Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo và Khoa học Nghiệp, tái sanh và di truyền học

Nghiệp, tái sanh và di truyền học

133
 Ðịnh luật này được gọi là “Karma” (Nghiệp) trong tiếng Sanskrit hay “Kamma” trong tiếng Pali, là ngôn ngữ của Ðức Phật. Trong những bài thuyết pháp của  Ðức Phật, chính ‘ nghiệp’ của chúng ta hay các hành động thiện ác sẽ tưởng thưởng hay trừng phạt chúng ta. Ðó là một động lực thúc đẩy phản ứng xảy ra tiếp theo sau hành động, chính cái năng lực tạo ra nó xuất phát từ đời sống hiện tại, và đời sống mới là một giòng suối vô tận chảy mãi không ngừng.
 
 Do đó, Ðại đức Piyadassi Thera đã nói:” Bao lâu có ý muốn, sẽ có hành động. Bao lâu còn có hành động, bao lâu mà ‘nghiệp’ là một thực tại lạnh lùng, thì phần thưởng hay hình phạt không phải là những danh từ trống rỗng. Chính ái dục phát sinh hành động, hành động đưa đến kết quả, kết quả tự phô bày như một thực thể vật chất bao hàm ái dục mới. Cái năng lực bền bĩ này luôn luôn vận hành để chuyển thành đời sống mới, và chúng ta mãi mãi luân hồi là do lòng khao khát được sống của chúng ta. Tuy nhiên, cái trung gian để tạo ra mọi hiện hữu trong đời chính là ‘nghiệp’.
 
Như Tiến sĩ Paul Bahlke ở Ðức đã nói trong các bài nghị luận về Phật giáo của ông rằng, chính sự hiểu biết về luật nhân quả, về hành động và hậu quả của hành động, đã thúc đẩy con người biết kềm chế không làm việc ác và tích lũy việc thiện. Một người tin vào luật nhân quả biết quá rõ rằng chính hành động của mình sẽ làm mình đau khổ hay hạnh phúc.
 
 Con người ngày nay là kết quả của hằng triệu lần lặp đi lặp lại những tư tưởng và hành động của mình. Con người không phải là một hiện hữu được tạo sẵn như vậy, con người đang hình thành và vẫn tiếp tục hình thành. Tính tình của con người do con người lựa chọn và quyết định trước. Tư tưởng, hành động mà con người lựa chọn theo thói quen, đã hình thành con người như hiện tại.
 
 “ Nghiệp tuyệt đối không biết xót thương và hoàn toàn vô tư trong hoạt động của nó. Cũng như một tấm gương được lau chùi láng bóng sẽ phản chiếu từng chi tiết nhỏ nhất của bất cứ hình ảnh nào chúng ta mang đặt trước gương, ‘nghiệp’ cũng có mức độ chính xác như vậy, nó sẽ phản chiếu lại hậu quả của hành động vào người tạo ra nó”.
 
 Như Ðức Phật đã dạy: “ Không phải bay lên trời cao, không phải lặn xuống biển sâu, không phải chui vào hang núi, mà ngươi tìm ra một nơi nào trên thế gian này có thể giúp ngươi trốn thoát được hậu quả hành động của ngươi”.

Con người thoát khỏi ‘nghiệp’ không phải nhờ giáo huấn, mà nhờ biết sống; học hỏi không giúp con người chấm dứt nghiệp, mà con người phải biết sống như thế nào để có thể thoát khỏi nghiệp. Mỗi cá nhân phải có những nỗ lực cần thiết để tự giải thoát mình, quyền lực định đoạt cuộc đời chúng ta nằm trong tay chúng ta. Người khác có thể giúp chúng ta một tay, nhưng giải thoát khỏi khổ đau phải do mỗi người tự rèn luyện và xây dựng cho chính mình qua kinh nghiệm hành động của bản thân.

 
 Tâm lý Phật giáo cho thấy rằng con người tự thân có những khả năng vô tận, và chính nhờ nỗ lực của bản thân mà con người mới có thể phát triển và khai thác những tiềm năng đó. Con người là một hổn hợp của Thiện và Ác. Sự thay đổi không thể nào tránh khỏi, và tuỳ thuộc hoàn toàn vào hành động của con người chứ không phải vào cái gì khác. Chính do hành động của ta mà ta hình thành tính tình, nhân cách và cá tính. Bằng chính hành động của ta, ta phải thay đổi để trở thành tốt hơn, để tự tái tạo mình và giải phóng bản thân khỏi những điều ác. 
 
