Tại tu viện Bát Nhã – Việt Nam, có hơn ba trăm người chung sống với nhau. Chúng tôi đã về từ các miền của tổ quốc. Điều đặc biệt hơn nữa, tại Làng Mai- nước Pháp, cùng sống chung dưới một mái chùa có tới hai mươi quốc tịch. Thế nhưng chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận, thân ái cho dù chúng tôi rất khác nhau về tuổi tác, trình độ, văn hóa, tập khí… Có rất nhiều Phật tử và thiền sinh khi tới chung sống và tu tập với chúng tôi đã nói rằng “ Sống với quý thầy quý sư cô, con chẳng thể nào giận được bơoỉ vì ai cũng ăn nói dịu dàng”. Quả vậy, chúng tôi luôn áp dụng pháp môn “ Ái ngữ và lắng nghe” để hành xử với nhau.
Ái ngữ là những lời nói từ bi, hòa ái, có nghĩa, có tình. Còn lắng nghe là khả năng lắng nghe sâu sắc để có thể hiểu được gốc nguồn từ những điều người kia nói ra.
Khi cần phải nói với nhau chúng tôi đều “ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Mỗi lần thấy ai làm điều gì chưa đúng chúng tôi vẫn nhắc nhở, nhưng sự nhắc nhở này xuất phát từ tình thương, nhắc với mong muốn giúp người kia tiến bộ chứ không phải vì cảm thấy bực bội khó, chịu mà nói ra. Chúng tôi đã giao ước với nhau rằng, nếu trong tâm đang có sự bực bội thì dứt khoát không nói dù chỉ nửa lời. Bởi vì khi giận, ta thường để cho cái thấy phiến diện chi phối, sai sử khiến ta khó kiểm soát được lời nói của mình và đổ vỡ là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi chỉ nói khi nào cảm thấy trong tâm thực sự bình an
Ví dụ như khi ở nhà, nếu bạn thấy em mình rửa bát chưa sạch thì có thể bạn sẽ nói rằng: “Em rửa bẩn quá, em phải rửa lại ngay đi”. Câu nói ấy của bạn sẽ khiến cho người nghe bị dội, bị chạm tự ái và cảm thấy khó chịu. Có thể lúc ấy người ta sẽ làm theo bạn nhưng trong tâm thì không phục và mang nỗi bực dọc ở trong lòng. Và tới khi bạn phạm phải thiếu sót gì thì người ấy nhân cơ hội này bắt lỗi lại bạn. Trong đời sống tu tập, nếu có trường hợp tương tự như vậy xảy ra thì chúng tôi sẽ nói rằng : chị (em) rửa kỹ hơn một chút được không? Và chúng tôi nói bằng tình thương chứ không có sự bực bội nên âm điệu của lời nói rất nhẹ nhàng và người nghe sẽ chấp nhận được một cách dễ dàng.
Một sư cô sống tại Làng Mai kể rằng, khi còn là cư sĩ, có một lần sư cô nấu canh rất mặn. Cả nhà ai cũng chê và không ăn. Duy chỉ có mẹ cô là dùng món canh hết lòng, lại còn khen ngon nữa. Cô nhìn mẹ biết ơn: “Mẹ! Mặn thế mà mẹ vẫn bảo ngon”. Người mẹ nhìn cô con gái dịu dàng: “Miễn là con nấu thì dù có mặn mẹ vẫn thấy ngon”. Đó là một biểu hiện về tình thương của mẹ cô dành cho cô. Nó khiến lòng cô ấm áp và dâng tràn niềm biết ơn vô hạn. Mẹ cô đã khéo léo cảm hoá được cô bằng chính tình thương của mình. Và từ đó mỗi lần nấu ăn cô đều có gắng nấu thật khéo để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người thương yêu cô. Những người đã nâng đỡ, bao dung và đặt tin tưởng nơi cô
Trong cuộc sống, ai chẳng mắc phải lầm lỗi. Nếu người phạm lỗi, nhận được sự bao dung, cảm thông từ những người xung quanh thì khă năng tiếp nhận và chuyển hoá trong họ diễn ra rất nhanh chóng. Hiểu được như vậy chúng ta không còn trách móc, buộc tội hay đay nghiến. Bởi vì hành xử như vậy chẳng những không mang lại lợi ích gì cho mình và cho người phạm lỗi mà còn tạo thêm nhiều oán giận, khổ đau và chia ly. Chỉ có lời nói bao dung, nhân ái mới chuyển hoá được lỗi lầm của người kia, mang lại không khí hoà thuận giữa ta với những người xung quanh.
