Theo thông lệ mẹ tôi cũng mua vàng mã, hoá cho những người đã khuất trong gia đình. Hình như đó là một tục lệ của người đang sống đối với linh hồn những bậc tiền bối.
Ngôi chùa Kim Phúc đầu phố bữa nay tấp nập người vào ra. Chuông thỉnh từ sớm mai. Có lẽ hôm nay là ngày lễ đầy tình nhân ái, nên các vị sư trên chùa, đã đèn nhang, oản chuối, tụng kinh từ sớm để những vong hồn không nơi nương tựa được siêu sinh, tịnh độ. Tam bảo đèn nến sáng choang, sư thầy ngồi giữa, các tăng ni khác ngồi phía dưới, chắp tay tụng niệm theo tiếng mõ và những câu kinh ông đang đọc.
Vong nhân là những người đã khuất. ở trên đời, một kiếp người thế nào chẳng có việc tốt, việc xấu. Người làm việc xấu, mắc tội và phải đền tội khi về cõi âm. Tết Vu Lan, là để thức tỉnh mọi người làm điều thiện, tránh điều xấu, điều ác để mắc vào vòng tội lỗi, cũng là ngày đức Phật mở lòng hiếu sinh xá tội cho những vong hồn được giải thoát để hưởng lộc trần gian cúng bái cho họ.
Trong Tết này, những vong hồn nào đó, vừa được xá tội, nhận lấy tấm lòng thơm thảo của những người thân thích trên trần cầu Phật để họ được hưởng ân huệ. Cha tôi giảng cho tôi nghe chuyện Bồ Tát Mục Liên. Mẹ bà là bà Thanh Đề, quê ở Mộ Chu là người độc ác nhất trên đời, không coi thần thánh ra gì. Những ngày sinh con, đã đem những sống áo lành bẩn ra sông giặt làm động đến thuỷ cung. Khi chết bị đầy xuống địa ngục chịu cực hình, rất khổ cực. Con bà là nàng Mục Liên, thương mẹ thương đời, quyết chí đi tu, làm điều thiện và thành Bồ Tát. Sau đó, lòng thành đã thấu đến Thần, Phật, Bồ Tát Mục Liên đã xuống âm phủ, đón mẹ được xá tội ra.
Hoá ra Tết Vu Lan cũng là ngày tưởng nhớ, ngày báo hiếu cho những người đã khuất.
Nhà tôi ăn cỗ xong, mẹ tôi đem lễ vật lên chùa. Chùa lúc này tấp nập hẳn lên. Ngay trong lòng tam quan, một hoả ngục khá lớn là bằng tre và dán giấy xung quanh, có thềm, có cửa. Ngoài thềm, bốn bên cửa ngục, có bầy lễ vật và đặt những bát hương.
Đèn nến, đuốc thắp sáng trưng. Sau khi hành lễ tụng kinh trên tam bảo, sư thầy, sư bác và các bà vãi chạy đàn, mỗi người trong tay cầm một chiếc phướn hoặc một nén nhang, thành kính chạy theo sư thầy. Lại có cả những vai chèo, hề, và Mục Liên cũng dự trong đoàn người chạy đàn ấy. Sư thầy dẫn cả đám người trong đoàn hành lễ, chạy lên đền mẫu, chạy qua tam bảo, xuống cây hương rồi bước vào tam quan chạy mấy vòng qua bốn cửa ngục.
Trước mỗi cửa ngục, sư thầy đội mũ hoa sen, mặc áo cà sa, cầm phương trượng, dừng lại đọc những câu kệ ngân nga, rồi các bà vãi kể những bài hạnh thập ân rất đều, rất vang nhắc đến công lao dưỡng dục sinh thành, mười ơn của người mẹ đối với con… Những vai chèo cũng xuất hiện trước cửa ngục, diễn lại tích bà Thanh Đề xưa gây tội ác, sau đó phải vào hoả ngục ở âm phủ. Vai Mục Liên xinh đẹp, nền nã, buồn bã sụt sùi khóc mẹ. Và, phút phá ngục đã đến, sư thầy bắt quyết, huơ phương trượng, phá cửa ngục để Bồ Tát Mục Liên vào đón mẹ ra. Lúc này, trống mõ, hoà với dàn nhạc, dàn đồng ca vừa hát vừa múa, Mục Liên dắt mẹ ra ngoài, hai mẹ con đầm đìa nước mắt. Họ hàn huyên với nhau và cùng dắt tay nhau đến cõi thiện, phật từng dạy.
Tôi thấy bà vãi nào cũng rút khăn tay ra lau nước mắt. Sau đó, đám chạy đàn đi chung quanh ngục, lấy những lễ vật, tung cho những người xem. Chỉ là những chiếc bát, chiếc đĩa, những trái ổi, những tấm bánh nếp, bánh khoai, những gói xôi, nhưng đám nhóc chúng tôi tranh nhau đón lấy để lấy may, lấy điềm lành, điều thiện.
Cho mãi tận khuya, buổi phá ngục mới xong. Chiếc ngục bằng giấy được khiêng ra ngoài sân chùa, hoá cùng vàng, mã.
Mọi người dự lễ ra về, lòng đầy xúc cảm về tình nghĩa, về chuyện báo hiếu. Ngẩng mặt lên, sau những ngày mưa, trăng rằm tháng bảy, tuy chưa được sáng lắm, nhưng đang chiếu sáng cả lòng đường, mặt trăng đầu thu hiền hậu làm sao