Trang chủ Đời sống Tâm linh Mâm cơm rằm tháng bảy

Mâm cơm rằm tháng bảy

98

Ở các chùa, mùa Vu Lan đã được nhắc nhở từ rằm tháng Sáu Âm lịch. Những bàn thờ vong phía sau hậu liêu luôn nghi ngút khói hương. Nhiều gia đình đã đến lau chùi nơi yên nghỉ của ông bà, cha mẹ mình, đặt lên đó những đĩa trái cây và những cành hoa vạn thọ.

Qua đầu tháng bảy, trong chùa luôn vang tiếng tụng kinh và sau hậu liêu, từng mâm cơm cúng được đặt trước những bàn thờ. Con cháu thành kính mời ông bà, cha mẹ về hưởng lộc. Đó là những mâm cơm chay do con cháu người quá cố đặt nhà chùa làm. Những món ăn thanh đạm giống nhau, gợi nhớ rằng ông bà, cha mẹ mình giờ đây đã “về nơi tiên cảnh”. Con cháu cúng bái xong lục tục về nhà, trong lòng thoáng chút bâng khuâng.

Mâm cơm cúng luôn có đầy đủ món ăn bố mẹ thích

Tôi cũng thường đặt mâm cơm cúng bố mẹ ở chùa, như một nghi thức. Trong tiếng kinh tụng đều đều, đám con cháu chúng tôi mắt cay vì khói nhang, thành kính tưởng nhớ những người đã khuất và sau đó để lại mâm cơm cúng ở chùa, bố thí cho những người khổ nhọc.

Mâm cơm cúng, nơi con cháu nhớ về kỷ niệm

Ngày rằm tháng bảy âm lịch, tôi và cô em gái ra chợ từ sớm, cố tìm cho được những trái khổ qua còn ướt sương, cuống còn rịn từng giọt nhựa, những búp măng tươi vừa nhú, bé bằng nắm tay, những con tôm thẻ mắt còn xanh trong và con gà mái vừa nhảy ổ. Thật ra, ngày từ hôm trước, chúng tôi đã phải ra chợ, dặn người bán lung sục cho mình. Chúng tôi muốn làm một mâm cơm cúng với tất cả những món ăn khi sinh thời bố mẹ mình ưa thích.

Mẹ tôi là người khéo tay, nấu nướng rất giỏi. Ngày còn sống, bà thường chế biến rất nhiều món ăn lạ lùng cho bố con tôi thưởng thức. Phần bà, bao giờ cũng có món khổ qua nhồi tôm thịt hầm nhừ. Ngày ấy, tôi đã háo hức thò đũa vào gắp một khoanh khổ qua xanh ngắt, bên trong ruột hồng hào màu tôm thịt, đưa lên miệng cắn và thốt kêu lên, nhả  vội ra vì vị đắng của nó. Mẹ tôi cười: “Đắng lắm à, con? Nhưng bổ và mát lắm đấy. Tập ăn đi nào”.

Tôi lắc đầu quầy quậy. Không. Đắng còn hơn thuốc mà bảo tôi ăn ư? Không. Mẹ liền gắp vào bát cho tôi miếng tôm chiên đuôi phụng và bảo: “Thôi, ăn tôm đi. Ăn cho cứng xương mà chạy nhảy với chúng bạn”.

Những món ăn khó quên của bố mẹ

Trong tay mẹ tôi, những món ăn bình thường cũng trở nên hấp dẫn lạ lùng. Mỗi ngày, bố con tôi đều háo hức chờ đến giờ cơm để xem mẹ nấu món gì. Những bìa đậu phụ mà khi nhìn thấy trong giỏ đi chợ của mẹ, tôi đã chun mũi phụng phịu: “Đậu à? Chán chết!”, thì lát sau, nó đã thành những miếng đậu cắt quân cờ, nhúng vào trứng gà, lăn bột và chiên lên, thơm phức.

Ngay cả đĩa thịt đông, mẹ cũng làm khác người ta. Mẹ nấu chung thịt gà, thịt heo và cả tôm nõn, nấm mèo, cùng rất nhiều bì thành một hỗn hợp nhiều màu sắc. Chúng tôi vui thích nhìn đĩa thịt úp ngược, trong vắt với từng lát tôm,thịt đan xen nhau. Khi ăn, chúng có mùi vị thật khó tả.

Thịt đông cũng là món bố tôi thích ăn. Ông không ăn với cơm như chúng tôi mà gắp vào bát, ăn với dưa chua muối xổi. Sau khi mẹ tôi qua đời, có lần giỗ mẹ, khi thấy tôi dọn lên món này, mắt bố đã rưng rưng.

Mỗi lần giỗ mẹ hoặc vào dịp Vu Lan, bố luôn tự tay vào bếp nấu món khổ qua nhồi tôm, thịt để cúng mẹ. Tất nhiên, canh bố nấu không thể ngon bằng mẹ, nhưng qua đó, ông đã dạy chúng tôi nhớ về mẹ bằng những kỷ niệm xác thực, bình dị nhất. Để rồi khi ông mất đi, chúng tôi lại đặt lên bàn thờ ông đĩa thịt đông, dưa chua, đĩa gà luộc với một ít lá chanh thái nhỏ, bát măng tươi hầm với thật nhiều đầu hành…

Qua khói hương nghi ngút, ánh mắt của bố tôi trong tấm ảnh thờ như nheo lại trong một nét cười hài lòng. Và thế là nước mắt chúng tôi ứa ra. Hơn lúc nào hết, chúng tôi nhớ bố mẹ vô cùng.

