Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Lời khuyên của đức Phật cho các cặp vợ chồng: Phần 4:...

Lời khuyên của đức Phật cho các cặp vợ chồng: Phần 4: Một gia đình hạnh phúc và những khó khăn trong hôn nhân

98

MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC


 


Nhưng khi chúng ta nhìn chung quanh chúng ta và nhìn vào tình hình khắp nơi trên thế giới, chúng ta thấy gì? Trẻ con lang thang ngoài phố và trong các tiệm truyền hình. Chúng trốn học. Trẻ con bị ngược đãi, vợ bị đánh đập và các người già thì bị đưa vào các nhà dưỡng lão không đếm xỉa gì đến cảm nghĩ của họ ra sao. Tất cả là những dấu hiệu biểu lộ chân tướng những gì không tốt ở mức độ căn bản nhất của xã hội: đó là những dấu hiệu của xã hội suy đồi.

Đó là một tình trạng đáng buồn khi những giá trị và truyền thống tốt đẹp không còn được thực hiện. Có rất ít tác động qua lại giữa người trong gia đình và bè bạn, ý thức trách nhiệm đối với người trong gia đình ngày càng bị suy yếu. Gia đình không hạnh phúc có thể do đói nghèo, nhưng có tài sản vật chất cũng không bảo đảm là có hạnh phúc, mà đơn giản là do sự phát sinh lòng vị kỷ, độc ác và tham lam.

Đứa trẻ học hỏi lòng trìu mến yêu thương nơi cha mẹ, và cùng nhau, cha mẹ và con cái tạo thành đơn vị gia đình hạnh phúc. Qua cái thế giới vi mô (nhỏ) của xã hội, chúng ta học sự quan tâm, chia sẻ, lòng thương người, và lo lắng cho những người khác. Qua nhiều thời đại, tôn giáo là một lực lượng quan trọng để cấu tạo những giá trị này thành một hệ thống dễ dàng được công nhận và đem giảng dạy. Bởi vậy, gia đình và tôn giáo là những thành phần nòng cốt trong việc truyền đạt và nuôi dưỡng các giá trị này.

Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển hội viên trong một gia đình. Tinh hoa trong văn hóa Á Châu và Tây Phương dạy kính trọng người già, thương xót người đau yếu, người thiếu thốn, chăm sóc cha mẹ già và quan tâm đến người trẻ.

Đứa trẻ lớn lên trong những giá trị này sẽ noi gương họ và hành động thích hợp vói những người khác. Tuy có được những tiến bộ kỹ thuật rộng lớn trong nền văn minh hiện đại, chúng ta lại đang mất nhanh những giá trị này. Điều cần thiết là phải làm gì để hợp nhất gia đình lại và cứu xã hội.

Chúng ta phải bảo vệ và ủng hộ sự phát triển gia đình như một thể chế dưới ánh sáng của sự thay đổi rộng lớn nhanh chóng về nhân khẩu và xã hội – kinh tế. Gia đình mở rộng (gồm cả họ hàng) đang nhường chỗ cho gia đình hạt nhân (chỉ gồm cha mẹ, con cái). Chúng ta chỉ có thể làm được rất ít trong việc ngăn chặn trào lưu này nhưng những giá trị về sự kính trọng, quan tâm, tình thương phải được gìn giữ. Những giá trị tốt ở Đông Phuơng hay Tây Phương, phải được gìn giữ mặc dù những sự thay đổi về lối sống mang đến do sự hiện đại hóa, kỹ nghệ hóa và thành thị hóa.

Người mẹ là nhân vật quan trọng trong việc phát triển gia đình. Vì chăm sóc, thương yêu, trìu mến và lòng từ bi là những đức tính bẩm sinh, người vợ truyền đạt những chân giá trị này cho con cái mình nuôi dưỡng. Người mẹ do lòng thương yêu, lo lắng, từ bi, kiên nhẫn và khoan dung gắn bó người thân trong gia đình lại với nhau. Sự thực hành những giá trị này có thể truyền thừa cho con cái vì chúng là những người bắt chước rất hay và là những người học hỏi theo gương mẫu của cha mẹ. Chúng ta phải nhóm họp lại để phục hồi chức năng truyền thống của người mẹ, và đương nhiên việc làm này phải phù hợp với nhu cầu và áp lực hiện đại.

