Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật TT Chân Quang đồng hành cùng âm nhạc mang bản sắc dân...

TT Chân Quang đồng hành cùng âm nhạc mang bản sắc dân tộc

476

Thượng tọa Thích Chân Quang (TT Thích Chân Quang) là người có khiếu âm nhạc và yêu mến thơ văn từ thuở niên thiếu nên khi có nhân duyên bước vào cửa chùa rũ bỏ mọi tục lụy phát nguyện tu hành, không gian thanh tịnh cõi tu thiền lại tạo cho tâm hồn người tu sĩ ngẫm suy về văn hóa thời cuộc của dân tộc, mà âm nhạc là một thể loại có thể cho người tu sĩ gởi gấm được nhiều điều ngoài những bài giảng giáo lý của đức Phật.

Không khao khát trở thành nhạc sĩ, nhưng mỗi khi nắm bắt được hình ảnh đẹp trong thiên nhiên, trong đời sống của Phật tử hoặc phát hiện một bài thơ hay là không bao lâu một ca khúc mới lại hoàn thành.

TT Thích Chân Quang trụ trì chùa Phật Quang, ngôi chùa nằm trong vùng thung lũng được bao quanh bởi dãy núi Dinh thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cảnh rừng, núi, gió, mây, mưa nguồn, suối reo, ánh trăng thanh đậu đỉnh non, ngàn sao khuya thao thức là những cảm xúc ấm áp tình người đã trở nên thơ, nên vần trong mỗi cung nhạc.

Mỗi bài hát chuyển tải mỗi nỗi niềm trầm lắng u huyền hay sôi động nét xuân, ngày hội, thay cho lời tự sự với đời, phù hợp với tình cảm, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Như những lời bày tỏ với người mẹ trong ca khúc Trái tim người mẹ, với người cha (bài Nhớ về cha), với người thầy, (bài Theo dấu chân thầy, Thầy về), với đệ tử, (bài Thương đệ tử), về lòng từ bi (bài Tếng hát từ bi), với tình yêu thiên nhiên, (bài Rừng ơi, Khúc hát mưa rơi, Giọt nắng ban mai, Ánh trăng), với non nước (Núi rừng và bàn tay), quê hương (bài Quê hương yếu dấu, Tình quê hương, Xuân an vui, Mái chùa yêu thương, Cành hoa sen), với ước mơ về một thế giới hòa bình như (bài Thế giới thanh bình, Những điều thiêng liêng, Our Earth Home – Ngôi nhà trái đất của chúng ta), niềm thương yêu con người với con người (bài Hạnh phúc là khi, Cuộc sống vui, Nói với nhau) về thương binh liệt sĩ (bài Rất thương anh, Chốn đảo bình yên), thể hiện lòng tôn kính tin yêu ánh đạo vàng của đức Phật ( bài Vì đạo thiêng, Vì có Phật, Tôn kính Phật, Lời Phật dạy, Trung thu về thăm chùa, Xuân quỳ lạy Phật, Những điều thiêng liêng…) bày tỏ tình yêu đất nước, như: (bài Tổ quốc Việt Nam, Đi giữa Hà Nội, Ngàn năm thăng Long) và những ca khúc về thiếu nhi…

Làm thăng hoa sự kỳ diệu của cuộc sống, tác động đến tận cùng chữ tâm của con người, gìn giữ chữ phúc chọn vẹn. Là những điều mà từ thủa cha ông đi dựng nước và giữ nước Đại Cồ Việt tới nay thường răn dạy con cháu và cũng là những điều răn dạy của đức Phật từ hàng ngàn năm qua với Phật tử trên toàn thế giới.

Như một sự đâm trồi, nẩy lộc, một sự rèn luyện kiên trì nối tiếp năm này qua năm khác. Sau mỗi nhạc phẩm được sáng tác, TT Thích Chân Quang càng sáng tạo hơn, càng có cảm nhận đặc biệt hơn về âm nhạc. Qua bàn tay hòa âm phối khí của cố nhạc sĩ Bảo Phúc, mỗi ca khúc của Chân Quang đều mang một âm hưởng khác nhau thu hút mọi lứa tuổi của giới mộ điệu âm nhạc, trong đó có rất nhiều sinh viên.

Họ đã tải lên blog riêng của mình tất cả trên 60 ca khúc của Chân Quang, coi như “kho tàng” riêng của nhóm bạn, của gia đình, của riêng mình để mỗi khi lên mạng là được nghe, nghe để thấy lòng mình ấm lên tình người, thêm yêu quê hương, trong lòng thêm thanh tịnh, dường như các Phật tử đã nghe, đã thích thú, đã thuộc hết tất cả các nhạc phẩm trong “kho tàng” ấy.