Để làm được điều đó chúng ta phải tập cho mình khả năng giữ được sự bình tĩnh. Và thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày là cách giúp chúng ta rèn luyện khả năng ấy. Trong mọi sinh hoạt: làm việc, vui chơi, … thường xuyên đặt trong chánh niệm sẽ giúp định lực của ta ngày càng hùng hậu. Do đó, khi gặp phải những tình huống bất như ý chúng ta vẫn có thể kiểm soát được lời nói, hành động, tâm ý của mình để tránh gây ra những đổ vỡ đáng tiếc cho chính mình và cho người khác.
Lắng Nghe là một phương pháp luôn đi kèm với Ái Ngữ. Thực tập Ái Ngữ là thực tập Từ, tức là ban tặng niềm vui, thực tập Lắng Nghe sâu là Bi, tức là làm vơi nỗi khổ. Mục đích của việc lắng nghe là giúp người kia có cơ hội nói ra hết những khổ đau trong lòng họ. nếu lắng nghe một cách hết lòng thì dù bạn chưa cần làm gì, nói gì nhưng người kia đã vơi nhẹ đi rất nhiều. Tuy nhiên, khi nghe bạn phải thực sự có mặt với người ấy, chú ý chân thành tới lời nói của người ấy mà đừng nên nghe một cách hời hợt, ậm ờ – chuyện đó còn tệ hơn là không nghe. Khi thực tập lắng nghe có thể ta phải tiếp nhận lời nói chất đầy năng lượng tiêu cực nơi người đối diện bởi vì người ấy đang mang trong lòng quá nhiều khổ đau, nếu thực tập chưa vững thì ta rất dễ bị những năng lượng ấy khuynh đảo. Vì vậy khi thực tập lắng nghe bạn phải theo dõi hơi thở và luôn tâm niệm rằng người kia đang rất đau khổ, đang có tri giác sai lầm về bạn và những người xung quanh, cho nên bạn lắng nghe đây là để giúp cho người ấy vơi bớt khổ đau trong lòng họ. Nghe như vậy bạn sẽ không cảm thấy bực bội, khó chịu. Đó là phép lạ của từ bi tâm. Nghe chính là đang thực tập hạnh từ bi. Tất nhiên, trong khi lắng nghe bạn thấy người ấy có nhiều hiểu lầm, cố chấp nhưng bạn không nên nóng nảy ngắt lời người ấy, nói rằng người ấy đã sai lầm, vì bạn biết rằng nếu làm như vậy người ấy sẽ tức giận, sẽ khự lại và cả hai sẽ rơi vào một trận cãi vã. Nếu thấy như vậy bạn phải tự nhủ rằng, người kia đang có tri giác sai lầm, chính những tri giác sai lầm này đã làm cho người ấy khổ đau. Bây giờ công việc của mình là lắng nghe với tâm từ bi, rồi từ từ, khi tâm người ấy bình an trở lại mình mới đưa ra những dữ kiện để điều chỉnh nhận thức sai lầm của người ấy.
Cũng có khi người kia vì những tri giác sai lầm mà nói ra những câu nói mất hết tình nghĩa, khiến bạn không thể chịu đựng nổi. Thì khi ấy bạn phải biết rằng sự thực tập của mình chưa đủ vững, cách tốt nhất lúc này là dùng lời nói ái ngữ để xin người kia cho mình tiếp tục lắng nghe vào dịp khác. Con xin phép bố (mẹ, anh, chị, em) hôm nay con không được khoẻ, con muốn đi nghỉ một lúc, ngày mai con sẽ tiếp tục lắng nghe bố ( mẹ, anh, chị, em). Trong thời gian đó bạn phải thực tập nhìn cho sâu sắc để thấy được nỗi khổ đau của người kia, khi thấy rồi thì sẽ thương được, và khẳ năng ngồi lắng nghe sẽ vững vàng hơn. Chỉ cần duy trì được lòng xót thương của mình trong suốt buổi lắng nghe là bạn đã thành công rồi.
(theo Langmai)