Trang chủ Tuổi trẻ Em học Phật Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca ( Hết phần 1 )

Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca ( Hết phần 1 )

303

 ĐẤU TRANH ĐỂ ĐẠT GIÁC NGỘ

100. Bồ tát (Bodhisatta)  đã làm gì sau khi tự truyền giới cho mình?

Ngài nhịn ăn một tuần tại Anupiya Mango Grove, để tận hưởng niềm hạnh phúc được sống một mình.
 
101. Ngài làm gì vào ngày thứ tám?

Với bình bát trong tay, mắt nhìn xuống, Ngài đi đến từng nhà một trên đường để xin thực phẩm.
 
102. Có phải đó là một cảnh lạ lùng đối với người dân không?

Dân chúng và vua Tần Bà Xa La quá đỗi kinh ngạc trước cảnh một người quý phái như vậy mà lại đi xin ăn.
 
103. Nhà vua ra lệnh như thế nào?

Nhà vua truyền cho dân chúng tìm hiểu xem Ngài là ai.
 
104. Sau khi khất thực xong, Bodhisatta làm gì?

Sau khi nhận đủ thực phẩm, Ngài đi đến phiến đá Pandava.
 
105. Bồ tát cảm thấy như thế nào khi nhìn vào thức ăn mà mình vừa xin được?

Ngài thực sự muốn ói ra khi nhìn đống thức ăn hổ lốn mà từ trước đến giờ Ngài chưa bao giờ thấy.
 
106. Ngài có dùng thức ăn đó không?

Ngài tự khuyên mình không nên vướng mắc vào thức ăn và ăn thức ăn đó.
 
107. Chuyện gì xảy ra người sứ giả tường thuật sự việc này lại cho nhà vua?

Nhà vua vội vàng đi đến nơi và xin dâng cho Bồ tát một nửa vương quốc của ngài.
 
108. Bồ tát có nhận không?

Không, Ngài từ chối nói rằng Ngài chỉ muốn đi tìm sự Giác ngộ.
 
109. Nhà vua có phật lòng không?

Nhà vua rất hoan hỷ trước mục đích cao thượng đó.
 
110. Nhà vua nói gì?

Nhà vua mời Ngài hãy ghé thăm vương quốc của nha vua đầu
tiên sau khi Ngài đạt Giác ngộ.
 
TÌM CHÂN LÝ

111. Ngài đã tìm Chân lý bằng cách nào?


Đầu tiên, Ngài tìm đến một nhà tu khổ hạnh nổi tiếng tên là Alara Kalama và thọ giáo với vị thầy này.
 
112. Ngài có hài lòng với phương pháp tu tập mà vị thầy này dạy cho Ngài không?

Ngài không hài lòng vì phương pháp tu tập này cũng chỉ giúp Ngài đạt tới một cảnh giới nhận thức nào đó mà thôi.
 
113. Ngài có rời bỏ vị thầy này không?

Vì Ngài không tìm được cái Ngài muốn tìm, Ngài tìm đến một nhà tu khổ hạnh nổi tiếng khác tên là Uất Đầu Lam (Uddaka Ramaputta).
 
114. Ngài có hài lòng với phương pháp tu tập của vị thầy thứ hai này không?
 
Ngài cũng không hài lòng vì vị thầy này cũng chỉ dạy cho Ngài đạt tới một cảnh giới nhận thức cao hơn mà thôi.
 
 115. Tại sao Ngài không hài lòng với các cách thức tu tập này?

Vì cái mà Ngài đi tìm là Niết Bàn (Nibbana), sự chấm dứt của tất cả mọi khổ đau.
 
116. Ngài có vì vậy mà nản lòng không?

Ngài không nản lòng mặc dù Ngài thất vọng. Ngài quyết định tự mình tìm ra Chân lý.
 
117. Ngài chọn nơi nào để ngồi thiền?

Ngài chọn Ưu lâu tần loa (Uruvela), một nơi đẹp và yên tĩnh.
 
118. Ai đã tham gia vào cuộc hành trình đi tìm Chân lý cùng Ngài?

Năm vị thầy tu tên là Kiều Trần Như (Kondanna), Bạt Đề (Bhaddiya), Bà sa bi (Vappa), Ma nam câu lợi (Mahanama), và A thấp bà trí ( Assaji) theo Ngài.
 
119. Kondanna là ai?

Ông là người Bà la môn trẻ tuổi nhất đã tiên đoán tương lai của Hoàng tử sơ sinh vào buổi lễ đặt tên.
 
120. Những người khác là ai?

Họ là con trai của bốn người Bà La Môn khác cũng có mặt tại buổi lễ đặt tên.
 
121. Bodhisatta phải tự đấu tranh với bản thân trong bao lâu mới đạt được sự Giác ngộ?

Ngài phải tranh đấu với bản thân trong sáu năm.
 
122. Ngài đã phấn đấu để đạt được Giác ngộ ra sao?

Ngài thực hành nhiều hình thức ép xác và chịu nhiều đau khổ. Ngài cũng thực hành nhiều cách tu khổ hạnh. Ngài hành hạ cơ thể mình quá mức đến nỗi nó gần như chỉ còn là bộ xương.
 
 
123. Việc gì xảy ra cho cơ thể mong manh của Ngài?  
      
Sắc da màu vàng ròng của Ngài trở nên xanh xao, máu của Ngài khô cạn và hốc mắt lõm sâu. Ngài gần như đang ở bên bờ vực của tử thần.
 
124. Lúc này, kẻ nào tìm đến với Ngài?

Ma vương (Mara), kẻ độc ác, tìm đến bên Ngài để dụ dỗ.
 
