Trang chủ Diễn đàn Phật tử và Dân tộc Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội: Dựng tượng ai là phù...

Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội: Dựng tượng ai là phù hợp?

192

Tôi có đọc bài viết của Nguyễn Hàng Tình trên Tuổi trẻ online ra ngày 29.6.2009, nói về việc nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có kiến nghị bằng văn thư gửi lên cấp lãnh đạo Hà Nội cùng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam với ý nguyện tặng tác phẩm điêu khắc về Alexandre de Rhodes (15.3.1591- 5.11.1660) tại Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ là ông Hạng lại mong muốn dựng tượng Alexandre de Rhodes vào thời điểm nhà nước tổ chức Đại lễ kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội. Không biết các vị trong Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ nghĩ gì, riêng cá nhân tôi thật sự bị sốc. Vì sao?

Nói cho cùng, tôi cũng là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, nên phải có lòng tự hào về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Đặt biệt, tôi rất lấy làm tự hào cho dân tộc ta, tổ tiên ta trong thời đại nhà hậu Lý, tức vua Lý Thái Tổ năm 1010, triều đại được cả dân tộc xem là vàng son và chói lọi nhất.

Vì vậy, nhà nước Việt Nam ta hiện nay mới tổ chức sự kiện trọng đại vào năm 2010, Đại lễ kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, nhằm ôn lại thời kì hào hùng vẻ vang nhất một thời của dân tộc. Ấy thế mà không hiểu vì nguyên nhân gì, ông Hạng lại có văn thư hẳn hoi kiến nghị lên Hà Nội để được dựng tượng Alexandre de Rhodes vào dịp Đại lễ kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, một nhân vật hậu sinh cách thời Lý Thái Tổ hơn nửa thiên niên kỉ chẳng ăn nhập gì với sự kiện dời đô của Lý Thái Tổ?

Sự thật, sách sử cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học của học giả trong và ngoài nước cũng đã chứng minh Alexandre de Rhodes là một nhân vật đã khai mào cho Chủ nghĩa thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, tạo ra đau thương tang tóc suốt hàng trăm năm cho dân tộc. Như trong cuốn Hành trình và truyền giáo có đoạn do chính Alexandre de Rhodes viết:

J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises. Je suis soirti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape”.

Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ (plusieurs soldats) đi chinh phục toàn cõi Đông phương (la conquête de tout l’Orient), đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo hoàng” (Dẫn theo Bùi Kha, báo Hồn Việt, TP HCM, Số 17, tháng 11.2008, mục Trao Đổi – Ý Kiến) .

Chưa hết, trong  ‘Phép giảng tám ngày’, chính Alexandre de Rhodes cũng có thái độ kì thị Phật giáo và phỉ bang đức Phật Thích Ca thậm tệ: “Như thể có chém cây nào đục cho ngã, các cành ấy tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích Ca, là thằng hay dối người ta, ngã xuống, thì mọi truyện dối trong đạo bụt bởi Thích Ca mà ra, có ngã với thì đã tỏ.” (Dẫn theo Bùi Kha, báo Hồn Việt, TP HCM, Số 17, tháng 11.2008, mục Trao Đổi – Ý Kiến)

Việc đi truyền đạo là một việc làm cao cả, thể hiện ý chí và nguyện vọng chính đáng đời sống tinh thần và đạo đức của con người, nhưng Alexandre de Rhodes lại mong muốn nước Pháp cung cấp cho ông ta nhiều chiến sĩ để đi chinh phục toàn cõi Đông phương để làm gì(!) Rồi lại buông ra những lời phỉ báng đức Phật Thích Ca, gọi Phật Thích Ca là ‘thằng’, ngôn ngữ của một nhà truyền giáo chân chính không thể thiếu văn hóa như thế đối với một dân tộc có bề dày về văn hóa Phật giáo được(!), vì phỉ báng đức Phật không khác gì ông ta đã phỉ báng cả dân tộc Việt.

