Trang chủ Tin tức Cung nghênh ngọc xá lợi Phật và Thánh Tăng

Cung nghênh ngọc xá lợi Phật và Thánh Tăng

112

Thủ tục check-in phải hơn 6 giờ 30 mới xong. Chuyến bay phải hai lần thay đổi giờ. 7 giờ 30 tàu ra phi  đạo. Chư Tăng ni các tỉnh thành phía Nam đều cử đại biểu tham dự; ngoài ra còn có đoàn  báo chí, truyền hình tháp tùng.

Chuyên cơ bao trọn, vì thế còn trống một số chỗ. Cũng như những chuyến tổ chức cầu siêu ở Côn đảo, Quảng Trị, xây chùa ở các nước Âu châu, thầy Thanh Phong đều chịu trách nhiệm lo chi phí vận chuyển. Đến giờ cuối, chuẩn bị đóng cổng, thầy vẫn còn xông xáo khắp phòng chờ để xem còn ai bị bỏ sót. Mùa Vesak 2008, thầy huy động công ty chay Âu lạc cúng dường trên 10 tỷ đồng chi phí cho buffet chay suốt ba hôm.

9 giờ 30 ra khỏi sân bay Nội Bài. Chư Tăng Ni Phật tử Hà Nội và các tỉnh ngoại vi đổ về sân ga đón đoàn đông hơn cả VESAK vừa qua. 10 chiếc xe hoa vào tận phi đạo để đón ngọc Xá lợi. Lần đầu tiên phá lệ của phi trường mà xe dân sự vào tận nơi, nhân viên sân bay không khỏi trầm trồ ngạc nhiên!

Trên 50 chiếc xe ca lớn nhỏ chiếm một góc lớn sân ga quốc nội. Những chiếc xe hoa trang trí sặc sỡ, tháp tùng bởi đội lân và đoàn Phật tử đồng phục hồng nhạt. Công an giao thông trên các giao lộ có mặt từ sáng sớm, thế mà phải hơn một tiếng mới về đến Quán Sứ, cách Nội Bài 30km.

Quần chúng thủ đô tề tựu ra ngoài sân chùa, đứng hai bên  đường lộ. Các cụ già, xen lẫn thanh niên nam nữ lộ vẻ háo hức. Vesak tuy lễ hội quốc tế, nhưng mang tính nghị trường nên quần chúng ít ai được tham gia. Ngoc xá lợi như một lễ hội quần chúng, vì thế trật tự của chùa và an ninh Hà nội khá vất vả. Nghi lễ cung đón trọng thể và ngắn gọn. Buổi lễ có sự tham dự của các quan chức Trung ương lẫn Thành phố.

Trong buổi lễ tiếp nhận ngọc Xá lợi Phật, chư Tăng Ni và quần chúng được thết đãi cơm chay do nhà hàng chay Hà Thành cúng dường. Hàng ngàn Phật tử tề tựu, cả Nam lẫn Bắc đều hòa lẫn tình cảm của người con Phật mà trước đây không lâu, họ vẫn giữ kẽ nhau do tập quán chưa thông.

Đối với dân tộc, đây không phải là lần đầu tiên được tiếp nhận xá lợi. Vào thập niên 60, xá lợi Phật từng được cố Đại đức Nàarada cho trưng bày tại Sài Gòn trước khi di chuyển đến các nước khác, và có những chuyến nghênh thỉnh thầm lặng do một số tu sĩ Việt Nam từ nước ngoài mang về.

Năm 1970, cố HT Huyền Vi cũng được giòng tộc Sakya cúng 7 viên sau khi ngài tốt nghiệp Tiến sĩ tại New Delhi. Một số sư Tăng Theravada từ Srilanka, Thái, cũng mang về Việt Nam  những viên ngọc phát sinh mà sau 1975 trở thành một phong trào. Hầu hết các chùa Phật giáo nguyên thủy đều tôn trí ngọc Phật và Thánh Tăng.

Ngọc xá lợi Phật được cúng dường ngày hôm nay do HT. Pháp sư Tịnh Giác, tọa chủ chùa Giác Quang (Quận 8, TP HCM) nguyên là cố vấn tối cao của  Giáo hội Phật Giáo Hoàng gia Thái, cùng với HT Phkakru Plad Charoon, viện chủ chùa Watt Kantathararam, Bangkok  và TT Pháp Chất, phát tâm sau khi ngài tham quan quần thể kiến trúc vĩ đại của Bái Đính.

Lần đầu tiên nhân dân miền Bắc chứng kiến một lễ hội trọng đại mà cả cán bộ lẫn nhân dân đều tham dư, sau Phật Ngọc của ông bà Ian Green. Văn hóa Phật giáo đang được hòa hợp giữa hai miền Bắc Nam. Sinh khí hoạt động của Đạo Phật đang khởi sắc, hy vọng những lủng củng của một vài tổ chức PG địa phương sớm ổn định để PG đóng góp thiết thực cho xã hội và thế hệ tương lai của đất nước.