Tôn giáo cũng phát triển giá trị nhân bản tốt. Những gia đình sùng đạo và viêc tu tập rất cần thiết trong cuộc vận động phát triển gia đình. Có thể nói một gia đình hạnh phúc là một nhóm người sống thân ái và an lạc cùng nhau đặt tầm quan trọng vào kỷ luật tôn giáo và tư cách cha mẹ để tạo bầu không khí gia đình hạnh phúc. Những giá trị như vậy cần phải gìn giữ và bảo vệ theo tinh thần tôn giáo để gia đình khỏi bị ảnh hưởng bởi những giá trị phản xã hội không thể chấp nhận được.

Những cha mẹ thực tế và hiểu biết đem hạnh phúc cho gia đình. Con đường duy nhất mà cha mẹ có thể xây dựng được một gia đình hạnh phúc là do thể chế hôn nhân. Thể chế này rất tốt trong quá khứ và có thể thực hiện trong hiện tại, chúng ta có thể làm đó thích hợp thích hợp trước nhu cầu cuộc sống hiện nay.


 


NHỮNG VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN TRONG HÔN NHÂN


 


Hầu hết ngày nào chúng ta cũng thấy người ta phàn nàn về hôn nhân của họ. Giới trẻ đọc tiểu thuyết lãng mạn và xem các phim ảnh lãng mạn, thường kết luận hôn nhân là một thảm hoa hồng. Đáng tiếc thay, hôn nhân không ngọt ngào như người ta tưởng. Hôn nhân và những vấn đề của hôn nhân tương quan mật thiết với nhau và ta phải nhớ khi thành lập gia đình ta phải đương đầu với một số vấn đề và trách nhiệm mà ta chưa từng biết và trải qua trước đó.

Sau cái vui của ngày cưới, thực tế sống chung bắt đầu thử thách cặp vợ chồng mới cưới, với một số đôi, viễn cảnh thật dễ sợ. Thiếu giao tiếp hay phản ứng với thân nhân trong gia đình là một số yếu tố có thể gây cho gia đình không hạnh phúc. Có khi vợ chồng lâm vào cảnh chiến tranh lạnh.

Vài ví dụ về chuyện vợ chồng không nói gì với nhau thường thấy là:



  1. Ngay tại bàn ăn, người chồng lại cắm đầu vào tờ báo;

  2. Khi người chồng đi làm về lại bận rộn với những thú tiêu khiển riêng của mình hoặc coi truyền hình, và vào ngày nghỉ cuối tuần lại đi chơi đánh gôn hay say đắm các trò giải trí khác;

  3. Người chồng không bộc lộ một cảm nghĩ nào hay lo toan gì cho vợ, bỏ quên cả những ngày kỷ niệm quan trọng như ngày thành hôn và sanh nhật.

Về phần người vợ, sau khi thành hôn thì không còn chú ý đến diện mạo và dáng vẻ của chính mình. Ăn mặc tồi tàn, người vợ không còn giữ cái phong độ khả ái với bạn bè khiến người chồng không còn thấy cảm hứng trao đổi chuyện trò với vợ. Cuộc sống trở nên buồn tẻ dẫn đến người chồng tìm thú vui trong rượu chè hay an ủi bên ngoài đời sống vợ chồng.

Khi nào sự bất mãn đầu tiên xâm nhập vào hôn nhân? Với một số cặp vợ chồng, năm đầu tiên là một năm tốt đẹp; với một số cặp, cuộc sống lứa đôi trở thành sự chịu đựng căng thẳng. Đứa con thứ nhất ra đời đem khó khăn cho cả hai chồng và vợ, vì cả hai phải vật lộn trước thực tế lần đầu tiên làm cha, làm mẹ.

