Ngoài ra, nhà chùa còn bảo trợ cho gần 200 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn khắp trên cả nước bằng các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, thuốc men trong các ngày lễ, tết, khi ốm đau, bệnh tật.
Những mảnh đời nương nhờ cửa Phật
Đến thăm chùa Ngòi (thôn Quảng Nạp, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), trong khi chờ sư thầy Thích Đàm Dược đi cúng bái về, chúng tôi tranh thủ ghé thăm khuôn viên nhà chùa và tình cờ bắt chuyện với bé Thủy đang ngồi say mê đọc sách ngoài thềm. Thủy là một trong rất nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt được các nhà sư ở chùa Ngòi mang về nuôi dưỡng. Bố mẹ Thủy bỏ nhau, gia đình ly tán, Thủy được gửi vào nương nhờ cửa Phật.
Trên tay cô bé là cuốn truyện tuổi hoa học trò có tên giống với một bộ phim kinh điển Trung Hoa vào những năm 90 – “Mẹ ơi hãy yêu con lần nữa”.
– Sao cháu lại thích đọc cuốn truyện này?
– Để cháu học cách đi tìm mẹ. Mẹ cháu đi vắng lâu lắm không thấy về, chắc mẹ bị lạc đường. Các bà đều bảo mẹ nhất định sẽ về đón cháu. Sư thầy cũng bảo phải đọc nhiều sách, phải học giỏi để sau này lớn lên mới đi tìm mẹ được.
Sợ cháu tủi thân, ông Nguyễn Văn Mão – một người dân địa phương thường hay qua lại giúp nhà chùa nhắc khéo: “Thôi, Thủy vào rửa mặt mũi, chân tay rồi chuẩn bị ăn mà học bài đi con”.
Nhà sư chùa Ngòi đang chăm sóc cho những đứa trẻ không may mắn. |
Thật bất ngờ, trong buổi ban trưa, âm thanh vang lên khắp khuôn viên nhà chùa không phải là tiếng gõ mõ cầu kinh mà là tiếng đàn organ theo giai điệu “Con sẽ là mùa xuân của mẹ, con sẽ là màu nắng của cha”. Quang cảnh tĩnh mịch mà một ngôi chùa cần phải có gần như biến mất khi đến giờ các cháu đi học về. Đứa thì cười nói nô đùa, đứa thì tập đàn, đứa thì trêu ghẹo nhau, thậm chí lũ trẻ còn “tố cáo” chuyện bạn này gấp chăn màn không thẳng, bạn kia… đi vệ sinh không đúng chỗ.
Sư bác Thích Thanh Khê vừa tất bật lấy nước, lấy khăn rửa mặt cho từng cháu: “Các cháu còn trẻ con mà. Nhà chùa cũng muốn yên tĩnh để tụng kinh niệm Phật nhưng vì không có chỗ riêng, vậy nên khi tụng kinh niệm Phật hàng ngày phải vào trong điện thờ mới ngồi thiền được”.
Chúng tôi đã đi khá nhiều ngôi chùa từ thiện, nuôi dưỡng các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: chùa Bồ Đề ở Long Biên, Hà Nội; chùa Đại Cương ở Kim Bảng, Hà Nam… và đến với chùa Ngòi, lại có thêm nỗi cảm thông với những thân phận không may mắn phải nương nhờ cửa Phật.
Chùa Ngòi đang là ngôi nhà cho hàng chục thân phận không may mắn. Trong khuôn viên chùa Ngòi có Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức, Trung tâm Hỗ trợ, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, Trung tâm Văn hóa người cao tuổi.
Chùa Ngòi hiện đang nuôi dưỡng, chữa bệnh cho hơn 50 em hoàn cảnh đặc biệt, bị tàn tật, bị gia đình bỏ rơi, nhiễm chất độc da cam. Ngoài ra còn bảo trợ cho gần 200 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn khắp trên cả nước bằng các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, thuốc men trong các ngày lễ, tết, khi ốm đau, bệnh tật.
Chùa Ngòi còn nhận phụng dưỡng 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và chăm sóc những người cao tuổi không nơi nương tựa. Nơi đây còn dang rộng vòng tay đón hàng trăm người về chữa bệnh miễn phí mỗi năm với phương châm vừa chữa bằng đông y vừa thiền tịnh.