Sau Vesak 2008, liên tục những sự kiện lớn đến với PGVN. Rồi đây, năm 2010 là Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới do Việt Nam đăng cai nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long… Tu sĩ trẻ Việt Nam cũng thể hiện được tài năng  và kiến thức để đưa Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời đại hội nhập.

Một giờ chiều cùng ngày, trên một trăm xe đưa chư Tăng và Phật tử về Bái Đính. Có những đoạn đường rộng  lớn, xe sắp hàng tư chen chúc lăn bánh. Nhưng càng về trong, đường càng hẹp. Hai bên lộ nhà cửa thưa thớt, ruộng vàng ngập lúa, có đoạn, lúa được gặt chất bên vệ đường.

Tuy cuộc sống lộ vẻ chưa mấy dư thừa, nhưng hàng quán nhậu mọc khắp nơi như hãnh diện bắt kịp nếp sống hưởng thụ của các hành phố lớn. Đường vào Ninh Bình, quẹo vào huyện Gia Viễn, núi đá chập chùng xuất hiện. Càng đến gần, núi đá chết càng lộ nét trơ trọi như chiếc đầu đầy ghẻ chóc bởi cụm cây cỏ bám sát từng khóm, che đậy nét trơ trọi, khô khốc đáng thương.. Núi không cao, cây lớn không có, một số nơi dân tận dụng đá để làm tượng, mồ mả và vật lưu niệm.

Một bên là núi đá, một bên là ruộng đồng. Mùa hè miền Bắc không nóng như miền Trung, không hầm hập như miền Nam, trời hôm nay hanh  hanh dễ chịu. Đường vào cách chùa Bái Đính độ 5, 7 cây số, dân cư sầm uất, phảng phất nét thôn quê miền Trung. Nhiều bảng hiệu Dê núi, cơm cháy, tiểu hổ, cầy tơ… mọc đầy như khoe một loại văn hóa ẩm thực đặc thù.

Trong khi đó, thế giới đang có khuynh hướng ăn chay để cứu tinh cầu; bởi sát khí bao trùm cuộc sống, đe dọa sự bình an của nhân loại và hủy hoại hành tinh xanh của chúng ta! Phải chăng, từ tín ngưỡng đến hưởng thụ, chúng ta luôn theo đuôi thế giới khi mà thuốc, rượu, thịt là mầm đe dọa tiềm tàng cuộc sống và sức khỏe của nhân loại đang được thế giới loại trừ!
 
Bái Đính là một quần thể vườn tượng chùa cảnh nằm trên 107 ha. Tượng Đức Bản sư bằng đồng nguyên khối, cao 10m, nặng 100 tấn. Đại Hồng chung 36 tấn, cao 5m4, đường kính 3,45m. Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 11m nặng 70 tấn. Nhiều tượng Hộ Pháp bằng đồng, mỗi tượng 12 tấn…. Công trình hoàn thành từng phần, năm 2010 sẽ khánh thành  chùa để kỷ niệm 1.000 năm, mà thánh vương Lý Thái Tổ đời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Đoạn đường từ Hà Hội vào Ninh Bình hơn 100 km, xe đi phải mất hơn 3 tiếng. Bãi xe chứa hàng trăm xe ôtô và hàng ngàn xe gắn máy. Hàng vạn Phật tử  ăn mặc rất đẹp, tùy đạo tràng mà  sắc phục khác nhau, đứng chen chúc hai hàng gần cây số từ đường vào chùa. Quần chúng còn lại, không dấu được nét nghèo khổ, cũng la liệt  nằm ngồi trong chùa, gốc cây, hốc đá , tay cầm cờ ngũ sắc, chờ đợi đoàn Ngọc Phật về. Những dịp này mới thấy hết tấm lòng dân quê khao khát tín ngưỡng.

Đội lân từ Sài Gòn ra dẫn đầu đoàn nghinh tiễn Ngọc xá lợi Phật lên chùa bằng  đường dốc rất xa. Kèn trống inh ỏi, tạo không khí nhộn nhịp mà ngày thường núi rừng vốn hiu quạnh. Thời vua Lý Thần Tông, Thiền sư Nguyễn Minh Không đã chọn nơi đây làm chùa khi đi tìm thuốc chữa trị cho vua, tình cờ phát hiện địa linh thiêng khí nơi đây.
 
Ban tổ chức được sự cộng tác của đoàn hát chèo, các nghệ sĩ, kèn trống tạo một sinh khí vui nhộn, trang trọng của một lễ hội mà hàng ngàn năm qua, núi rừng ngủ quên với ngôi chùa nhỏ bé khiêm tốn.

Giờ đây, Bái Đính đã đi vào lịch sử, trở thành một thắng cảnh lớn nhất nước. Nơi đây xứng đáng là nơi tôn trí những hạt Ngọc xá lợi Phật để tạo thế vượng địa cho một Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ này.