Trang chủ Văn học Tùy bút Thế giới chuyển động không cùng tận

Thế giới chuyển động không cùng tận

136

Thế nhưng, cho dù vạn pháp có đổi thay hay chuyển động từ trạng thái này sang trạng thái khác đến muôn hình vạn trạng đi chăng nữa, thì Đức Thế Tôn bậc Nhất thiết Chủng Trí Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hay mười phương Chư Như Lai đều chưa từng chuyển động. Sự có mặt của các đức Như Lai ở nơi thế giới này hay thế giới khác, tất cả đều chỉ là quyền cơ phương tiện thị hiện độ sinh, để giúp Chúng sinh chuyển mê thành ngộ, chứng nhập Niết Bàn an vui giải thoát.Nhất thiết Chúng sinh giai hữu Phật tính, nhất thiết Chúng sinh đồng đắc A nậu đa la Tam miểu tam Bồ đề.

Bởi thế nên biết, Chư Phật và Chúng sinh là một, cũng như nước bốn biển chỉ có một vị, đó là vị mặn. Chúng sinh ví như trăm sông, còn Chư Phật ví như biển cả, biển cả ôm trọn trăm sông. Song, biển cả cũng chính do trăm sông tạo dựng.

Thế nên biết rằng, Chư Phật cũng chính là Chúng sinh, từ Chúng sinh mà hình thành Chư Phật. Cũng như biển cả vốn là trăm sông, từ trăm sông mà hình thành biển cả. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này đều chung cùng một quy luật biến đổi không cùng tận, hôm nay sinh ra rồi ngày mai lại mất đi, cứ như thế tiếp diễn chưa từng dừng nghỉ. Mỗi ngày chúng ta chứng kiến thấy thế giới vạn hữu đổi thay khác lạ hơn hay mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi sát na chúng ta chứng kiến thấy chúng ta đổi thay khác lạ hơn. Chúng ta có thể nghĩ thiện thì ngay phút đó chúng ta là con người thiện, chúng ta có thể nghĩ ác thì ngay phút đó chúng ta trở thành con người ác mà chúng ta chưa từng nhận ra.

Thế giới như ảo ảnh, muôn pháp thảy vô thường, con người sinh ra rồi lại mất đi; sự thay đổi không cùng tận trong thế giới không cùng tận. Những tướng sinh, già, bệnh, chết là tứ tướng ám chỉ cho chúng cú tình thức, có sự sống thực thể. Những tướng thành, trụ, hoại, không là tứ tướng ám chỉ cho vô tình Chúng sinh cỏ cây, đất đá, sông, núi, biển hồ…

Nỗi khổ lớn nhất của con người ở thế gian này là: “Không còn nhìn thấy nữa”. Mình không còn nhìn thấy mình trẻ trung, mình không còn nhìn thấy mình khoẻ mạnh, mình không còn nhìn thấy mình được hưởng thụ các pháp hỷ lạc ở thế gian, mình không còn nhìn thấy những người thân yêu ở bên mình, mình không còn nhìn thấy tất cả những gì mà mình mong muốn nhất. Bởi lẽ, tất cả đều biến đổi không cùng tận. Vạn pháp biến đổi, tâm thức biến đổi.

Thế nên biết rằng, chúng ta chưa được tự tại, chúng ta còn bị hoàn cảnh vô thường chi phối, chúng ta chưa từng nhận ra các pháp là hư ảo, giả tạm, không bền chắc. Vì những sự cố thủ bám giữ các pháp hư ảo đó, nên một khi các pháp biến hoại tàn tạ, tan rã thì tâm thức của chúng ta trở nên đau khổ. Chúng ta không làm chủ được chính bản thân chúng ta.

Chúng ta đã sống và chết đi đến trăm ngàn vạn lần, nhưng lần nào cũng thế chưa bao giờ biết quay trở về nương tựa vào chính mình, nương tựa vào Phật tính sáng suốt vốn có của chính mình, mà chúng ta chỉ nương tựa vào các pháp hư ảo ở bên ngoài, để rồi các pháp tan rã, chúng ta cũng một phen tan rã theo chúng không khác.

Ngày nay Chư Phật vì thương xót Chúng sinh nên mới thị hiện ra ở cõi đời này và mở đường phương tiện diễn nói Chính Pháp, để đưa Chúng sinh trở về với sự vắng lặng của tâm thức, để giúp Chúng sinh nhận chân được thực tướng của các pháp.

2633 năm trước đây, tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) xứ Trung Ấn Độ, Thái Tử Siddartha – Tất Đạt Đa (Trung Quốc dịch là Nghĩa Thành) đã xả bỏ cung vàng điện ngọc, ngôi vị nhất phẩm đế vương đang chờ đón, để băng ngàn vượt suối  tìm đạo giải thoát tế độ Chúng sinh. Và, 2553 năm đã trôi qua, kể từ khi Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) nhập Niết bàn, nhưng vườn Lâm-Tỳ-Ni (Lumbini) nơi Đức Phật đản sinh vẫn còn đây. Bồ đề đạo tràng (Bodhi Gaya) vẫn còn đây. Lộc Uyển dã (Sarnath) nơi Đức Phật sơ chuyển Pháp luân vẫn còn đây. Thành Câu-Thi-La-Yết-La (Kusinagara) nơi Đức Phật nhập Niết bàn vẫn còn đây.

Song, dòng thời gian và vạn vật vô thường đã chuyển động, tất cả đều đã trở thành dấu thiêng của lịch sử. Nhưng những lời vàng ngọc từ nơi kim khẩu của Đức Thế Tôn phổ thuyết cho tất cả Chúng sinh ở các đẳng loại thế giới văng vẳng như vẫn còn đây. Mãi mãi vẫn chuyển động không cùng tận.

Nam mô Lâm-Tỳ-Ni –  viên Vô ưu thị hiện đản sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.