Sen Huế nổi tiếng là sen quý. Được trồng từ thời các chúa Nguyễn, đến đời Gia Long, sen có mặt khắp các sông hồ, hệ thống thủy lợi, kênh đào quanh kinh thành Phú Xuân cùng hàng ngàn ao hồ ở các chùa, lăng tẩm… và tồn tại cho đến nay.
Sen Huế có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh, văn hóa cho đến ẩm thực. Hầu hết các kênh rạch ao hồ đều được thả sen, có tác dụng tạo “phong thủy” cho đất kinh thành. Quan trọng hơn, Huế ảnh hưởng văn hóa Phật giáo sâu đậm, hình tượng hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết và giải thoát giác ngộ được người dân ưa chuộng. Vì vậy mà người ta chơi sen như là một sự nhắc nhở hướng thiện, huân đức thanh khiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Cho nên, bất kể sử dụng sen với mục đích nào, người Huế cũng phải luôn thể hiện tâm hồn thanh nhã của mình như hoa sen. Có thể nói sen Huế chính là con người Huế vậy.
Sen Huế là nguồn sống tâm linh cao đẹp của con người Huế. Dân Huế thường dùng sen búp để cúng Phật và cúng tổ tiên. Hình ảnh hoa sen tác động trực tiếp vào tâm linh, là biểu tượng tinh thần của người dân xứ Huế, vì vậy mà hoa sen đã được cách điệu hóa thành những hoa văn, phù điêu chính yếu trong truyền thống kiến trúc đình chùa miếu mạo và lăng tẩm ở Huế.
Từ ảnh hưởng của hoa sen trong đời sống tinh thần mà người dân Huế đã đưa sen lên đỉnh cao của văn hóa ẩm thực. Sen hồ Tịnh Tâm ngày xưa được dùng để ướp trà cho vua. Người ta ướp trà vào ban đêm. Khi sen vừa hé nhụy là lúc trời đất đang giao hoà, hương còn rất đượm. Trà được đặt vào trong lòng hoa rồi dùng dây buộc lại, ép không cho hoa nở ra, để qua hết đêm trà sẽ hấp thụ toàn bộ hương sen. Sáng hôm sau thì thu trà, trà sen Huế vì thế có hương thơm thanh khiết và đậm đà đến say lòng.
Chè sen Huế chỉ dùng hạt tươi, bóc vỏ, lột lớp lụa mỏng, xoi tim rồi đem chưng cách thủy, chưng với đường phèn thì hương mới thơm. Chè sen được múc trong bát cổ men sứ màu xanh nhỏ như “mắt trâu”, chỉ độ dăm bảy hạt sen vàng nở lươm tươm. Trong các dịp lễ tết hay kỵ giỗ, chè sen là món quan trọng gần như không thể thiếu trong lễ phẩm. Cúng xong, chỉ một bát thôi là đã thưởng thức đủ cái “quốc hồn quốc túy” của xứ Huế rồi!
Ngoài ra, sen Huế còn dùng để nấu cơm sen rất nổi tiếng trong các món ăn truyền thống Huế. Cách nấu cơm sen cũng hết sức cầu kỳ, chỉ có những người phụ nữ Huế thực thụ tính tình điềm đạm có bản sắc “tôn nữ” mới nấu được cơm sen. Trong những món ăn “bát bửu”, cơm sen xuất hiện với một phong cách rất Huế. Những ai muốn thưởng thức món cơm sen Huế hãy đến cố đô vào mùa sen nở. Ngoài ra, còn có nhiều món ăn thượng vị từ sen Huế mang nhiều hương sắc và hương vị đậm đà.
Nhưng qua rồi thời vàng son, hiện thật đáng buồn cho sen Huế. Vào “Hạ” được gần một tháng rồi, mùa an cư của quý thầy cũng đã đi được một chặng đường rồi, mùi hương đạo hạnh đã ngược xuôi với gió bay đi đến tận hang cùng ngõ hẻm của kinh thành Huế mà dưới các ao hồ khắp kinh thành chỉ thấy lác đác một vài bông sen. Người ta nói rằng sen Huế đã đến thời “thoái vị”. Từ việc san bằng ao hồ để làm nhà ở khiến cho 1/5 trong số 50 ao hồ trồng sen hoàn toàn biến mất đến những nhà hàng “thủy tạ” mọc lên lấn chiếm và cả việc giết sen để… trồng rau muống. Những nơi nào con người không “tranh thủ” được thì bị đại dịch ô nhiễm làm cho sen tê liệt, khiến sen phải nhường lại cho các loại lục bình, bèo tây, bèo ta… tha hồ lên ngôi.
Huế đang phục hồi và bảo lưu những gía trị văn hóa, sen cũng là một nét văn hóa đặc thù. Trong khi sen Huế đang kêu cứu, cũng may, vẫn còn đó các hồ bán nguyệt trước sân chùa Huế, hạ về sen vẫn nở…