tò mò, tôi hỏi mẹ:
– Họ là ai, sao chưa bao giờ gặp, hay làm khách nhà mình?
Mẹ cười rất nhẹ:
– Con hãy tự hào có một người cha sống đẹp nên có rất nhiều người thương.
Nhưng rồi tôi không thỏa mãn với câu trả lời có cũng như không của mẹ, tôi tự đi tìm theo cách riêng, bắt đầu từ những tấm ảnh chụp trong đám tang ba. Điều tôi khám phá thật bất ngờ. Tất cả những người đàn bà đó đều đã từng là người yêu ba tôi, nhưng ba có yêu họ và phản bội mẹ hay không thì tôi không biết. Tôi nói điều đó với mẹ. Ai dè mẹ còn làm tôi bất ngờ hơn:
– Mẹ biết, nhưng mẹ tôn trọng ba, và ba con yêu mẹ không ai thay thế được, ba là người đàn ông có trách nhiệm, chu tòan trong gia đình. Đàn ông đôi lúc cũng có chút xao lòng, mà họ thật sự là những người đàn bà đáng kính, họ tôn trọng ba, tôn trọng mẹ, tôn trọng hạnh phúc gia đình ta, mẹ cũng thương họ nhiều. Con đừng làm gì để họ tổn thương, mà vong linh ba con buồn.
Thế thôi, đủ thấy trái tim, tấm lòng của mẹ cao cả đến thế nào, chứng tỏ mẹ yêu ba nhiều lắm, có thể bỏ qua tất cả, có lẽ vì thế mà ba cũng yêu mẹ mà không người đàn bà nào chiếm được vị trí đó của mẹ.
Nhưng điều tôi thần tượng mẹ không chỉ có thế. Trong tôi, cuộc đời mẹ là điển hình của người phụ nữ Việt Nam yêu chồng, chung thủy, thương con và tròn trách nhiệm với Tổ quốc.
14 tuổi, mẹ bỏ lại cuộc sống trên nhung lụa của một tiểu thư học trường Tây, con nhà đại điền chủ ở Miền Tây Nam Bộ, chịu cực khổ, gian nan, vất vả theo cách mạng đi kháng chiến chống Pháp. Được giác ngộ về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân Việt khi Tổ quốc bị xâm lược, niềm tự hào là dân của một nước độc lập, mẹ kiên trì đi suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ với nhiều thành tích được Nhà nước, Chính phủ khen tặng. Đó là việc nước, mẹ đã làm tròn.
Còn việc “nhà”- Tôi phải dùng chữ “vĩ đại” tôn vinh mẹ trong tôi. Khi hai chị em tôi còn nhỏ, đứa bồng, đứa ẵm, ba tôi nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường Miền Nam công tác bí mật. Chiến tranh cũng nổ ra ở Miền Bắc, Đế quốc Mỹ leo thang đem bom vào bắn phá các tỉnh thành phía Bắc, kể cả Hà Nội. Mẹ, tay hai con, lại là tự vệ cơ quan, chồng đi vào chiến trường mà lành – dữ là số phận không thể biết được ngòai chờ đợi và hy vọng. Thế mà mẹ vẫn chu tòan. Thời này như tôi, không thể hiểu nổi sức mạnh ở đâu ra mà mẹ có thể vượt qua được thời kỳ đấy. Đâu chỉ là khó khăn, vất vả, mà còn cả sự chờ đợi ba trong niềm tin sắt đá, nhất định ba sẽ trở về với mấy mẹ con. Vì thế mẹ đã qua được 11 năm không tin tức, thư từ của ba, chỉ có những tin đồn 2 chữ khô lạnh “mất tích”.
Ngày ấy, tôi còn nhỏ, thấy mẹ toàn mặc đồ bà ba màu đen, ngay cả mùa đông đến, áo len, áo khoác của mẹ cũng vẫn là màu đen. Hỏi mẹ sao không là màu khác? Mà tôi cũng quên không nói, mẹ tôi là người đàn bà đẹp, nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ, đằm thắm, phúc hậu, sau này khi gia đình sum họp ngày Miền Nam giải phóng, ba tôi thường tự hào khoe:
– Hồi đó lấy được mẹ tụi bây, bao người ghen vì mẹ là gái Nam Bộ vừa giỏi vừa đẹp, của hiếm ai cũng ước ao.