Chúng tôi nhớ lúc vừa giải phóng, kinh tế gia đình thật khó khăn. Cả tháng, chúng tôi chỉ ăn một loại rau củ là su su và một loại động vật là cá nục hấp. Mẹ tôi lúc ấy vừa qua đời không bao lâu, chỉ còn bố vừa đi làm, vừa về nhà nấu nướng cho các con ăn. Ông tất nhiên là không biết nấu món gì ngoài món su su luộc, su su xào, canh su su nấu tôm khô.

Món cá nục hấp kho mặn, ông cũng không biết phi nước màu cho vào nên trắng bợt bạt. Món đậu hũ, thỉnh thoảng ở cơ quan cấp phát, bố đem về chỉ biết rán lên để chấm tương. Ngồi trước mâm cơm, nhìn lũ con nhăn nhó, kêu chán, nước mắt bố ứa ra. Ông vừa dỗ, vừa quát: “Ăn đi. Có cái ăn là may rồi, còn chê à?”. Và khi lũ con nước mắt ngắn nước mắt dài và cơm vào miệng, ông bỏ ra ngoài nhà, đứng gục đầu trước bàn thờ vợ, khóc lặng lẽ, âm thầm.

Những năm về sau, kinh tế khá ỉa hơn, bữa cơm gia đình đã có đầy đủ các món, chúng tôi cũng không thể nào quên những món ăn vụng về mà bố đã nấu, những giọt nước mắt của ông đã rơi vì xót con và nhớ vợ. Thế là mâm cơm cúng mẹ tôi, bên cạnh những món bà thích, từ đó còn có thêm món su su luộc, món cá hấp kho không óc nước màu.

Trong khói  hương, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ hãy ăn những món bố nấu. Nhờ nó mà chúng con đã khôn lớn thế này đây”. Những năm khó khăn, bố tôi còn “sáng tạo” một món ăn khác cho các con. Đó là món quả bơ trộn muối tiêu. Thay vì trộn đường, trộn sữa và đập đá vào làm món giải khát, ông cắt miếng, rắc chút muối tiêu lên và dỗ chúng tôi ăn với cơm nóng. Trong cơn mưa dầm sùi sụt của miền cao nguyên giá lạnh, món ăn lạ lùng này lại bén miệng lũ trẻ, ngon đến lạ lùng.
Mùa Vu Lan cũng là mùa bơ trên Đà Lạt chín quả. Bàn thờ của bố mẹ tôi lúc nào  cũng có vài quả. Có khi mấy chị em tôi đi làm về, mỗi đứa mua một túi. Hoá ra chúng tôi đều nhớ đến kỷ niệm thời thơ ấu của mình.

Hãy làm Mục Kiền Liên ngay khi bố mẹ còn sống

Bố tôi qua đời khi chị em tôi đã trưởng thành và đã có gia đình. Chính khi trên đầu không còn bóng mát và trở thành chỗ dựa của các con, tôi mới hiểu mình đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để báo hiếu.

Đôi lúc mất ngủ, tôi luôn lặng lẽ lên phòng thờ, thắp hương cho bố mẹ và khấn thầm: “Xin hãy tha lỗi cho con”. Tôi ân hận khi bố mẹ còn sống, mình đã không dành nhiều thì giờ chăm sóc, hỏi han ông bà.

Dường như tất cả những đứa con đều nghĩ rằng làm cha mẹ là phải quan tâm, chăm sóc các con. Nước mắt chảy xuôi chứ có bao giờ chảy ngược? Vì thế, chúng tôi vui chơi, hạnh phúc, đau khổ, nói cười, khóc lóc vì yêu đương, vì những mối lo của bản thân mà quên mất mình còn có bố mẹ bên cạnh, cũng rất cần mình lo lắng, quan tâm.

Tôi ân hận rằng có lúc mình đã gắt gỏng, bực dọc với bố. Mẹ mất khi chúng tôi còn nhỏ và bố đã ở vậy để nuôi dưỡng các con. Bố không đi bước nữa vì sợ con mình khổ. Sự hy sinh to lớn ấy, tôi chỉ hiểu được khi chính mình tan vỡ hạnh phúc và một mình nuôi dưỡng các con. Càng nhiều tuổi, tôi càng  thấy cô đơn, cô quạnh, nhất là khi các con đến tuổi trưởng thành. Ngẫm  từ mình rồi nhớ đến bố mẹ, lòng tôi xót xa, đau nhói.

Giờ đây, dù kinh tế khá giả đến đâu, tôi cũng không thể phụng dưỡng bố mẹ như ý mình mong muốn. Bao nhiêu thứ sơn hào, hải vị được nấu để cúng dường, chẳng qua chỉ để an ủi chính mình. Tôi luôn ứa nước mắt khi đứng trước mâm cơm cúng với những món ăn bố mẹ ưa thích, ước rằng có thể đi ngược lại ngày xưa.

Nếu bạn may mắn vẫn còn bố mẹ ở trên đời, hãy tự cài một bông hồng đỏ trên áo và như một đứa trẻ, hãy ôm lấy bố mẹ để nói rằng: “Con yêu bố mẹ lắm!”. Hãy nấu cho ông bà ăn tất cả những món ông bà thích, dù bạn có bận bịu thế nào hoặc nấu nướng vụng về đến đâu. Đó là điều tôi ao ước nhưng không được. Đừng để giống như Mục Kiền Liên xưa, phải bật khóc khi bát cơm cúng không đến được tay mẹ mình ở chốn suối vàng…