Trong buổi thuyết trình “Nguồn Gốc Con Người Theo Nhãn Quan Phật Giáo” do nhà nghiên cứu Toàn Không Đỗ Đăng Tiến thuyết giảng, do Trung tâm âm Nhạc – Nghiên Cứu – Điện Aûnh Ananda tổ chức tại phòng thu hình của trung tâm này vào ngày 5 tháng 4 vừa qua, có phần giới thiệu và trình diễn của hai ca nhạc sĩ thiền ca trẻ, đó là ca nhạc sĩ Tú Minh và ca nhạc sĩ Lê Minh Hiền. Trong bài này, chúng tôi chỉ giới thiệu đôi nét về ca nhạc sĩ Tú Minh và kỳ sau, chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu ca nhạc sĩ trẻ Lê Minh Hiền.
Nhạc sĩ Tú Minh là một nữ nhạc sĩ trẻ tại miền Bắc California, mà giới yêu âm nhạc trên thế giới biết đến cô nhiều qua ca khúc nổi tiếng là Hãy Cứ Là Tình Nhân (1). Trước khi giả từ chúng ta, cây bút văn nghệ Trường Kỳ cũng đã có một bài viết về nữ nhạc sĩ Tú Minh mà chúng tôi sẽ đăng trong phần cuối của bài viết nhỏ này. Cô là hiền thê của nhạc sĩ danh tiếng Trần Quảng Nam – tác giả ca khúc Mười Năm Tình Cũ, một thời được lồng vào phim bộ Xóm Vắng.
Tú Minh từng được biết đến qua một số ca khúc nổi tiếng như Hãy Cứ Là Tình Nhân, Ghen Online, với phong cách nhạc tình hiện đại… thế nhưng, dạo gần đây, cô có vẻ chuyển sang nhiều hơn loại ca khúc có chút âm hưởng ngủ cung và thiền ca. Hay nói một cách khác hơn, cô chuyển từ loại tình ca phổ cập sang loại nhạc có âm hưởng cổ của âm thanh ngủ cung và một số sang thiền ca, và ngày càng kén chọn ca sĩ cũng như người thưởng thức… vì độ khó của kỹ thuật ngày càng cao.
Trong buổi thuyết trình nói trên, cô được mời đến để giới thiệu và trình diễn cùng với ca sĩ Ngọc Diệp hai sáng tác mới nhất của cô: Sắc Sắc Không Không (phổ theo thơ của Từ Minh Phương), và Đoá Hồng Dâng Mẹ (phổ theo thơ của Ngô Minh Hằng).
Trong triết học Phật giáo, sắc và không là hai khái niệm rất quan trọng, và nhiều khi “bất khả tư nghì”, nhất là với giới trẻ. Cần có một “đẳng cấp” nhận thức và triết học Phật giáo ở một mức nào đó, chúng ta mới có thể cảm nhận, hiểu ít nhiều nội hàm và ý nghĩa triết học của hai khái niệm sắc không nói trên,…
Từ hàng ngàn năm qua, biết bao nhiêu thiền sư, nghệ sĩ của dân tộc chúng ta đề cập đến hai khái niệm này, và cũng đã để lại nhiều bài kệ, nhiều bài thơ,… thật ý nghĩa về hai chữ sắc, không,…
Câu ca dao Việt của chúng ta cũng có một câu mang ý nghĩa này:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không,
Kìa xem bóng nguyệt dòng sông,
Có không, không có, có không là gì?
Hiểu và nhận thức được 4 câu ca dao “nhà quê” này là một chuyện không dễ dàng gì!
Cũng trong dòng thơ cổ, ngày xưa, thiền sư Vạn Hạnh đã để lại cho đời 4 câu tuyệt tác:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân sinh thu hựu khô
Nhậm vạn thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô…
Dòng suy tưởng sắc không chảy dài theo lịch sử suy tưởng của nhân sinh, và bây giờ, một nữ nhạc sĩ trẻ Tú Minh cũng suy tưởng về hai khái niệm này: Sắc sắc không không,… qua ca khúc dưới đây, phổ theo thơ của Từ Minh Phương,…
Mời qúy vị cùng nghe và thả tâm thức theo dòng nhạc để cảm nhận.
Đóa Hồng Dâng Mẹ
Người ta hay nói: “Đạo Phật là đạo hiếu, và hạnh hiếu chính là hạnh Phật”. Đạo Phật có nguyên một ngày lễ Vu Lan để nói về đạo hiếu, đạo Phật có cả kinh Vu Lan nói về hạnh hiếu, đạo Phật có cả một mùa Vu Lan trong tháng 7 để nói về mùa báo hiếu,…
Chính vì thế, trong dòng nhạc Phật giáo có biết bao bài nói về ơn sinh thành, ơn dưỡng dục, về hạnh hiếu, về ơn nghĩa sinh thành, mà ca khúc Bông Hồng Cài Aùo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, phổ từ thơ của Thiền sư Nhất Hạnh vẫn là bài được phổ biến nhất, phổ quát như một khúc ca dao…
Tác phẩm mới nhất của Tú Minh là Đoá Hồng Dâng Mẹ, được viết theo thơ của nữ thi sĩ Ngô Minh Hằng,…
Tác phẩm này đã làm nhiều ca sĩ nghẹn lời khi cất lên tiếng hát…
Có một đêm, khi Tú Minh vừa hát ca khúc này, một phụ nữ bạc trắng mái đầu oà lên khóc, và người đó là hiền mẫu của nhạc sĩ Tú Minh. Hai mẹ con oà khóc và tôi nghe được mẹ Tú Minh nói lời này: “Cám ơn con đã viết bài này cho mẹ. Mẹ cảm ơn con”…. Và hai mái đầu, một trắng một xanh, không kềm được nước mắt…
Và hôm nay, trong đêm thuyết trình của nhà nghiên cứu Toàn Không Đỗ Đăng Tiến, ca nhạc sĩ Tú Minh đã trình bày qua tiếng đàn guitar của mình…
Tiếng hát của Tú Minh và Ngọc Diệp bay cao, và để lại trong hội trường của trung tâm Ananda những xúc cảm mãnh liệt…