Trong thời gian này, mọi người thường tập trung làm lồng đèn tại chùa hay tại tư gia, sau đó treo các lồng đèn ấy tại nơi diễn ra Đại lễ đản sanh, với hy vọng gia đình mình có nhiều sức khoẻ và thịnh vượng. Nếu bạn đến đây sẽ thấy sắc màu của lễ hội lồng đèn tràn ngập khắp mọi nơi, từ bên trong ngôi chùa cho đến dọc theo các con đường trung tâm Hán Thành (Seoul)
Trước toà thị chính của Thủ đô, một lễ đài đèn lồng Phật giáo được thiết kế rất to đặt tại trung tâm đón mừng khánh đản. Nơi đây, vào mỗi dịp giáng sinh, đạo Thiên chúa cũng đặt những cây thông chào mừng lễ Noel của họ. Mỗi năm, lễ đài Phật đản tại trung tâm được thay đổi theo nhiều hình dáng khác nhau, có năm là hình ngôi tháp, có năm là biểu tượng hoa sen, hay đơn giản là hình đức Phật đản sanh cùng chú voi… tất cả đều tạo nên một sắc thái riêng cho từng mùa lễ. Đại lễ Phật đản năm nay và lễ hội đèn lồng bắt đầu từ 24 tháng 04 đến ngày 02 tháng 05 năm 2008, hiện nay mọi người đang tất bật hoàn tất những chiếc lồng đèn của mình, để kịp đem đến cho lễ hội màu sắc của kiết tường, may mắn.
Ngày lễ đèn lồng song hành cùng ngày lễ Phật đản xuyên suốt trong nhiều thời kỳ lịch sử. Ở mỗi triều đại đều có những chính sách riêng, vì thế lễ hội đèn lồng Phật đản cũng bị ảnh hưởng một phần nào đó theo dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc. Chính vì thế vào những năm vương triều 신라(Shila) và고려(Korea) nắm quyền, chính sách của vương triều này xem ngày Phật đản là ngày lễ lớn, nhưng đến thời kỳ của vương triều 조선(Chosun) thì ngược lại, ngày lễ Phât đản không còn được chú trọng nữa. Tuy nhiên dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân Hàn quốc vẫn duy trì lễ hội đèn lồng, ngày lễ Phật đản cho đến bây giờ. Hiện nay, ngày Phật đản không chỉ là ngày lễ lớn của Phật giáo, mà còn là lễ hội văn hóa của người Hàn.
Từ năm 1955, tín đồ Phật giáo đã tổ chức lễ hội đèn lồng trên các đường phố chính xung quanh chùa Tào Khê – ngôi chùa lớn nhất Seoul. Đến năm 1996, lễ hội này mới chính thức được phát triển thành lễ hội văn hóa truyền thống. Lễ hội không chỉ dành riêng cho các tín đồ Phật giáo mà còn trở thành lễ hội chung cho cộng đồng: người thiên chúa giáo, tin lành cùng tham gia. Lễ hội đèn lồng sẽ được thắp sáng trước toà thị chính, kết hợp với các loại hình, sự kiện văn hóa khác. Trên các kênh thông tin truyền thông đều cung cấp nội dung lễ hội, bạn có thể xem và tìm hiểu thêm các hoạt động, sắp xếp thời gian tham dự, hay đề suất các ý tưởng làm cho lễ hội thêm phần đặc sắc.
Theo chương trình của buổi lễ được ấn định rõ, tôi nghĩ chiều thứ bảy (ngày 25 tháng 04), bạn nên đi đến chùa Tào Khê để thưởng lãm lễ hội đèn lồng truyền thống. Các loại lồng đèn trong lễ hội đều làm bằng loại giấy truyền thống đặc biệt của Hàn Quốc 한지(Hanji). Mỗi chiếc đèn đều có sắc thái, ý nghĩa riêng, biểu trưng cho những ý tưởng độc đáo gắn liền với đời sống, quan niệm văn hóa của người dân Hàn Quốc, Lồng đèn hổ và rồng mang ý nghĩa giúp con người ngăn chặn những điều xấu, đem đến sự may mắn cho gia đình. Lòng đèn màu trắng có hình hoa sen, cũng như những kiểu dáng khác biểu hiện lòng tri ân với người quá vãng, thường trên những lồng đèn này có ghi tên người thân đã qua đời, cầu nguyện họ luôn an lành nơi miền cực lạc.
Sau khi ăn tối tại 인사동(Insa-dong), bạn có thể thưởng thức lễ hội âm nhạc Phật giáo, từ 7 giờ đến 9 giờ với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: múa, hát, ngâm, v.v… Ngày hôm sau, bạn có thể làm một chiếc đèn hoa sen cho riêng mình, và đừng quên ghi tên bản thân và gia đình mình vào đấy, với mong ước có mọi điều an lành trong cuộc sống. Đến đây, bạn có thể tham gia các trò chơi của dân gian Hàn quốc cũng như các nước có truyền thống Phật giáo khác như Ấn Độ, Tích Lan (Sri Lanka), Thái Lan… Ngoài ra, bạn còn thưởng thức một buổi tiệc chay rất ngon do chư tăng tiếp đãi.
Theo tôi biết thì năm nay có hơn 100.000 chiếc lồng đèn với nhiều hình sắc khác nhau, như hình tượng Phật, các vị Bồ tát, tháp, chùa, hoa sen và một số loài vật… sẽ được diễu hành trên đường phố Seoul. Từ 7 giờ tối, các lồng đèn hoa sen đều bật sáng, các ban nhạc vũ công sẽ kết hợp thành đoàn đồng thanh trong những bài hát truyền thống Phật giáo. Chắc chắn bạn sẽ có cảm thấy thích thú khi hòa mình vào lễ hội Phật đản ở quê hương tôi.
Tôi nghĩ rằng, có dịp đến Hàn Quốc trong mùa lễ hội này, bạn mới cảm nhận hết được những điều tôi nói nơi đây.
Trần Thái Hòa (biên dịch)