Tôi nói điều này không phải là mới, vì trong lịch sử dựng nước và bảo vệ tổ quốc, dấu ấn các vị thiền sư, các nhà tu hành Phật giáo luôn gắn bó với dân tộc trong những lúc nguy khốn nhất, có giai đoạn Phât giáo và dân tộc như là một khối thống nhất, như thời Lý Thái Tổ. Vì vậy, trong Đại hội Phật giáo kì II, năm 1987, nhằm ôn lại truyền thống yêu nước của Phật giáo với dân tộc, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh: “Trong gần 2000 năm đạo Phật hòa nhập và gắn bó với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước… Hơn 40 năm trong công cuộc cách mạng giành độc lập tự do thống nhất cho tổ quốc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đông đảo Tăng Ni và tín đồ theo đạo Phật đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của đất nước, tô đậm thêm truyền thống yêu nước, gắn bó dân tộc, với chủ nghĩa xã hội của đạo Phật Việt Nam.” (Thư cụ Nguyễn Văn Linh, kỉ yếu, nhiệm kì II, GHPGVN, số 28-29/10- 1987)

Ở hai đoạn văn trên do chính Alexandre de Rhodes viết ra, tôi nghĩ ông ta đến Việt Nam không đơn thuần chỉ truyền đạo mà động cơ chính là muốn biến dân tộc Việt Nam thành một nước được cai trị bởi chủ nghĩa thực dân Pháp. Nói trắng ra, ông ta muốn dân tộc Việt Nam trở lại thời kì tiếp tục làm nô lệ cho một chủ nghĩa mới, đó là chủ nghĩa thực dân. Và sự thật là cả dân tộc chúng ta phải gánh chịu hậu quả vào ngày 1.9.1858 khi lính Pháp đổ bộ sang xâm chiếm nước ta, mở đầu cho giai đoạn đen tối tiếp theo của chủ nghĩa thực dân cai trị nhân dân ta, tức chỉ sau thời Alexandre de Rhodes khoảng hơn hai thế kỉ.

Rõ ràng, điều này là đi ngược lại với mong muốn của cả dân tộc và các bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng nền độc lập nước nhà như: Ngô Quyền, Sư Vạn Hạnh, Lý Thái Tổ, Trần Thủ Độ… Nếu các vị tiền bối này sống lại , tôi nghĩ, họ cũng sẽ hi sinh xương máu để đuổi chủ nghĩa thực dân như họ đã từng đuổi giặc Tàu thôi.

Vì vậy, việc ông Hạng mong muốn được dựng tượng Alexandre de Rhodes  trong Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội là đi ngược lại với truyền thống yêu nước và nhân đạo của dân tộc ta. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền Hà Nội nên xem xét kĩ lại vấn đề này, vì đây là sự kiện liên quan đến truyền thống văn hóa lâu đời của suốt chiều dài lịch sử đấu tranh và bảo vệ dân tộc.

Ngược lại, nhân Đại lễ kỉ niệm ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, chúng ta nên có cái nhìn lịch sử khách quan hơn, ai có công thì được vinh danh. Nhà nước chúng ta và lịch sử dân tộc cũng đã ghi nhận Sư Vạn Hạnh là một vị đã có công rất lớn trong việc phò Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều nhà hậu Lý vàng son rực rỡ về mọi mặt của dân tộc. Như lời của Giáo sư Nguyễn Khuê nhận định: “Ở vào kỉ nguyên này, những người trí thức đầu tiên của nước ta phần nhiều là những nhà Sư. Họ không dừng lại ở cương vị một người tu hành thoát tục, mà đã tham gia vào những hoạt đông nội chính và ngoại giao để củng cố nền độc lập mới giành được. Các vị Khuông Việt, Pháp Thuận, được nhà vua trọng dụng cho tham dự triều chính và tiếp các sứ giả nhà Tống. Còn Sư Vạn Hạnh được vua Lê Đại Hành hỏi ý kiến mỗi khi xuất quân đánh Tống. Bước sang thời Lý, tầng lớp trí thức là sư tăng vẫn còn giữ vị trí quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Sư Vạn Hạnh là người có vai trò lớn trong việc thành lập vương triều Lý.” ( Nguyễn Khuê, Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, NXB Tổng hợp, 1987, tr.14).