Cháu Nguyễn Thị Thủy, quê ở Vĩnh Phúc bị bệnh bại não, liệt, co quắp một cánh tay từ khi mới ra đời. Bố mẹ bỏ nhau, gia đình ly tán khi vừa tròn 1 tuổi, Thủy phải sống với bà ngoại. Người mẹ đã xuất giá sang Trung Quốc, nhớ thương con đã quay về quê hương đón con sang xứ người chạy chữa. Nhưng bệnh tình của Thủy không thuyên giảm mà còn có hướng trầm trọng hơn, chị đành nuốt nước mắt đưa con về với bà ngoại. Bà ngoại già lay lắt cũng không chăm nổi đứa cháu tật nguyền. Đến năm 2005, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đưa cháu Thủy gửi vào chùa Ngòi.
Khi mới vào đây Thủy còn không nói được, chỉ ú a ú ớ dăm ba câu. Cô bé được các nhà sư trong chùa lo cho chỗ ăn, chỗ ở, vừa chữa bệnh, vừa học văn hóa trong chùa. Với liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt kết hợp với ngồi thiền tĩnh tâm, giờ đây căn bệnh bại não của Thủy đã thuyên giảm được ít nhiều. Hàng ngày, Thủy được các nhà sư dạy chữ, dạy đàn, khi khỏe em đã có thể học thêm nghề may, đan thêu thủ công mỹ nghệ.
Hôm tôi đến, Thủy đã có thể chào và rót nước mời khách, Thủy cười với chúng tôi khoe em hiện đang học lớp 8 Trường THCS Quảng Phú.
Hoàn cảnh gần giống như Thủy là cô bé Nguyễn Thị Hải, người ở TP Thái Nguyên. Cô gái bước vào tuổi 18 nhưng người nhỏ thó như một đứa trẻ học cấp 1. Hải mắc chứng tâm thần nên nhà chùa phải cắt cử bác Nguyễn Văn Mão trông nom cháu vì cứ sểnh ra một tý là cháu lại vác dép chạy hò hét khắp chùa, thậm chí còn chạy cả ra đường trêu khách.
Bố mẹ Hải bỏ nhau cách đây 2 năm, bố đi biệt xứ, mẹ bỏ con vào chùa Ngòi để tha hương, lấy một người chồng Đan Mạch. Năm ngoái, bà quay về tìm đứa con tội nghiệp của mình, cả chùa mừng vì Hải sắp được đoàn tụ nhưng rồi người mẹ cũng gạt nước mắt mà đi vì không thể mang theo đứa con tật nguyền. Cô bé lại tiếp tục ở lại với ngôi chùa này.
Chữa bệnh bằng… tình thương
Việc chăm sóc những em tật nguyền đã khổ, chăm sóc những em bị nhiễm chất độc da cam còn khổ gấp bội phần. Hầu hết những em mang di chứng này đều không thể tự lo cho sinh hoạt của mình và nhiều khi là bị mất trí nhớ. Suốt 3 năm nay, có 33 nạn nhân chất độc da cam đến từ nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nam Định… được nuôi dưỡng tại chùa.
Theo sư thầy Thích Đàm Dược thì “bệnh tại tâm, khi tâm tịnh thì phần “con” sẽ nhỏ lại, phần “người” lớn lên”. Bằng phương pháp dạy cho các em hướng Phật từ bi, uống thuốc nam và đặc biệt là uống canh dưỡng sinh (gồm có nấm đông cô, củ cải đường, cà rốt, ngưu báng). Thầy Dược còn ứng dụng thêm các phương pháp hiện đại như vật lý trị liệu, hoạt kích bằng máy… những đôi tay bị liệt đã có thể duỗi thẳng, những trái tim, khối óc tật nguyền đã có thể được khai sáng trở lại. Các em đã có thể viết chữ, thêu hoa, may áo, có thể học hát, học múa, chơi đàn. Như một điều diệu kỳ nơi cửa Phật, nhiều em từ câm điếc đã có thể bập bẹ gọi những tiếng bố, mẹ, có thể chào các bác, các thầy.
