– Xin Hòa thượng cho biết ý nghĩa của công tác đào tạo Tăng tài của Giáo hội trong giai đoạn hiện nay?
Như quý vị biết, Tăng sĩ là một trong ba ngôi Tam bảo, là người kế thừa mệnh mạch Phật pháp, đóng vai trò cốt yếu trong việc hoằng Pháp lợi sinh, đưa giáo lý của đức Phật vào cuộc đời, tạo sự an lạc trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh, tôn vinh giá trị đạo đức cao đẹp, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa, Giáo hội muốn có một đội ngũ Tăng sĩ có đầy đủ Giới, Định, Tuệ; tu tập và hoằng pháp bằng cả thân giáo và khẩu giáo thì công tác giáo dục và đào tạo Tăng tài là yếu tố quyết định.
Hơn nữa, đất nước đang đổi mới mạnh mẽ, hòa nhập vào khu vực và thế giới, nhất là việc gia nhập WTO vào cuối năm nay. Thế sự đang bàn nhiều đến việc sống trong “thế giới phẳng” trong đó không còn biên giới về kinh tế, văn hóa, xã hội, biên giới quốc gia chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Người Tăng sĩ không thể đứng ngoài dòng chảy đó mà phải trang bị đầy đủ kiến thức thế học, với năng lực tu tập và trí tuệ của người trưởng tử Như Lai, sống vững vàng, biết tận dụng những thuận duyên và khắc phục những nghịch duyên cho quá trình tu tập, phụng sự đạo Pháp, phục vụ dân tộc, phát triển Giáo hội. Muốn vậy, giáo dục ngoại điển cũng cần phải được coi trọng.
– Hòa thượng đánh giá như thế nào về quá trình tu học của Tăng Ni sinh khóa IV – Học viện Phật giáo Việt
Tăng Ni sinh khóa IV được đào tạo trong bối cảnh Học viện có nhiều đổi mới về tổ chức và điều hành, nội dung đào tạo, dưới sự năng động và tích cực của đội ngũ giảng sư, cộng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi Tăng Ni sinh nên đã đạt được những kết quả đáng quý:18,55% đạt loại xuất sắc, 8.85% đạt loại giỏi, 32,4% đạt loại khá, 40,2% đạt loại trung bình. Các Tăng Ni sinh được trang bị những kiến thức nội điển và ngoại điển cần thiết.
Các Tăng Ni sinh đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như tổ chức viết báo tường, viết thu hoạch theo chuyên đề nhân dịp lễ Phật đản, Vu Lan, ngày Nhà giáo Việt
Bên cạnh việc học thì việc tu cũng được các Tăng Ni sinh coi trọng thông qua việc tuân thủ nghiêm túc giới luật, tham gia an cư kiết hạ tại các trường hạ… Các Tăng Ni sinh ngoài thời gian học tập cũng tích cực tham gia các hoạt động Phật sự, hoằng pháp, từ thiện xã hội.
– Giáo hội sẽ phát huy vai trò của các Tăng Ni mới tốt nghiệp ra sao để không lãng phí nguồn nhân sự quý báu này, thưa Hòa thượng?
Các Tăng Ni sinh mới tốt nghiệp sẽ được giao nhiều trọng trách trong các Ban Trị sự tỉnh, Ban đại diện các quận, huyện. Qua đại hội Phật giáo các tỉnh và đại hội Phật giáo toàn quốc tới đây, nhân sự lãnh đạo các cấp, các ban của Giáo hội sẽ được bổ sung từ những Tăng Ni sinh này.
Vai trò quan trọng nhất của các Tăng Ni trẻ hiện nay là trong công tác hoằng pháp. Họ phải trang bị thêm kiến thức và kỹ năng sư phạm để tham gia giảng dạy tại các trường trung cấp Phật học, mở các đạo tràng để giảng pháp cho Phật tử, hướng dẫn Phật tử sống tốt đời đẹp đạo, tham gia làm nòng cốt trong công tác từ thiện của địa phương, chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hiện nay, Giáo hội cũng khuyến khích các Tăng Ni trẻ tiếp tục học tập lên cao, chú trọng phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo thông qua tu bổ chùa chiền, nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác.
– Hòa thượng có lời dạy gì đối với các Tăng Ni vừa nhận bằng Tốt nghiệp?
Các Tăng Ni trẻ nhận bằng tốt nghiệp hôm nay cần phải hiểu rằng tấm bằng đó không phải là mục đích của quá trình tu học, đó chỉ là sự đánh dấu những kết quả học tập đạt được trong bốn năm qua.
Các Tăng Ni mới tốt nghiệp cần tiếp tục tự trau dồi kiến thức nội điển và ngoại điển, trưởng dưỡng Tâm, Trí, Tuệ và Hạnh, trang nghiêm Giáo hội, là tấm gương sáng và chỗ dựa vững chắc cho hàng Phật tử tại gia, tích cực dấn thân trong các công tác Phật sự và xã hội…