Một số người nói rằng năm đầu tiên sau khi cưới, người chồng nghe lời vợ. Từ năm thứ hai thì người vợ phải nghe lời chồng. Từ năm thứ ba thì lối xóm nghe thấy cả hai vì chồng vợ la lối lẫn nhau. Thông thường, sự bất mãn càng ngày càng lớn nếu hôn nhân không được sửa soạn cho chu đáo. Chẳng hạn, lời khuyên bảo hoặc tư vấn trước khi thành hôn có thể giúp cho đôi vợ chồng chuẩn bị đối phó với những điều bất ngờ, thú vị hoặc trái lại mà họ sẽ gặp phải trong cuộc sống lứa đôi.

Sự bất mãn mà con người hầu hết gặp phải sau khi chung sống nhiều năm phát xuất từ quan niệm sai lầm: Đứng núi này trông núi nọ. Xu hướng này thu hút cả nam giới lẫn nữ giới ở bất cứ lứa tuổi nào. Sự thao thức này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống lứa đôi, cả với phụ nữ.

Chán chường là nguyên nhân thông thường, thất vọng với người hôn phối cũng là điều phàn nàn thường thấy. Khi những ước vọng không đạt được, cái túi cầu nhầu bắt đầu phát triển. Trong bất cứ trường hợp nào, khi không có lời nguyện trung thành cho hôn nhân và thiếu căn bản đạo lý, mọi việc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào hủy hoại cuộc hôn nhân.

Gốc rễ của sự bất mãn là gì? Nhiều bà vợ nói họ mong người chồng lắng nghe quan tâm đến nhu cầu của họ, biểu lộ cảm xúc, nghĩ tốt nhiều hơn về họ. Chung qui là thiếu chuyện trò tâm sự trong hầu hết các cuộc hôn nhân hiện đại. Trong quá khứ vì lối giáo dục, người vợ vui lòng ở đằng sau và chấp nhận bất cứ sự đối xử nào trong tay người chồng. Nhưng thời buổi đã thay đổi. Phụ nữ được giáo dục tốt hơn nhiều, nắm giữ công việc đầy trọng trách, hiểu biết quyền lợi của mình. Phái nam phải chấp nhận thực tế này, phải đối xử với vợ bình đẳng trong cuộc sống chung. Phái nam không còn có thể cho nữ giới thấp hơn nam giới là điều tất nhiên nữa.
Với hầu hết mọi người đàn ông, hôn nhân là mục tiêu chính tự họ đặt ra để hoàn thành. Khi đã hoàn thành, họ đem hết năng lực, thời gian vào khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống, tức sự nghiệp hay công việc làm ăn.

Ước vọng của người đàn bà lại khác hẳn. Sau khi thành hôn, người đàn bà muốn được yêu và gần gũi nhiều hơn, cho nên họ muốn có nhiều thì giờ với người chồng hơn.

Mang những vấn đề bên ngoài về gia đình, đổ trên đầu vợ và con sẽ làm hại đến sự ổn định của gia đình và còn tăng thêm sự căng thẳng.

Trong các xã hội Á Châu, vấn đề can thiệp của hai bên nội – ngoại rất phổ biến. Điều này đặc biệt là như thế vì hai bên nội – ngoại có thể ảnh hưởng đến quyết định của con họ. Điều phàn nàn chung của những người vợ là người chồng thường nghe cha mẹ hơn là nghe vợ. Sự can thiệp của hai bên nội – ngoại trong việc nuôi dưỡng con cái cũng là một vấn đề thường thấy. Trong khi ông bà có xu hướng lỏng với con họ và đôi khi làm hư con, sự mâu thuẫn các thế hệ thường nổi bật trong những trường hợp như vậy.

Một số cặp vợ chồng trẻ không vui lòng cho phép con họ gần gũi với ông bà, nghĩ rằng những đứa con này sẽ học hỏi lối sống cổ hủ của ông bà.

Tại Ấn Độ, Sri Lanka và cả đến Mã Lai Á, chế độ hồi môn là một trong những trở ngại chính cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hồi môn có thể gồm có những số tiền lớn, một căn nhà, một xe hơi đắt tiền, những thứ như vậy, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa trông vào của cải giàu có của cha mẹ. Và vì lẽ cha mẹ muốn cho con gái lập gia đình, cha mẹ hứa hẹn nhưng không thể giữ lời hứa được và cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt.

