Đến tháng giêng năm Mậu Tuất (1958), tôi (Thiện Quang) cùng Thiện Giác, Thiện Hưng đến Tịnh xá Ngọc Nhơn tại thành phố Quy Nhơn bây giờ, thăm viếng, và được quý sư tiếp xúc niềm nở, xem xét hạnh tu rất hài lòng.
Ngày rằm tháng 5 năm Kỷ Hợi (1959), Tịnh xá Ngọc Nhơn xây dựng xong và làm tổ chức lễ khánh thành. Chúng tôi gồm 20 người (Hồ Thung (Thiện Ky Hiếu), Thiện Khang, bà Ngọc Tứ, chủ thuyền Võ Văn Thành (Thiện Kháng), Nguyễn Thứ, