Linh hoạt trong ngôn ngữ; khúc chiết, phân minh trong triết luận, Cao Huy Thuần cứ "vén mây" dần dần trong mỗi câu chuyện kể bằng tất cả sự uyên thâm và hóm hỉnh của mình. Trò chuyện với người trẻ, ông có những câu chuyện về bình đẳng nam nữ, về tình yêu, đám cưới, về chiếc nhẫn đôi lứa trao nhau để chia sẻ cách yêu nhau thế nào cho… bớt khổ, để hiểu chính gia đình "là chỗ để học và để hành hai chữ vô ngã"… (Quà tết, Ðám cưới, Nhẫn).
Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sau "sự cố" nhà văn bị kiểm điểm, ông nói về "cái giận" một cách thâm thúy, để dù ai đang giận cũng phải vứt giận mà cười… mình (Vẽ cây vẽ chim).
Từ bài thơ Ði chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Cao Huy Thuần kết nối sang câu chuyện tín ngưỡng của dân tộc để nhắc mình, nhắc người đừng đánh mất cái tâm bình dị (Chùa Hương) vì "Tâm bình dị, dạ chân chất, nhìn đâu cũng thấy Phật". Từ khả năng tập trung chú ý của học sinh, ông diễn giải thật thơ về "định" và "tuệ" (Trên ghế nhà trường). Từ câu chuyện với "người quét chùa", ông đặt ra câu hỏi cho người trí thức về nghĩa vụ "làm sạch cho đất nước" (Tặng người quét chùa trên núi Túy Vân).
Trách nhiệm của người trí thức ở đời, cách thức gánh vác số phận chung cũng là cái tứ bàng bạc trong nhiều bài viết của Cao Huy Thuần. Cũng vậy, ẩn hiện sau những tinh túy của triết học Phật giáo được chuyển hóa nhuần nhuyễn trong mỗi câu chuyện còn là một tình yêu với đất nước, với dân tộc VN – một dân tộc may mắn có "một văn hóa hòa bình" mang truyền thống hiền hòa của Phật giáo: làm lành, tránh ác.
Bay trên đôi cánh của lòng tin và trí tuệ, những câu chữ cứ mở ra những nụ cười đạo vị, có nụ cười tủm tỉm, thâm trầm; có nụ cười sảng khoái, khinh an. Sự tự tại từ tác giả cứ tự nhiên mà chuyển lưu sang người đọc để càng đọc càng thấy "sáng" ra một niềm hoan hỉ.
Nếu ví trăng như một hình ảnh của sự tỉnh thức, tác giả đã "nhìn trăng", "theo trăng" và cả đùa được với trăng bằng cái thấy của một thiện tri thức thật hiểu, thật tin vào Phật tính nơi mỗi người, biết làm cho "trống" những tạp niệm, tham dục trong tâm. Và Thấy Phật, không hề siêu hình, rốt ráo nhắc ta học chữ "không" – trước mắt là không với lợi, không với danh bởi chính sự vướng mắc, tham đắm vào đó làm ta che phủ mất bản tính vốn trong sáng như mặt trời, mặt trăng nơi mình – Phật ở trong tâm mình.
Sách do Phương Nam và NXB Tri Thức ấn hành nhân mùa Phật đản Phật lịch 2553.