Trang chủ Văn học Tùy bút Lễ Vu Lan xa mẹ!

Lễ Vu Lan xa mẹ!

78

"Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất.

Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa".

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Bạn con nói bâng quơ "ngày mai – là rằm tháng bẩy, là lễ Vu Lan đấy". Con giật mình "lễ Vu Lan là rằm tháng bẩy à, sao bây giờ mình mới biết? ".

Nghe nói lễ Vu Lan là ngày con cái nhớ về những người mẹ, dù đi xa dù ở phương trời nào cũng trở về quây quần bên cha mẹ.

Mẹ ơi, có phải ai còn mẹ thì cài lên ngực bông hoa màu hồng, còn ai mất mẹ thì thương nhớ cài lên ngực bông hồng trắng? Một ngày quan trọng, linh thiêng đến thế vậy mà suốt hai mươi năm qua con không hề biết.

Cái cuộc sống quẩn quanh nơi thôn quê suốt ngày cắm cả chân lẫn lúa dưới bùn nên tình yêu đối với gia đình, đối với mẹ cũng là thứ tình yêu nhuốm mùi vị tảo tần, mùi bùn bám gót chân vẫn còn ươi ưởi nắng. Đến khi con biết được ngày lễ Vu Lan thì con đã phải xa gia đình, xa mẹ mất rồi.

Lễ Vu Lan, con chẳng cài bông hồng nào lên ngực.

Bởi vì con có cách yêu mẹ của riêng con.

Một ngày mới đến con sẽ dậy sớm hơn mọi ngày, lúc ấy ở nhà mẹ cũng đã dậy lục đục ngoài sân, hay dưới bếp nấu nồi cám lợn, rang cơm cho bố để cạnh bếp ấm nước hứa hẹn những bình trà đặc.

Con sẽ dậy bắt đầu bằng bài tập thể dục buổi sáng, chỉ là khua chân khua tay thôi nhưng con thấy khoan khoái hơn nhiều. Bạn con trêu: "chưa sáng đã ra sân nghịch như vượn". Khoái chí vì câu nói ấy cả hai đều cười.

Con múc một ca nước tưới nhẹ lên những cây thuốc Bách Bệnh, nó đang nhú lên những chiếc mầm vàng nhạt dần dần chuyển thành mầu xanh. Cây thuốc mẹ đã khó khăn thế nào đi khắp những con đường ngoằn ngèo quê mình mới xin được một nhánh cây con không có rễ.

Mẹ gây giống một bụi trước nhà, một bụi dưới tràn ruộng bên kia đường, nó mọc um tùm nơi góc khuất. Mẹ bảo giống ấy dễ trồng mà tốt tính, dễ ăn, ăn hoài đâm nghiện.

Trước lúc nhập học con kì cục đắp bầu giả mang đi. Con đã trồng nó sau sân phơi kí túc, phải chăm sóc nó một phần mong nó sẽ chữa khỏi bệnh cho con cũng vừa như để nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ gia đình, nhớ mẹ.

Sau đó con mặc quần áo gọn gàng và đi ăn sáng, mẹ vẫn dặn: "không ăn sáng thì trí nhớ sẽ kém. Bữa sáng là bữa quan trọng nhất không được bỏ". Thế mà ở nhà mẹ toàn nhịn bữa sáng, thảo nào mà mẹ mắc chứng hay quên, mẹ toàn đổ tại già rồi.

Con bắt đầu một buổi học, bài giảng rất dễ hiểu duy chỉ có điều con hơi buồn ngủ vì đêm qua con thức quá khuya để học bài, con vẫn thường thức khuya như thế nên phần nào giảm đi kết quả của buổi học sáng hôm sau. Con bị ốm, cả kí túc bị lây cúm, con đã đi khám bệnh và uống thuốc rồi. Từ nhỏ mẹ đã không phải phiền lòng nhiều mỗi khi con ốm vì con vốn là cô bé rất có ý thức phải không mẹ?.