Họ có thể tìm thấy dấu lặng, dấu hỏi, dấu thăng của cuộc đời, vì đạo và đời cùng chung một bầu trời, cùng chung một cội nguồn, cùng hưởng chung ngọn gió lành của đất nước. Từ những bài thuyết giảng Phật pháp, từ những ca khúc như vậy, TT Thích Chân Quang đã kết nối Phật tử với ngôi chùa thêm rộng và xa hơn không phân biệt địa lý từ Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Vũng tàu, Đà nẵng, cho đến các huyện vùng sâu nơi tận cùng của Tổ quốc ở Cà Mau. Hàng vạn Phật tử tôn kính người thầy trụ trì chùa Phật Quang đã tôn vinh thành nghệ danh “nhạc sĩ Chân Quang”.

Trải qua 2553 năm, đạo Phật đã đi cùng đời sống với con người. Trên thế giới, không ai xác định rõ đạo Phật đã ảnh hưởng đến âm nhạc đại chúng từ thủa nào. Ở Ấn Độ, Malaixia, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan v v… âm nhạc đạo Phật song hành cùng đời sống trong cộng đồng Phật giáo. Riêng ở Việt Nam từ thời Lý – thời Trần đã có các dàn nhạc lễ của Phật giáo với hàng trăm người trong đại lễ khánh thành chùa Diên Hựu. Khởi đầu là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị vua thứ 13 triều Trần sau khi đánh tơi tả quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, Thượng Hoàng đã xuất gia mục đích giáo hóa chúng sinh, đạo cũng như đời cùng lấy chữ Tâm giữ gìn tự tôn dân tộc. Theo GS Trần Văn Khê : “Âm nhạc Phật giáo có sự liên hệ sâu sắc với âm nhạc của dân tộc… Đề tài về âm nhạc dân tộc cũng như âm nhạc Phật giáo sẽ song hành đến vô tận”. 

TT Thích Chân Quang luôn nghĩ về hàng vạn Phật tử của chùa Phật Quang nói riêng và Phật tử người Việt Nam nói chung, nghĩ về Thủ đô trái tim của đất nước, nhằm truyền bá từ bi và tuệ giác cho Phật tử sống có văn hóa, gắn bó giúp đỡ nhau, yêu thương quê hương, trung thành với đất nước.

Ngoài những bản nhạc âm hưởng mang tính tôn giáo hát khi tụng kinh Phật hàng ngày, như các bài: “Tôn kính Phật, “Chí tâm đảnh lễ”, “Kinh nhật tụng”, “Sám hối”, “Lời khấn nguyện”, “Tam tự Quy y”, TT. Chân Quang có những ca khúc giàu bản sắc dân ca Nam bộ, như bài Tình yêu quê hương réo dắt, líu lường, cống, xê, xang, líu, xự của tiếng đàn dân tộc, quấn quýt ca từ tràn về biết bao sắc màu, hình ảnh bình dị của miền quê trong tiếng chuông u mặc yên ả:

Con sông uốn quanh bên làng quê sau lũy tre
Thương cây lúa non trên đồng xanh theo gió nhẹ
Xa nghe tiếng chuông khi chiều buông nghe tiếng kinh
Ta thương mến nhau trong tình quê hương đậm sâu
” 

Nay đã có vốn kiến thức sâu về âm nhạc, mỗi khi TT. Chân Quang sáng tác không quá gò bó vào khuôn khổ, lời không khoa trương nhưng không sáo rỗng, rất có chiều sâu trong ý nhạc, đa nghĩa gần gũi với đời sống, cảm thụ với người nghe. TT Thích Chân Quang đi thuyết giảng bất cứ nơi đâu, từ nông thôn tới cao nguyên lộng gió hay ở miền Bắc trong những ngày đông giá buốt. Thời tiết, cảnh quan, những hình ảnh đẹp của non sông, cuộc sống của người lao động đều được in dấu trong tâm trở thành những ca khúc.

Không được sinh ra nơi cố đô văn hiến, nhưng ngay ngày đầu tới Hà Nội  người tu sĩ đã thấy gần gũi thân thương như đã có nhân duyên với mảnh đất kinh kỳ từ kiếp nào. Từng bước chân an lạc trên hè phố lao xao lá sấu rung trong gió thu, vẳng nghe tiếng chuông u trầm phía Tây hồ ngân vọng, vút lên cao tiếng vĩ cầm thanh tao vấn vít hương sen thanh tịnh. Bài hát “Đi giữa Hà Nội” với những ca từ đầy cảm xúc như thế này:

Lòng bồi hồi bước chân nhẹ trên đường phố
Trời Hà Nội gió mang về hương mùa thu
Từng nẻo đường vẫn in đây trang sử cũ
Người tìm người nước non này vẫn đợi chờ
Rồi buổi chiều nắng rơi vàng trên Hồ gươm
Giọng Hà Nội tiếng muôn đời sao là thương
Về Hà Nội thấy thêm yêu, yêu Tổ quốc
Nguyện lòng rằng sẽ không phụ ơn của Người
…”
 
Bản tâm đi tìm chân lý tịnh độ, trong tâm thế thiết thân cảm nhận từng cảm xúc mà mình đã gặp, đã thấy sau mỗi lần trở ra mảnh đất kinh kỳ thuyết pháp, TT Thích Chân Quang càng thấy như mắc nợ với những dấu ấn quá khứ của hào quang Thăng Long như tái hiện rất rõ trong tâm thức người tu sĩ, cuốn hút ngay vào những vần điệu, những cung bậc từ trang sử.

