Hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (7-11-1981 – 7-11-2021), PTVN trích đăng lại bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi đến Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới, Cơ hội và Thách thức” năm 2006
Thưa Quý vị và Các bạn!
Nhận được giấy mời của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đến dự Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới, Cơ hội và Thách thức”, tôi rất xúc động. Tôi nhận thức rõ sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này vượt ra khỏi khuôn khổ một cuộc hội thảo khoa học. Rất tiếc tôi không thu xếp được thời gian tới dự cùng quý vị được. Xin phép cho tôi chuyển tới quý vị và các bạn lời chào trân trọng. Chúc cuộc Hội thảo khoa học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam thành công tốt đẹp.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành chia sẻ, trao đổi cùng quý vị và các bạn đôi điều suy ngẫm, những suy ngẫm của một người không có điều kiện nghiên cứu sâu về Phật giáo như quý vị, nhưng có may mắn được chứng kiến những đóng góp của Phật giáo Việt Nam và quý Tăng Ni, Phật tử trong lịch sử dân tộc và trải nghiệm những ý nghĩa của Phật giáo bằng chính cuộc đời mình.
Ở Việt Nam, Phật giáo chảy trong huyết quản của nhiều người dân qua hàng ngàn năm. Biết bao danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc đều là những Tăng Ni, Phật tử. Nhưng tôi nghĩ, thế đứng của đạo Phật trước hết nằm trong lĩnh vực văn hóa, và đạo Phật càng chứng minh được thế đứng đó trong đà phát triển của các trường phái tôn giáo, ý hệ xã hội trên hành tinh này.
Phật giáo Việt Nam trước hết là Phật giáo dân tộc, hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỉ xả, là bản chất và truyền thống của Phật giáo, đồng thời cũng là một nhân tố căn bản, xâu xa góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hòa hiếu của dân tộc. Chính nhờ triết lý ấy mà ngay trong thời điểm cực thịnh của mình, khi có sự trỗi dậy của nhữngt tôn giáo mới, Phật giáo Việt Nam vẫn chủ trương tam giáo đồng nguyên thay vì cạnh tranh. Tư tưởng đồng nguyên của Phật giáo đã góp phần kiến tạo nên một xã hội mà xung đột đã không trở thành khổ nạn của người dân và đất nước. Trong lịch sử trước đây ở ta, lúc Phật giáo cường thịnh nhất thì cũng là thời kỳ hùng mạnh và hưng thịnh của đất nước. Còn lúc Phật giáo Việt Nam bị áp chế thì như những ai từng sống dưới xã hội miền Nam đầu những năm 1960 chứng kiến sự kết thúc không mấy tốt đẹp cho một chế độ đàn áp tôn giáo.
Khi Trần Nhân Tông bỏ ngôi báu để xuất gia, vua đã được khuyên Phật ở trong tâm, nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện, thì đó là Phật. Đã là vua thì phải lấy ý muốn của muôn dân làm ý muốn của mình. Chủ trương của Phật giáo là nhập thế, cứu sinh. Việc hành trì Phật pháp, vì thế đã không tách rời thuyết phụng sự chúng sinh và tổ quốc. Từ ngàn năm nay, triết lý đó của nhà Phật đã bám rễ vào những nhu cầu thường xuyên, cấp bách của dân tộc, thúc đẩy tự thăng tiến của xã hội và con người Việt Nam. Hồ Chủ tịch đã từng chỉ ra chỗ gặp nhau về mục đích giữa các tôn giáo và cách mạng là đem lại hạnh phúc cho con người. Tôi có may mắn được chia sẻ cùng nhiều chức sắc và đồng bào theo đạo, được chứng kiến quá trình phát triển của nhiều tôn giáo trên nhiều địa bàn và trong cả nước nên rất thấm thía tư tướng ấy. Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hiện nay, nguyện vọng hòa hợp, chấn hưng và phát triển Phật giáo ở Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Không chỉ nền kinh tế được giải thoát khỏi cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, không gian hoạt động tôn giáo nói chung cũng đã được rộng mở, Phật giáo đương đạ đã mở rộng khắp nơi, nhà chùa đang dần trở lại với vai trò là thiết chế văn hóa đóng góp to lớn vào việc củng cố, giữ vững những giá trị tinh thần cơ bản của người Việt, bảo tồn, sáng tạo và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam. Phật giáo cũng như những tôn giáo khác đều chủ yếu hướng con người đến những điều thiện và cái đẹp. Những chính sách chung và cách hành xử riêng của mỗi cấp chính quyền nhằm tạo cơ hội cho các tôn giáo phát triển nơi thờ phụng, trở lại với việc tham gia giáo dục thanh thiếu niên theo tôi sẽ giúp cho đường lối đoàn kết được củng cố, nền tảng đạo đức được khôi phục, làm cơ sở cho xã hội Việt Nam đủ bản lĩnh để tiếp thu những giá trị văn minh khác của loài người.
Sự cường thịnh của Phật giáo từng là nền tảng cho sự thịnh vượng của nhiều triều đại phong kiến trước đây liệu có còn là động lực phát triển cho đất nước trong giai đoạn hội nhập? Tôi hiểu đây là một băn khoăn của nhiều người, nhưng theo tôi, một thế giới mong muốn toàn cầu hóa chính là một thế giới mong muốn sự đa dạng . Những giá trị truyền thống mà Phật giáo giúp thiết lập và củng cố chính là bản sắc, là phần giá trị mà chúng ta có thể tham gia để góp phần tạo ra các giá trị toàn cầu.
Mặt khác, tư tưởng đồng nguyên do Phật giáo chủ xướng cũng không những không mâu thuẫn với dân chủ mà còn góp phần tìm kiếm sự đồng thuận của xã hội, trở thành nội lực của một quốc gia trên bước đường hội nhập. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay đạo lý và những giá trị Phật giáo đã được tiếp nhận ngày càng sâu rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Những xung đột tôn giáo và sắc tộc đang khiến thế giới có nhu cầu xích lại gần hơn với tinh thần từ bi, hỉ xả, tăng cường đoàn kết hòa hợp.
Kính thưa quý vị và các bạn, người Việt Nam vốn tôn trọng niềm tin tôn giáo, nhưng niềm tin ấy trước hết là một niềm tin thế tục, tin vào đạo đức con người. Bằng những lý lẽ như vậy, chúng ta hi vọng đồng bào các tôn giáo trong đó có Phật giáo càng được thắp sáng niềm tin của mình cho những giá trị bền vững của con người Việt Nam. Tôi hi vọng cuộc hội thảo này là sẽ bước khởi đầu tốt đẹp trong quá trình gặp gỡ, thảo luận và đóng góp thực sự cho những giá trị đó.
Cuối thư, một lần nữa xin chân thành chúc cuộc hội thảo thành công. Nhân đây, cho phép tôi đặc biệt hoan nghênh và nói lên lòng biết ơn quý vị cùng các bạn quốc tế trước nay đã bền lòng, thiện chí ủng hộ, giúp đỡ dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
Xin cảm ơn và trân trọng kính chào!
Võ Văn Kiệt – Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.