Và với cố Giáo sư Minh Chi thì: “Năm Cảnh Thụy thứ 2 (1009), Ngọa Triều mất, con còn nhỏ, Chi Hầu Đào Cam Mộc cùng với các quan trong triều nghe theo lời Sư Vạn Hạnh, đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, khai sáng ra triều nhà Lý nước ta, một triều đại ở ngôi lâu nhất trong lịch sử, 216 năm.” (Minh Chi, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Trường CCPHVN, 1989, tr. 38). Trong thời vua Lý Nhân Tông, nhà vua cũng đã nêu bật tinh thần yêu nước của Vạn Hạnh: “Vạn Hạnh dung tam tế/ Chân phù cổ sấm cơ/ Hương quan danh Cổ pháp/ Trụ tích trấn vương kì.”

Ngay cả giới trí thức Nho giáo sau này là Ngô Thời Sĩ cũng phải thừa nhận trong Việt Sử Tiêu Án: “Vạn Hạnh có kiến thức cao siêu, thần toán, biết trước mọi việc cũng là tay xuất sắc trong giới Thiền.”

Hay khi nói đến sự thịnh trị lâu bền của nhà Lý, cũng chính Ngô Thời Sĩ ghi rõ trong Việt Sử Tiêu Án: “Xét nhà Lý có tám vua nối nhau, 218 năm không có vua nào thất đức, nhiều vua hiền, lâu năm thái bình, từ tiền cổ đến khi ấy chưa có triều nào hơn cả.”

Từ việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi và lấy chính pháp trị dân của Vạn Hạnh thời nhà Lý, cho thấy Vạn Hạnh không chỉ là một thiền sư nhập thế thoát tục mà còn là một bậc có trí tuệ siêu việt biết nhìn xa trông rộng khi đưa ra chiến lược dời đô giúp cho cho nhà Lý và Hà Nội ngày nay vẫn là một trung tâm đầu não về văn hóa, chính trị, kinh tế… vào bậc nhất của cả nước.

Chính vì vậy, để tưởng nhớ công đức sâu dày của thiền sư đối dân tộc, ngay tại quận 10, TPHCM, cũng như nhiều nơi khác trên cả nước, nhà nước Việt Nam đã luôn dành riêng một con đường lấy tên là Sư Vạn Hạnh. 

Nói tóm lại, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, Vạn Hạnh là một thiền sư đại biểu cho truyền thống ấy, dù đã thoát tục nhưng vẫn nhập thế để giúp đời trong những lúc nguy khốn nhất, nhưng công thành thì thân thoái, không tranh quyền đoạt vị, xem danh lợi như bèo nổi mây trôi, làm chính sự nhưng không tham gia chính quyền nên không có thế lực chính trị nào đằng sau cả, ngay cả cho đến lúc lúc cuối đời, bản chất của một thiền sư tự tại vô ngã nơi Ngài vẫn không thay đổi: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.” Hoặc: “Ngã bất dĩ sở di trụ, bất y vô nhi trụ.”

Một nhân cách lớn, một nhà tu hành suốt đời phụng sự đạo pháp và dân tộc không mệt mỏi như Sư Vạn Hạnh cần phải có một vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc hôm nay và cho thế hệ trẻ mai sau noi gương học tập, nên tôi thiết nghĩ, để cho Đại lễ kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội đầy đủ ý nghĩa hơn, thì chúng ta nên dựng tượng Sư Vạn Hạnh, vừa phù hợp với tính khách quan của lịch sử vừa phù hợp với chủ nghĩa yêu nước của lịch sử đấu tranh và bảo vệ dân tộc, vì ai cũng thừa hiểu: “Chủ nghĩa yêu nước là giá trị đứng đầu các giá trị tinh thần Việt Nam.”( Trần Văn Giàu, Triết học và tư tưởng, NXB TPHCM, 1988, tr. 482).