Chính vì chúng ta khao khát cuộc sống, tham đắm cuộc sống, bám chặt vào cuộc sống khiến cho tấn tuồng hành động và hậu quả của hành động cứ tái diễn mãi không ngừng. Bao lâu mà ta chưa thấy được bản chất đích thực của nhân quả, bản chất đích thực của yếu tố đạo đức tạo ra nhân, bao lâu chúng ta còn vô minh và ái dục, thì chúng ta còn bị trói buộc vào “ Bánh Xe Luân Hồi của  Ðời Sống”. Khi nguyên nhân tạo ra sự vật bị tiêu diệt thì kết quả sẽ tự động chấm dứt. Ðau khổ sẽ biến mất nếu mọi gốc rễ gây nên khổ đau được loại bỏ. Ví dụ, một người đốt một hạt xoài thành tro là đã chấm đứt khả năng nẩy mầm của nó, và hạt xoài ấy sẽ không bao giờ nẩy sinh thành cây xoài.  Cũng giống như vậy đối với tất cả các sự vật do duyên sinh, dù là vật hữu tri hay vô tri.

Như bóng theo liền với hình, và khói bốc lên sau khi lửa tắt, cũng vậy quả theo liền sau nhân, đau khổ và hạnh phúc theo sau tư tưởng và hành động của con người. Trong thế giới quanh ta không có quả nhưng lại có nhân ẩn hiện, và nhân đó theo đúng lẽ công bằng tuyệt đối. Con người gặt hái quả đau khổ vì trong một quá khứ gần hay xa, hay trong đời hiện tại, họ đã gieo hạt giống ác; họ gặt hái hạnh phúc như kết quả của việc gieo trồng hạt giống thiện.

 
Một người nô lệ lao động nhọc nhằn vẫn có thể trở thành một Hoàng tử,
Nhờ thành tựu nhiều phẩm hạnh xứng đáng và cao quý;
Một vị vua cai trị đất nước vẫn có thể trở thành kẻ lang thang đói rách,
Vì đã làm nhiều điều ác và đã không làm những hạnh lành ”.
 
 Hãy để con người suy ngẫm về định luật này, hãy để con người cố gắng hiểu được định luật này, và rồi họ sẽ bắt đầu chỉ gieo hạt giống lành, và sẽ đốt cháy những hạt giống độc và cỏ dại mà trước đây họ đã trồng trong khu vườn tâm thức của họ.
 
 Tái sanh 
 
Tái sinh và đời sống sau khi chết là một sự kiện đã được công nhận trong Phật giáo. Năng lượng hay động lực được tích lũy này sẽ tiếp tục biểu hiện qua nhiều tầng ý thức khác nhau. Theo định luật bảo toàn năng lượng và tính bất khả diệt của vật chất, chắc chắn là trong quá trình này không có gì mất đi. Thần thức hay nghiệp lực đã thoát khỏi cơ thể chúng ta sẽ bắt đầu một chu kỳ thể hiện mới.
 Chính thần thức luân lưu này vẫn tìm cách tự biểu hiện từ một hình thái hiện hữu này sang một hình thái hiện hữu khác, và ái dục sẽ là sức mạnh duy trì nghiệp lưc này. Ðây là một nghiệp lực vô hình.
 ‘ Nghiệp’ là một dạng năng lượng mà chúng ta mang theo từ đời này sang đời khác – cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Khi chúng ta chết, nghiệp lực của chúng ta sẽ chuyển thành một dạng năng lượng cho đến khi nó gặp được một cơ duyên thích hợp để gá vào bào thai mới tượng hình do tinh trùng và noãn châu phối hợp trong tử cung của người mẹ. Cha mẹ chỉ là những người trang bị điều kiện vật chất cho một đời sống mới được thành hình.  Nghiệp lực hay thần thức tái sinh là yếu tố quyết định một đời sống mới. Ðiều này không phủ nhận khoa di truyền học, theo đó một đứa trẻ thừa kế những đặc điểm của cha mẹ và bà con gần, môi trường xã hội cũng góp phần hình thành đứa trẻ, tuy nhiên tất cả điều này còn tùy thuộc vào ‘nghiệp’ của đứa trẻ.
 Trong Phật giáo có năm cảnh giới hiện hữu, và như vậy có năm hình thức tái sinh. Ðó là cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người và thiên giới.
 
Khoa học về di truyền

Di truyền học là khoa nghiên cứu về sinh lý học của vấn đề sinh sản và nghệ thuật nuôi dưỡng cây cỏ và thú vật.

