Trang chủ PGVN Cửa thiền Chùa Thanh Sơn – Tổ ấm của những người không may mắn

Chùa Thanh Sơn – Tổ ấm của những người không may mắn

181

TÌM ĐẾN CỬA PHẬT

Chúng tôi đến thăm chùa Thanh Sơn vào một buổi trưa. Lúc này, các cháu nhỏ vừa đi học về. Bữa cơm đạm bạc nhưng tươm tất do những người già cô đơn chuẩn bị bày sẵn trên sân.

Tại tiền sảnh của chùa, Đại đức Thích Thanh Quang, tên thật là Chế Hoàng Thọ, sinh 1967, trú xã Diên An, huyện Diên Khánh – trụ trì chùa, cho chúng tôi biết: Chùa Thanh Sơn do Hòa thượng Thích Trí Đạt trụ trì, nhưng từ khi thầy Đạt viên tịch vào năm 1939, chùa bị bỏ hoang đến tận năm 1995. Năm 1996, trước yêu cầu của giới Phật tử làng Thủy Triều cũng như nhiều nơi khác ở Cam Ranh…, Hòa thượng Thích Thiện Bình, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh bổ nhiệm Đại đức Thích Thanh Quang về trụ trì chùa.

Lúc thầy Quang mới về, làng Thủy Triều còn heo hút, hoang sơ. Cuộc sống của người dân lam lũ, nghèo khó, trẻ em ngày 2 bữa đi bắt cá, mò cua. Thầy Quang thương cảm, nhận đỡ đầu, nuôi các cháu ăn học. Thấy những đứa bé này chăm chỉ, ngoan ngoãn, học hành ngày càng tiến bộ, các gia đình đến gửi con cho thầy ngày một nhiều… Và rồi không biết từ lúc nào, chùa Thanh Sơn trở thành địa chỉ tin cậy của trẻ mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa.

Cũng theo thầy Thích Thanh Quang: Chùa hiện có 107 trẻ mồ côi và 17 người già cô đơn không nơi nương tựa. Đó là những người có hoàn cảnh éo le. Khá nhiều trẻ mới sinh ra đã bị mẹ mang đến bỏ trước cổng chùa. Số khác mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha mẹ bỏ đi đâu không rõ tung tích, gia đình; họ hàng không đủ điều kiện nuôi dưỡng.

Cháu Chế Kỳ Hà, 2 chân bị khoèo bẩm sinh, không rõ cha, được mẹ mang đến gửi chùa. Đại đức Thích Thanh Quang lấy họ mình đặt tên khai sinh cho cháu, vừa nuôi cháu lớn lên vừa nhiều lần đưa cháu đến bệnh viện mổ để mang lại đôi chân lành lặn cho cháu. Nay Hà 12 tuổi, đi lại gần như người lành.

2 anh em Vũ Tiến Trình và Vũ Tiến Đạt, quê ở xã Ninh Sơn, huyện Ninh Hòa, cha mẹ bị tai nạn, không còn khả năng nuôi con nên phải tìm đến chùa. Những tưởng đến chùa chỉ để kiếm miếng cơm, không ngờ sau hơn 10 năm nương nhờ cửa Phật, giờ đây Trình đã là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh; còn Đạt là học sinh lớp 11, trường Trần Bình Trọng. Bà Đoàn Thị Mười, 72 tuổi, quê xã Cam Hải Đông, chồng mất, không có con. Năm 2003, thấy cuộc sống cô đơn, bà vào chùa tìm nơi nương tựa lúc tuổi già. Hôm đó có một cô gái trẻ đến cổng chùa bỏ lại đứa con trai còn đỏ hỏn. Bà Mười mang cháu vào nuôi, lấy họ thầy Quang đặt tên cho cháu là Chế Trường Sang, bây giờ lúc nào cháu cũng quấn quýt bên bà.