Hệ thống hồi môn đã bị lạm dụng. Ở thời cổ, hồi môn cho người con gái để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Không giống như ngày nay, thời đó người phụ nữ trông cậy hoàn toàn vào người chồng, hồi môn là một loại bảo hiểm trong trường hợp không thể nuôi nổi vợ. Sau này, hồi môn được giao cho cha mẹ chồng để giữ và nay nó trở thành bắt buộc với cha mẹ bên gái phải đưa hồi môn cho cha mẹ bên chồng.

Người ta thường nghĩ rằng lập gia đình là một bổn phận, hôn nhân là một phần rất quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, để bảo đảm cho hôn nhân thành công, cặp vợ chồng phải hòa hợp đời sống của họ bằng cách giảm thiểu bất cứ dị biệt nào có thể có giữa hai người. Đôi lứa phải học hỏi chấp nhận những nhược điểm yếu kém của nhau. Dù hạnh phúc, những cặp vợ chồng tương đắc nhất vẫn có thể gặp phải mâu thuẫn, đau buồn, thất vọng và nóng giận. Họ nhận thức những nhược điểm trong những lãnh vực như vậy bằng cách bày tỏ sự thừa nhận giá trị của nhau, thiện chí trong việc chuyện trò, bày tỏ rõ ràng những cảm xúc. Không trốn tránh bỏ qua các mâu thuẫn. Những sự bất đồng làm hôn nhân mạnh thêm chứ không phải chia rẽ. Những cuộc cãi cọ rất cần thiết cho một hôn nhân thành công . Nhưng cãi cọ chỉ chấm dứt thành công khi cả hai bên đều có thể tha thứ, và bỏ qua.

Hãy có thiện chí trong việc xây dựng gia đình. Đừng nên cho rằng vì mười năm đầu hay 20 năm đầu là tốt đẹp, 10 năm hay 20 năm tiếp theo cũng vẫn sẽ tốt đẹp. Tình yêu cần được nuôi dưỡng, chia sẻ vui buồn. Cần phải có thời gian, sự quan tâm, can đảm và hiểu biết.

Một nguyên nhân chính về vấn đề hôn nhân là sự nghi ngờ, mất tin tưởng. Cả chồng lẫn vợ nên bầy tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối với nhau, cố gắng không giấu giếm điều gì với nhau. Điều dấu diếm tạo ra nghi ngờ, nghi ngờ dẫn đến ghen tuông, ghen tuông sinh ra sân hận, sân hận gây ra thù oán, thù oán đưa dến kết qủa ly thân hay ly dị, tự tử, và cả đến giết người.

Nếu một cặp vợ chồng chia sẻ buồn vui trong đời sống hàng ngày, họ có thể an ủi lẫn nhau, giảm thiểu những nỗi buồn đau. Chồng và vợ không nên tưởng rằng chỉ có niềm vui trong đời sống lứa đôi. Sẽ có rất nhiều lúc đau thương, khổ sở, khó khăn nặng nề, hiểu nhầm. Cùng nhau bàn luận mọi vấn đề giúp họ có niềm tin để giải quyết bất cứ trở ngại nào phải đương đầu. Họ phải có sức mạnh ý chí mạnh mẽ để giảm thiểu áp lực căng thẳng và phát triển lòng tin tưởng để sống chung trong sự hiểu biết và khoan dung.

Người đàn ông cũng như người phụ nữ cần sự an ủi của nhau, khi phải đương đầu với các vấn đề khó khăn. Cảm nghĩ bất an, lo âu sẽ biến đi, đời sống sẽ trở thánh có ý nghĩa, hạnh phúc và thích thú hơn, nếu có người muốn chia xẻ gánh nặng của mình.

Khó khăn trong hôn nhân gợi ý kẻ yếm thế nói, hạnh phúc lứa đôi chỉ an lạc nếu trong hôn nhân ấy, người vợ là một người mù, và người chồng là một người điếc; với người vợ mù thì đâu có thể nhìn thấy những lỗi của người chồng, và nếu người chồng điếc thì đâu có nghe thấy những lời mè nheo của người vợ.