Thầy Thích Đàm Dược nói: “Giáo lý nhà Phật hướng con người tới thiện tâm nhưng lao động cũng sẽ đánh thức yêu thương, đánh thức tính thiện, khơi dậy lòng ham học hỏi và biết trân trọng giá trị cuộc sống. Nuôi ăn nuôi mặc không bằng tạo cho các cháu cái nghề”. Với ý nghĩ ấy, thầy Dược đã đi khắp nơi vận động những ai có lòng hảo tâm bớt thời gian, công sức về chùa dạy cho lũ trẻ.
Chùa Ngòi tạo điều kiện cho các em ở đây được học nghề và những em nào có khả năng có thể làm việc để tự lo cho cuộc sống của mình. Nhà chùa có xưởng may thêu, xưởng mộc… Thi thoảng, nhiều doanh nghiệp hảo tâm cũng tạo điều kiện cho nhà chùa nhiều gói hợp đồng nhưng do các em bệnh tật, sức khỏe không tốt nên đều… làm hỏng. Nhưng khi có lô hàng nào được chấp nhận, bán được tiền thì nhà chùa không trừ chi phí máy móc, điện, phụ liệu mà chia ra trả công lao động hết cho các em.
Thường xuyên có trên dưới 50 người tá túc tại chùa nên nhà chùa quyên góp xây dựng được 2 dãy nhà trọ có đủ những vật dụng sinh hoạt cơ bản nhất. Chỉ tiếc mới đây, do các cháu nghịch nên chập điện, gây cháy làm cho dãy nhà 4 phòng bị hỏng nặng, phải lột hết mái để sửa chữa. Hiện sư thầy Thích Đàm Dược vẫn đang đi vận động các phật tử ở Thái Bình, Hải Phòng về giúp đỡ lợp mái để lấy chỗ sinh hoạt cho các cháu.
Những đứa trẻ bất hạnh được học nghề may tại chùa Ngòi. |
Có một điều cũng lạ, mặc dù các cháu là những người “nương náu cửa từ bi” nhưng vẫn không bị gò ép tất cả theo lối sống khổ hạnh của nhà Phật, các cháu vẫn được tạo điều kiện học đàn, học hát múa, thậm chí cả học ngoại ngữ. Cứ đến mùa hè là thi thoảng lại có vài đoàn sinh viên ở Hà Nội về tình nguyện dạy chữ, giúp đỡ các cháu.
Chúng tôi dành nhiều thời gian đi thăm nơi làm việc, học nghề của các em và chứng kiến những đứa trẻ không may mắn đang hăng say làm việc. Công việc khá nhẹ nhàng, các em chỉ phải đánh giấy ráp cho đồ gỗ, may các chi tiết đơn giản trên sản phẩm may công nghiệp… có cảm tưởng rằng, những lúc làm việc, chúng quên được đi mặc cảm mình bị dị tật, khiếm khuyết.
Không chỉ là chốn nương thân, tạo dựng cuộc sống cho các cháu nhỏ thiệt thòi, dị tật, chất độc da cam, chùa Ngòi còn như một bệnh viện nhận điều trị miễn phí cho những người gần như “vô phương cứu chữa”. Chùa Ngòi có khoảng 30 giường bệnh – không đủ cho các bệnh nhân nên phải áp dụng chính sách luân phiên điều trị. Và những người tìm đến với nhà chùa hầu hết là những bệnh nhân mà “y học bó tay” hoặc không có tiền đành nằm chờ chết.
Nguyễn Thị Huyên, quê ở Yên Định, Thanh Hóa là học sinh giỏi văn nhiều năm liền của huyện và tỉnh, nhưng bỗng một hôm em thấy đầu đau như búa bổ và ngất xỉu trên đường đi học về. Đến khi tỉnh lại em gần như quên tất cả, phá phách lung tung. Huyên được đưa ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội khám bệnh và được kết luận là mắc chứng tâm thần hoang tưởng, mất trí, muốn chữa trị phải rất lâu dài và tốn kém.