Tôi hỏi mẹ vì sao mẹ cứ mặc màu đen hoài vậy, mẹ nói rất khẽ: “Mẹ nhớ ba”, rồi ôm riết hai chị em tôi vào lòng. Nhưng cũng rất lạ, tôi chưa thấy mẹ tôi khóc bao giờ. Hồi đó ở nhà tôi có nhiều khách, phần lớn là những người mẹ tôi nói hai chị em gọi là chú, bác, cậu…, tôi thấy họ rất quí mẹ, và hay cho quà chị em tôi, nhưng mẹ lại có vẻ không thích, nhiều lần thấy mẹ không mở cửa và mời khéo họ về. Tôi nhỏ, chưa hiểu chuyện, chỉ lạ thôi, đến khi lớn lên nhớ lại, tôi hiểu, mẹ đẹp, ba thì biền biệt không tin tức mà hình như là “mất tích”- đồng nghĩa với “hy sinh”, chỉ là không chính thức thông báo, mẹ lại giỏi mà còn trẻ, lại đẹp… Song trong trái tim mẹ chỉ có duy nhất bóng hình ba. Sau giải phóng, gặp ba, mẹ không mặc màu đen nữa, hỏi mẹ, cười:
– Hồi đó nghe tin thất thiệt, cũng không biết được thực hư, chiến tranh làm sao tránh khỏi mất mát, mẹ muốn trọn vẹn suốt đời với ba.
Chuyện tình yêu của mẹ với ba cũng ly kỳ lắm. Từ khi gặp nhau trong chiến khu thời kháng chiến chống Pháp, hai người đã để mắt đến nhau- một thiếu nữ nhà giàu, học trường Tây, đẹp trong bưng biền và một chàng bộ đội nhiều chiến công, cũng rất đẹp trai, lại giỏi cầm-kỳ-thi-họa… cứ y như hai nhân vật trong tiểu thuyết hồi ấy, nghĩa là lãng mạn, đẹp đôi, nhưng kỷ luật thời đó chỉ cho hai người nhìn lén và “yêu” thầm trong lòng không lộ ra cho bất kỳ ai, ngay cả “đối tượng”. Đến khi tập kết ra Miền Bắc hai người “lạc” nhau, vì đi khác chuyến khác tàu. Mẹ và ba đã đi tìm nhau đến mấy năm, cứ rảnh ngày nào là lặn lội đến các đơn vị bộ đội, các cơ quan có người Miền Nam tập kết hỏi thăm. Có lẽ ông Trời thương, hay do linh cảm của hai trái tim thật sự yêu nhau đã mách bảo mà mẹ và ba gặp lại nhau ở Hải Phòng, trong khi mẹ làm việc ở Hà Nội, ba đóng quân ở Xuân Mai- Hòa Bình. Hỏi ra mới biết, bữa đó là ngày kỷ niệm con tàu đưa cán bộ kháng chiến Miền Nam cập cảng Không số ở Đồ Sơn- Hải Phòng, mẹ tới đó để nhớ kỷ niệm đầu tiên trên đất Bắc, ai dè ba cũng tới đó với cùng mục đích, tàu của hai người cập cảng cách nhau đúng 3 giờ, và 3 giờ cho 3 năm đi tìm nhau. Cái kết “happy ending”, hai người là mẹ, ba của tôi. Mẹ kể, thời gian được ở bên ba tới ngày giài phóng 1975, gần 20 năm nhưng cộng lại chưa đầy tháng.
