Trang chủ Quốc tế Tây Tạng – Nơi cà sa đổi màu

Tây Tạng – Nơi cà sa đổi màu

937

Chẳng lẽ phấn tảo, đỏ, nâu hay vàng lại là sự phân định khác biệt giữa những con đường quy y Phật, hướng về đấng giác ngộ?



 Cà sa – sự giải thoát vĩ đại


 


Nếu trời đất ban cho một điều ước, một khả năng phi phàm tôi sẽ ước ngay tức khắc vượt bức tường thời gian để ngược dòng quá khứ, được quỳ sát, được đảnh lễ ngay dưới chân Thái Tử Tất Đạt Đa trong ngày người lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trở thành Đức Thích Ca Mâu Ni. Trong tâm tưởng của tôi cả Bồ Đề Đạo Tràng hiển hiện rực rỡ A’nh Đạo Vàng giác ngộ. Cả chiếc cà sa chằm vá bằng muôn mảnh vải phơ phếch màu gió sương cũng đã nhuốm đậm cái màu linh diệu ấy.


 


Trong đêm rời xa thành Ca Tỳ La Vệ và thần dân để xuất gia tầm đạo, khi Thái Tử Tất Đạt Đa khoác lên mình cà sa, đó là tín dấu đầu tiên rời bỏ phú quý, vinh hoa, thoát bỏ giới hạn, phân biệt đẳng cấp, bắt đầu những ngày dài tu học khổ hạnh trên con đường đi tìm chân lý. Bởi vậy theo giáo lý Phật giáo nguyên thuỷ thì màu vàng là màu của trí tuệ giải thoát, vượt lên trên mọi ý niệm trần tục, là màu bất hoại , nó cũng xác định đức tin của những du Tăng đầu đà khổ hạnh.


 


Theo Luật Tứ phần, sau khi chuyển pháp luân ở Lộc uyển, Đức Phật nói các tỳ kheo nên thọ trì phấn tảo y và câu xá, kiếp bối, khâm bạt la, sô ma, xoa ma, xá nâu, ma, sí di la, câu nhiếp la, thẩn la bát, mười loại y ấy nhuộm thành màu sắc cà sa để thọ trì. Trong đó phấn tảo y là loại vải lấy từ cửa hàng, từ đường cái, từ hố phân, từ giường trẻ, vải tẩy uế, vải lấy từ nghĩa địa, vải bị cháy, bị gia súc ăn, bị kiến ăn, bị chuột ăn, vải rách mép, rách đầu, vải làm cờ, vải bỏ từ điện thờ, vải từ cuộc lễ, vải do thần thông biến hoá, vải do gió bay, vải do thiên thần bố thí, vải trôi giữa biển, lấy một trong thứ vải này, bỏ những mảnh rách nát, giặt sạch những mảnh lành lặn để làm nên một cái y.


 


Và cà sa truyền thống chính là những chiếc y làm ra từ những mảnh vải không còn nguyên màu được các nhà tu hành nhuộm màu bởi mảnh gỗ và vỏ cây mít đun sôi.


 


Vàng – đỏ là cùng một sắc?


 


Từ những quan niệm truyền thống, hình như không dễ khi trả lời câu hỏi vì sao cà sa của các Lạt Ma lại màu đỏ? Thử tìm một đường dẫn giữa màu cà sa với việc tại sao cung điện uy linh nhất Potala là cung điện đỏ chứ không phải cung điện trắng? Tại sao có Lạt Ma đội mũ vàng còn người khác lại là mũ đỏ? Từ những thay đổi nhỏ này về màu sắc, hình thức có thể hiện và bộc lộ sự xa dời những giáo lý căn gốc của Đức Phật?


 


Và cho đến nay trên Tây Tạng trong mọi ngóc ngách của đời sống tôn giáo đều thấy sử dụng rất triệt để năm màu đỏ, trắng, vàng, lục, lam. Các Lạt Ma lý giải rằng năm màu đó là biểu tượng của năm vị Phật siêu việt, các đấng toàn giác như lai hay các chư Phật Thiền Na. Năm vị Phật này được xác định bởi các phương vị trung tâm hoặc Đông-Tây-Nam-Bắc.


 


Màu trắng đó là Phật Tỳ Lư Xá Na đang thuyết pháp. Màu Vàng là Phật Bảo Sanh từ bi. Màu Lục là Phật Bất không thành tựu. Màu Lam là Bất động Phật. Còn màu đỏ tượng trưng cho Phật A Di Đà đang thiền định có ý nghĩa như là nguồn sáng vô lượng, là nguyên tố lửa, có vai trò chuyển đổi ái dục thành trí tuệ tinh tiến.


 


Việc sử dụng màu đỏ trong đời sống và trên cà sa liệu có xuất phát từ những cảm thức kính ngưỡng Đức Phật hay chỉ là sự hoạch định những đường biên có thể ảnh hưởng trước tín dân của một giáo phái? Những thuyết lý biện minh cho việc thay đổi về hình thức của các giáo phái liệu có cho thấy sự hoằng dương của đạo Phật hay chỉ là sự sa vào những mưu cầu quyền lực, ảnh hưởng của thế tục?


 


Trong tôi cứ gợn mãi suy nghĩ chẳng đầu cuối về những chiếc cà sa. Trong biết bao dáng cà sa đỏ, vàng và nâu kia còn có được bao nhiêu người xả phú cầu bần, những hành giả thực sự quên thân vì đạo pháp.


 


Chợt nhớ lời Đức Phật dạy: Này Đại Ca Diếp! Thầy Sa Môn thân mặc cà sa tâm phải lìa tham sân si. Tại sao? Vì tâm không tham sân si ta mới cho phép mặc cà sa. Nếu tâm có tham sân si mà thân mặc cà sa, trừ người chuyên tâm trì giới, còn những kẻ chẳng trì giới thì gọi là tiêu diệt cà sa.


 


Khi Đức Phật chủ trương từ bỏ những ham muốn trần tục, đề xướng trung đạo, ánh đạo vàng của người toả sáng như sắc màu thanh thoát, cao thượng của chiếc y vàng. Vậy mà hơn 2600 năm sau để Phật giáo hoằng dương các tín đồ của người cần phải tạo ra, bám víu vào những bảng màu đa sắc để cứu vớt một cõi trần ai đang trở nên nghèo nàn, buồn bã hơn trong cái u mê, khổ luỵ tối tăm, đơn sắc?


 


Những ám ảnh sắc đỏ cà sa nơi xứ sở Tây Tạng vẫn mải bám theo tôi khi trở về. Nhưng nơi quê nhà tôi thấy đây đó một sắc đỏ thật đẹp trên căng nõn, viên mãn, trơn bóng của da thịt rất nhiều các sư tăng. Thế thôi!