Chị Hoàng Thị Yến, sinh 1989, quê huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, một nách 2 con nhỏ mới đến chùa hôm 19-5-2009. Chị Yến  tâm sự: Ở quê, chị bị người chồng vũ phu ngược đãi, đánh đập suốt ngày chịu không nổi nên phải ẵm con tha hương. Vào Khánh Hòa, nghe nói chùa Thanh Sơn là nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh, chị quyết định đưa con đến chùa, nương nhờ cửa Phật…

CÙNG XÂY TỔ ẤM

Lo ăn, ở, chữa bệnh, học hành cho hơn 100 con người không phải là chuyện đơn giản. Đại đức Thích Thanh Quang cho biết: Tiền ăn cho các cháu mỗi tháng bình quân 30 triệu đồng. Số tiền này phần lớn nhờ vào sự giúp đỡ của Phật tử. Các chi phí khác như: học hành, chữa bệnh… cho các cháu, chùa dựa vào vườn xoài mỗi năm, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng; sự giúp đỡ của anh Chế Minh Tuyến (anh ruột ông Chế Hoàng Thọ), Việt kiều Mỹ mỗi tháng 200 USD. Từ năm 2004 đếùn 2008, Tổng Công ty Khánh Việt hỗ trợ mỗi tháng 5 triệu đồng và mỗi cháu một năm 3 bộ quần áo. Đầu năm 2009 đến nay, nguồn tài trợ này không còn, vì thế chùa đang gặp nhiều khó khăn trong việc lo ăn, mặc cho các cháu.

Tuy nhiên, sau 13 năm nuôi dưỡng những số phận và hoàn cảnh của những mảnh đời éo le, đếùn nay chùa Thanh Sơn tự hào

Ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: “Phải thừa nhận thầy trụ trì chùa có một tấm lòng cao cả. Mặc dù lâu nay huyện và xã chưa giúp được nhiều cho chùa, nhưng sự nỗ lực và tấm lòng của thầy trụ trì chùa là đáng ghi nhận. Thời gian tới, huyện sẽ cố gắng hơn nữa trong việc giúp đỡ chùa bởi giúp chùa chính là giúp những số phận không may mắn”.

có một đàn con cháu ngoan ngoãn, lễ phép và rất chăm học. Hiện chùa có 6 cháu đang học đại học, gồm 1 Đại học Y Dược, 2 Đại học Ngân hàng, 2 Đại học Kiến trúc tại TP. Hồ Chí Minh và 1 học Đại học Nha Trang. Đối với 5 cháu học ở TP. Hồ Chí Minh, chùa thuê nhà trọ ở chung, mỗi tháng hết 1,3 triệu đồng, cộng thêm mỗi cháu 700.000 đồng tiền ăn, học.

Ngoài ra, chùa còn có 5 cháu đang học Trường Trung học phổ thông Trần Bình Trọng, huyện Cam Lâm; 11 cháu học phổ thông cơ sở; 32 cháu học học tiểu học và 9 cháu học mẫu giáo… Các cháu đi học không được miễn giảm học phí nên chùa phải chu cấp 100%.

Năm 2003, Sở Giáo dục – Đào tạo có quyết định miễn giảm học phí cho các cháu của chùa Thanh Sơn, nhưng do một số trục trặc nên hiện nay, chùa vẫn đảm nhận những khoản chi phí này. Ở chùa, các cháu ngủ giường đôi, mỗi cháu có một bàn học tập đầu giường giống như sinh viên.

Để các cháu có điều kiện học thêm, chùa xây dựng 1 phòng học vi tính 6 máy, mở một lớp tiếng Anh ban đêm. Hàng tháng Hội bảo trợ Yersin hỗ trợ 3 triệu đồng để trả tiền công cho thầy cô dạy tiếng Anh và vi tính. Việc chăm sóc sức khỏe cho các cháu đang ở tại chùa được Đại đức Thích Thanh Quang hợp đồng với trạm y tế xã. Hàng ngày, ai “nhức đầu, sổ mũi” cứ đến khám bệnh, lấy thuốc, cuối tháng chùa thanh toán một lần.

Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trong sân chùa, chúng tôi cảm thấy xúc động vì những việc làm ý nghĩa của Đại đức Thích Thanh Quang. Từ mái chùa này, có những số phận không may mắn đã trưởng thành, được chắp cánh ước mơ vào đời…