Trong cơn túng quẫn, mẹ Huyên nghe được thông tin về phòng khám miễn phí chùa Ngòi. Hai mẹ con cũng chỉ đủ tiền bắt xe đến bến xe huyện Lương Tài rồi đi bộ tìm chùa Ngòi nương náu với hy vọng vào một phép lạ nào đó.
Tại đây, hai mẹ con được bố trí chỗ ở, được nuôi ăn và toàn bộ chi phí thuốc men điều trị được nhà chùa trợ cấp hoàn toàn. Bằng nhiều phương pháp điều trị đặc biệt, bệnh tình của Huyên đã tiến triển rất tốt, dù chưa thể đến trường nhưng em đã có thể tự chăm lo sinh hoạt cho mình và chơi đùa với các bạn khác ở trong chùa.
Nhập đạo là để cứu đời
Băn khoăn về các khoản kinh phí để chu cấp cho việc ăn ở, sinh hoạt, điều trị thuốc men cho mấy chục con người trong chùa Ngòi, chúng tôi không dám hỏi sư thầy vì sợ bất kính. Bác Nguyễn Văn Mão, người giúp nhà chùa sắp xếp chuyện ăn ở nói: “Cũng có một phần là các quỹ hỗ trợ xã hội nhưng chủ yếu là tiền thầy Thích Đàm Dược đi quyên góp ở nhiều nơi về”.
Thầy Dược thường lặn lội đi cúng bái khắp các địa phương trong cả nước rồi kêu gọi các phật tử về công đức để lấy kinh phí nuôi các cháu. “Cứ đợt nào nhà chùa nhiều người nương nhờ thì đợt đó thầy Dược càng vất vả, có mấy khi thầy được ngồi yên ở chùa để tu tịnh đâu”.
Câu chuyện cuộc đời mà sư thầy Thích Đàm Dược kể cho tôi nghe cũng thực sự là câu chuyện thầy “theo đạo để cứu đời”. Năm nay 65 tuổi, thầy Dược cũng đã được “Phật cứu” trước khi theo Phật để cứu độ chúng sinh: “Năm 1978, tôi bị liệt nửa người, lại biến chứng thêm các bệnh chảy máu dạ dày, xoang… tưởng như mình đã thành phế nhân. Nhờ phúc nhà Phật, năm 1980 tôi được các sư chùa Nam Cường chữa khỏi bệnh, từ đó tôi học thêm nghề bốc thuốc nam ở chùa, đến năm 1986 thì quy y cửa Phật”.
Hành trình 20 năm theo đạo cứu đời của thầy Dược là quãng đường lặn lội khắp Bắc, Trung, Nam tìm các bài thuốc cổ, kết hợp nghiên cứu thiền học, châm cứu, truyền khí thông huyết đạo. Đến năm 2002, thầy được Trung ương Hội Phật giáo cử về trông coi chùa Ngòi. 7 năm đến chùa Ngòi là chừng ấy thời gian sư thầy Thích Đàm Dược bỏ bao công sức xây dựng nên cơ ngơi nhà chùa từ đống đổ nát, rồi từ đó làm nơi để những người có thân phận không may mắn nương nhờ. (Chỉ riêng việc đắp con đường đất đi vào chùa, thầy Dược và các đệ tử đã phải mất 4 tháng trời).
Sư thầy Thích Đàm Dược đang có ý định mở rộng các trung tâm nhân đạo, các hoạt động từ thiện ra ngoài khuôn viên nhà chùa để giữ sự thanh tịnh, thoát tục cho chùa Ngòi, điều kiện cần thiết cho các nhà sư, các phật tử tĩnh tâm khi về đây thăm viếng.
Khi chúng tôi ra về, sư thầy Thích Đàm Dược tiễn ra đến cổng chùa, lũ trẻ thấy khách về thì líu ríu chạy theo bám lấy áo thầy. “Tôi già rồi, không biết còn sống được bao năm nữa để nuôi bọn trẻ nữa”. Nhưng thầy cũng vui mừng kể chuyện nhiều người được nhà chùa cưu mang nay đã quay lại tri ân, góp công sức để nuôi những người bất hạnh: “Tôi vẫn tin rằng tâm con người luôn thiện và mong rằng chữ thiện không chỉ để ở trong tâm”.