Mẹ biết không, con còn sắp xếp lại các tủ sách, tủ quần áo một cách gọn gàng. Mẹ vẫn bảo con gái không được luộm thuộm dễ thành thói quen xấu về nhà chồng họ mắng cho. Những lúc ấy con chỉ cười: "Mẹ lo gì, con chẳng lấy chồng đâu". Nhưng sự thực con lại luôn phải buồn vì nghĩ đến một ngày nào đó khi con đi lấy chồng xa, mẹ lại phải ngóng con mỏi mòn trong cả những cơn mơ. Mà mẹ thì hay thở dài lắm, con lấy chồng xa biền biệt. Biết đến khi nào…

Mẹ ơi con phải học ăn cả những thứ mà không bao giờ con nghĩ mình lại có thể ăn được. Mướp đắng thì đắng lắm, nhưng mẹ bảo ăn nó sẽ tốt cho sức khoẻ của con. Đã có lúc con nghĩ chán biết nhường nào khi cả ngày con đã học tập và viết lách vất vả mà đến bữa ăn lại phải ăn những thứ mà mình không thích.

Con nhiều bệnh quá, thế là khổ lắm đấy mẹ nhỉ, thảo nào mà mẹ lại thương con nhiều đến thế. Nhưng con hứa với mẹ là sẽ cố gắng làm mọi việc để có thể chữa khỏi bệnh cho mình. Con sẽ viết thật tốt, sẽ kiếm thật nhiều tiền nhuận bút để có thể thực hiện những ước mơ mà con không nghĩ là nó nhỏ bé đâu mẹ nhỉ?.

Mẹ bảo phải ngủ trưa, ngủ ít thôi, không ngủ sẽ mỏi mệt, giải quyết những công việc buổi chiều thường không minh mẫn. Con luôn nhớ lời mẹ dặn nhưng có đôi lúc việc học hành đã không cho con thời gian để nghỉ ngơi. Mẹ mà biết chắc mẹ buồn lắm đây. Nhưng cuộc sống bộn bề nhiều khi con người không làm được những điều mà bản thân mong muốn, con đôi khi cũng vậy.

Con bắt đầu nửa ngày lễ Vu Lan còn lại bằng việc đi đọc thư viện, đi lấy thư cho bạn bè. Nó không hề vô bổ và nhàm chán đâu mẹ ạ.

Nửa tiếng cuối cùng của ngày, trước khi màn đêm buông phố phường con đã dành thời gian để đi bộ, rèn luyện đôi chân. Chân con bị khớp từ nhỏ, mẹ đưa con đi viện nhưng chỉ vì sợ tiêm mà con bỏ trốn về nhà để rồi con mang bệnh suốt hơn hai mươi năm trời, cũng từng ấy năm con đeo vào mẹ những nỗi lo nặng vẹo cả người.

Đôi chân của con yếu lắm, nó cứ run lên khi con đuội sức, nhức nhối khi ông trời đổi tính và mỏi nhừ khi con phải đi bộ quá xa và con nhớ mẹ vẫn bảo con phải chăm thể dục, đi bộ để rèn luyện đôi chân.

Tối đến con gọi điện cho mẹ trong nỗi nhớ cồn cào. Chiếc điện thoại nhà mình bắt sóng rất kém, con nghe mẹ nói câu được câu chăng mà vẫn ấm lòng, mà nôn nao quá. Mẹ đã trải qua một ngày dành cho chính mẹ mà không biết, bùn đất lấm láp kín cả đốc lịch tháng ngày…

Con đã nhớ mẹ bằng một ngày như thế, vẫn những công việc bình thường hàng ngày mà con đã dồn tất cả tình yêu thương vào nó. Tối đến con học bài và đi ngủ sớm, vì mẹ bảo thức khuya quá sẽ không tốt cho sức khoẻ.

Khi chìm vào giấc mơ, chắc con sẽ mơ thấy cánh cò trắng trải dài trên đồng lúa mới kịp trổ đòng mênh mông, bát ngát. Thấy hình ảnh những đàn bò tha thẩn, nhởn nhơ gặm cỏ. Thấy tiếng đùa khúc khích của lũ trẻ chăn trâu mồm vẫn còn dấu vết mùi khoai nướng, sắn lùi. Thấy những người nông dân đang viết lên khúc nhạc đồng quê có bóng cha lom khom và dáng mẹ không thành hình thù gì để có thể sờ nắn được. Trên cánh đồng vẫn lươn lướt nắng…