 Tất cả đặc tính di truyền được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác qua những tế bào giống bé nhỏ gọi là tinh trùng (ở người nam) và noãn châu (ở người nữ). Hai tế bào này phối hợp trong tử cung để thành một tế bào trứng đã được thụ tinh, rồi tiếp tục nẩy nở thành bào thai và cuối cùng là một đứa trẻ được ra đời.

 Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề di truyền. Nhân của những tế bào giống chứa đựng nhiều nhiễm sắc thể, và mỗi tinh trùng của người nam chứa 24 nhiễm sắc thể, chỉ bằng nửa số lượng nhiễm sắc thể chứa trong một tế bào bình thường, và con số này thay đổi đối với những động vật khác và cây cỏ.

 Quá trình thụ tinh gồm có việc phối hợp nhân của tinh trùng với nhân của noãn châu. Tế bào trứng đã thụ tinh tiếp tục phân chia thành 2, 4, 8, và cuối cùng thành hằng tỷ tế bào của cơ thể một người trưởng thành. Gregor Johann Mendel đã nhận diện đơn vị di truyền như là những di tố. Chúng là những đơn vị sống động được tìm thấy trong các nhiễm sắc thể và có kích thước nhỏ bằng một phân tử. Mỗi đặc điểm nổi bật của cỏ cây và động vật đều có chứa di tố, và như đã nói trước đây, di tố nằm trong các nhiễm sắc thể của nhân tế bào trong tất cả tế bào sinh vật. Mendel đã khám phá ra qui luật di truyền, với tỷ lệ 3:1 đối với cả cây cỏ lẫn động vật.  Ông cũng khám phá ra những di tố nổi bật và những di tố chìm. Cuộc thí nghiệm cổ điển của ông đã giúp củng cố lý thuyết của Charles Darwin về nguồn gốc các chủng loại, sự chọn lọc của thiên nhiên và sự sống còn của những sinh vật mạnh nhất trong cuộc đấu tranh để sinh tồn.

 Ðến nay thì người ta biết rằng trong các tế bào giống (noãn châu và tinh trùng) số lượng di tố được tách làm hai và được gọi là những đơn bào nhiễm sắc thể (haploids), rồi chúng sẽ tái phối hợp trong tế bào trứng đã thụ tinh và bổ sung cho nhau để tạo thành một tổng hợp đầy đủ các di tố như trong những tế bào mẹ.

 Vì vậy, trong bất cứ một gia đình nào, trẻ con cũng có thể trông rất giống nhau. Tuy nhiên, nhìn theo quan điểm đạo đức, trí tuệ và tình cảm thì chúng có thể rất giống nhau mà cũng có thể rất khác nhau. Ðây là ý nghĩa của cái gọi là ‘duyên nghiệp’. Cha mẹ thông minh có thể sinh ra con ngu đần hay ngược lại, tùy thuộc vào ‘nghiệp’ của cả cha mẹ lẫn con cái.

 Ðã có nhiều công trình nghiên cứu thú vị về trường hợp của những đứa trẻ song sinh, một cặp song sinh từ hai tế bào trứng đã thụ tinh riêng biệt trong tử cung được so sánh tương phản với một cặp song sinh do cùng một tế bào trứng đã thụ tinh được tách làm hai. Ðối với hai trẻ song sinh từ hai tế bào trứng được thụ tinh riêng biệt thì vấn đề chúng khác nhau là hoàn toàn tự nhiên, và chúng để lộ những điểm khác biệt về di truyền cũng giống như những anh chị em bình thường khác. Nhưng điều này sẽ không đúng đối với hai trẻ song sinh từ một tế bào trứng được tách làm hai.
 
 Một nhóm khoa học gia của Viện đại học danh tiếng Chicago University – là Newman, Freeman và Holzinger – đã quan sát và nhận thấy rằng khi một cặp song sinh từ một tế bào trứng lớn lên, một số điểm khác nhau giữa chúng nó bắt đầu xuất hiện. Một đứa có thể lên cân nhanh hơn đứa kia, một đứa có thể học dễ dàng hơn, một đứa có thể bộc lộ tính nóng nảy hoặc những điểm khác với đứa kia. Câu trả lời cho vấn đề những trẻ song sinh phát triển lệch hướng với khoa di truyền học là, bởi vì những đứa trẻ này đã chịu ảnh hưởng của ‘ nghiệp’ – một yếu tố không thể tránh được.
Người dịch: Trần Như Mai
 Theo: Karma, Rebirth and Genetics
Nguồn: quangduc.com