Tôi càng lớn, càng thấm cái tình mẹ dành cho ba. Ngày ba mất, mẹ ngẩn ngơ, cả năm trời mẹ thẫn thờ, chiều nào cũng ngóng ra cửa như đợi ba đi làm về. Nhớ những lúc ba còn sống, mẹ chăm sóc ba từng cái áo ngủ, miếng ăn, hớp nước… như tất cả thời gian xa nhau trước đây mẹ muốn bù đắp, mà nhìn mẹ những lúc đó cứ ánh lên niềm hạnh phúc, lấp lánh trong mắt, trong nụ cười, trong giọng nói dịu dàng với ba. Lại nhớ thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam, ba công tác ở Campuchia, mỗi lần đi về là mẹ cặm cụi khâu vá và chế biến đủ kiểu các thức ăn khô để ba mang đi, tôi còn nhớ, chỉ riêng các món muối mà mẹ làm tới 5,6 hũ khác nhau, rồi các lọai thịt sấy khô…rất kỳ công. Sau có mấy chú trong đơn vị ghé nhà chơi nói lại, khen các món muối và khô của mẹ ngon hơn cao lương mỹ vị, ba ngồi khóai chí cười nhìn mẹ đầy hạnh phúc.
Khi ba được chuyển làm công tác ngọai giao ở thành phố, mẹ chăm ba theo kiểu khác. Mẹ lo từng cái áo sơmi, cravat sao cho lịch sự, màu sắc trang nhã, phù hợp với tính chất của buổi tiếp khách. Còn ăn uống thì khỏi nói, mẹ luôn biết ba thích món gì để ba không bữa nào không nói: ”Mẹ tụi bây nấu ăn ngon hơn cả cơm vua, ăn quên no”. Tôi chưa khi nào thấy mẹ ba to tiếng với nhau, ngay cả khi ba lên cơn đau dạ dày, trái tính rầy rà, gắt um nhà, mẹ vẫn dịu dàng lấy nước nóng chườm bụng ba, lấy thuốc cho ba, có lẽ thế mà chỉ thóang chốc thấy ba dễ chịu lại ngay. Và hai người thật sự có những lúc rất tình mà hai chị em tôi và bạn bè đến nhà phải ngưỡng mộ. Thi thỏang, mẹ và ba cùng ngồi đàn hát với nhau, ba ghi-ta, mẹ mandolin, hai người hát những ca khúc tiền chiến, ca khúc thời chống Pháp, có khi còn hát cả nhạc Pháp xưa đến gần thế kỷ. Nếu không biết, có thể nghĩ đây là cặp tình nhân chỉ mới tuổi đôi mươi, rất lãng mạn, rất tình tứ.
Mẹ là người đàn bà giản dị cực kỳ, nhưng lại luôn quan tâm đến cái mặc của mấy cha con. Mẹ nói ba làm ngọai giao không thể muốn gì mặc đó, phải giữ thể diện cho ba cũng là cho nơi ba đang đại diện để làm việc nước. Ba tôi luôn được khen là người có “gu” thẩm mỹ – nhưng thật ra là nhờ vào mẹ hết. Còn chị em tôi, mẹ cũng là một nhà thời trang “siêu”, mẹ nói còn trẻ phải biết mặc đẹp, vừa làm cho mình đẹp hơn, vừa cảm thấy tự tin hơn khi tiếp xúc trong công việc, không hiếm lần những gì mẹ mua cho hai chị em được bạn bè trầm trồ vì đẹp, những lúc đó, tôi hếch mặt lên khoe:” Là của mẹ đấy”, thế là thêm một lần bạn súyt xoa: “Người mẹ tuyệt vời”. Với mẹ, chị em tôi khi bước chân về nhà vẫn là những đứa con bé bỏng, cần chăm sóc, dù chúng tôi đã làm cha làm mẹ, có vị trí trong xã hội. Mẹ vẫn luôn dành tình yêu cho chúng tôi, và cho cả những đứa cháu nội, cháu ngọai, mà đôi khi mẹ buột miệng:” Chúng nó giống ông”.
Tôi thuộc típ phụ nữ hiện đại, để làm được như mẹ với tôi là một thử thách đầy khó khăn, nhưng trong tôi luôn có mẹ như một thần tượng, một vị thần để tôi nương tựa về tinh thần, để tôi có thể làm người phụ nữ Việt Nam truyền thống ít nhất trong gia đình.