 125. Mara nói gì?

Mara nói : “Ngài chỉ còn da bọc xương và đang cận kề với cái chết. Ngài ôi, Xin Ngài hãy sống, sống tốt hơn, phải không? Vì Ngài có thể thành tựu các phước đức.
 
126. Bodhisatta trả lời như thế nào?

Ngài trả lời: “Mara, ngươi đến đây chỉ vì lợi ích của chính ngươi. Ta không cần các phước đưc, ta không cần sống, ta chỉ muốn tìm sự Giác ngộ.”
 
127. Bồ tát có nói cho Mara biết đội quân của y gồm những ai không?

Ngài nói đội quân của Mara gồm mười thứ tham dục..      
 
128. Mara có thành công trong việc quyến rũ Bodhisastta hay không?

Không, hắn bỏ đi trong sự thất vọng.
 
CHỨNG ĐẮC GIÁC NGỘ
 
129. Bodhisatta có thay đổi phương pháp tu tập không?

Ngài thay đổi cách tu khi thấy việc ép xác không có kết quả.
 
130. Pháp tu mới mà Ngài áp dụng là gì?

Ngài bỏ lối tu cực đoan và áp dụng con đường Trung Đạo (Majjhima Patipada).
 
131. Ngài có nghĩ rằng Ngài có thể đắc quả Phật với thân xác gầy mòn như vậy không?
 
Ngài nghĩ rằng nếu Ngài muốn đắc quả Phật, Ngài cần phải khỏe trở lại, vì vậy Ngài ngưng nhịn ăn và  thọ dụng một ít thực phẩm.
 
132. Năm vị tu sĩ cùng tu với Ngài có bằng lòng khi Ngài thay đổi cách tu không?

Năm vị tu sĩ thất vọng, bỏ Đức Phật lại một mình để đi đến Lộc Uyển (Isipatana).
 
133. Ngài có nản lòng không?

Không, Ngài có một ý chi sắt đá. Ngài vui vì được sống một mình.
 
134. Chuyện gì xảy ra vào một ngày nọ khi Ngài đang ngồi dưới cây một cây bồ đề?

Một thiếu phụ tên là Tu Già Đa (Sujata ) dâng Ngài một ít sữa đề hồ (cơm nấu với sữa).
 
 
135. Thọ dụng xong thức ăn này, Ngài có khỏe lại không?

Có, Ngài cảm thấy sức khỏe hồi phục và quyết định sẽ ngồi mãi ở đây, chỉ đứng dậy khi nào đã đắc được quả vị Phật.
 
136. Ngài ngồi dưới cội cây nào?

Ngài ngồi dưới cây bồ đề nổi tiếng tại Bồ Đề Đạo Tràng (Buddha Gaya).
 
137. Tại sao lại gọi là cây Bồ đề (Bodhi, cây Giác ngộ)?

Gọi là cây Bồ đề vì  Bodhisatta đã đắc đạo khi ngồi tu tập tại gốc cây này.
138. Chuyện gì xảy ra vào canh đầu tiên trong đêm Ngài đắc đạo?

Ngài đắc túc mạng minh. Do đắc được minh này nên Ngài có thể nhớ lại các kiếp trước của Ngài.
 
139. Vào canh giữa của đêm, Ngài đắc được minh gì ?
 
Ngài đắc thiên nhãn minh. Do đắc được minh này nên Ngài có thể thấy được chúng sanh chết đi và tái sanh trở lại.
 
140. Chuyện gì xảy ra vào canh cuối của đêm?

Ngài dứt trừ mọi ái dục, ngộ được pháp Tứ Diệu Đế và đắc quả vị Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samma Sambuddha).
 
141. Samma Sambuddha có nghĩa là gì?

Samma Sambuddha có nghĩa là Giác Ngộ Viên Mãn (Viên Giác),   bậc Toàn Giác hoặc là bậc Tỉnh thức.
 
142. Diệu Ðế thứ nhất là gì?

Diệu Ðế thứ nhất là Khổ Ðế.
 
143. Diệu Ðế thứ hai là gì?   
          
 Diệu Ðế thứ nhì là Tập Ðế, nguyên nhân của sự khổ.
 
44. Nguyên nhân của sự đau khổ là gì ?

Nguyên nhân của sự đau khổ là lòng tham dục.
 
145. Diệu Ðế thứ ba là gì?        
 
Diệu Ðế thứ ba là Diệt Ðế, dứt trừ sự khổ.
 
146. Diệt Ðế là gì ?

Là Niết Bàn (Nibbana).
 
147. Diệu Ðế thứ tư là gì? 
 
Diệu Ðế thứ tư là Ðạo Ðế, con đường đưa đến Niết Bàn, dứt khổ.
 
148.  Bồ Tát đạt Giác Ngộ vào ngày nào?

Vào ngày trăng tròn Vesak vào tháng năm.
 
149.  Ngài thành Phật vào năm bao nhiêu tuổi ?       
     
Ngài thành Phật vào năm 35 tuổi.
 
 
 
 
150. Sau khi giác ngộ, Ngài được gọi bằng danh hiệu gì? 

Ngài được tôn xưng là Đức Phật Cồ Ðàm
.
151. Mỗi chúng ta có thể trở thành một vị Phật không?             
 
Ai cũng có khả năng trở thành Phật.
 
152. Có các vị Phật đã xuất hiện trong quá khứ không?

Có nhiều vị Phật xuất hiện trong quá khứ.
 
153. Trong tương lai, sẽ có các vị Phật tương lai xuất hiện không?

Sẽ có nhiều vị Phật xuất hiện trong tương lai.
 
154. Tên của vị Phật tương lai là gì?

Di Lặc (Metteyya (Maitreya)) là tên của vị Phật tương lai.
 
Người dịch: Quảng Hiền
(Còn tiếp)
Theo: New York Buddhist Vihara