Tất cả những gì tinh hoa của kẻ sĩ Bắc Hà, những nhân kiệt, những khí tiết, những sĩ phu, những biểu tượng nền văn hiến của cố đô Thăng Long được Chân Quang dành tâm huyết thể hiện trong nhạc phẩm “Nghìn năm Thăng Long”. Những âm thanh nào là trống, phách, tiếng kèn, tiếng cồng, tiếng chiêng như hồn thiêng sông núi khởi về mở đầu bài hát lôi cuốn ngay người nghe, phục hiện lên lớp lớp quân sĩ, bóng câu, rợp cờ tiến quân trong tiếng hò reo lẫn ánh thép của những đường gươm oai hùng đánh ngoại xâm.

Dựa trên điệu thức Bắc, Nam xuân, hò khoan tự tình dân tộc, nhịp Trống quân khoan thai khoáng đạt như thấy thấp thoáng tà áo mớ ba mớ bảy của thiếu nữ nơi kẻ chợ, áo tứ thân của thôn nữ cùng trai làng trong không khí ngày hội chiến thắng lồng lộng cờ xí ngang trời, bạt ngàn hoa tươi. Hình ảnh linh thiêng vua Lý Thái Tổ trùng trùng cùng các quần thần trong âm thanh lừng vang cả không gian đất trời đang trên sông nước mênh mông rời đô về đất Đại La xây đắp cơ đồ, hùng tâm tráng chí như rồng bay đến tận cuối trời nước Nam với mở đầu ca khúc “Nghìn năm Thăng Long”:

Thuyền về trên sông dậy sóng
Người về xây đắp cơ đồ
Trùng trùng quân theo nhịp trống
Hào hùng linh khí kinh đô
Nghìn năm hiên ngang. Rồng bay thênh thang
Muôn đời dựng xây ô hay non nước huy hoàng
Đường gươm tung bay lời thơ mê say
Muôn hồng nở hoa í a thắm tươi tình người
Câu hát dịu ngọt, sóng xanh nhấp nhô mặt hồ
…”
 
Dựa trên chất liệu lịch sử và tận dụng sự phong phú của âm nhạc dân tộc, TT Thích Chân Quang đã sáng tạo theo nhịp một điệu hò niệm Phật, sự sâu lắng của an thiền trong âm nhạc. Lời và nhạc đan xen nhau những âm hưởng nhấn nháy lẩy hạt ca trù, âm  “í” của chèo, âm “a” của tuồng, dô ta của nhịp chèo trong nhịp gõ, tiếng cồng, tiếng trống phách nhạc cụ truyền thống, thể hiện những chất mới lạ giầu nhạc điệu, tạo nên nét đặc trưng của ca khúc, nhịp điệu hài hòa trong hòa âm phối khí mà chưa có trong ca khúc nào về Thăng Long trước đó.

Mang lại giá trị nghệ thuật sáng tác, điều này đã được coi là một sự khai phá mới khả năng sáng tác của TT. Chân Quang. Dựa vào chất liệu thực tế cuộc sống, lời trong bài hát “Nghìn năm Thăng Long” rất có chiều sâu văn học. Có thể thấy niềm mơ ước của vị chân tu cũng là mơ ước của hàng chục triệu người dân Việt Nam là đất nước sẽ mãi mãi an bình, trở thành con rồng của Châu Á trong tương lai. Người nghe sẽ thấy điều ấy ở đoạn kết của ca khúc, như:

Tình yêu non nước đong đầy
Hồn thiêng sông núi còn đây
Gửi lòng ra bốn phương trời, xây tình nhân ái đẹp tươi
Nguyện cầu xin nắm tay nhau để cho hạnh phúc bền lâu
Thủ đô yêu dấu muôn đời
Rồng bay trên khắp đất trời

Có thể nói bài hát “Nghìn năm Thăng Long” gợi mở sự sáng tạo nghệ thuật cho tiết mục dàn dựng phần ca có biểu diễn minh họa trên sân khấu ca nhạc trong dịp lễ hội Nghìn năm Thăng Long diễn ra năm 2010 rất ý nghĩa, gợi nhiều cảm xúc cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm về cội nguồn dân tộc. Bài hát “Nghìn năm Thăng Long" của TT. Chân Quang là một tác phẩm thực sự hay, rất đáng trân trọng và được coi là thước đo về trình độ sáng tác âm nhạc của một tu sĩ.

Đồng hành với âm nhạc dân tộc, với trên 60 ca khúc, TT Thích Chân Quang đã trở thành một tu sĩ ở Việt Nam sáng tác âm nhạc nhiếu nhất, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc của dân tộc ta.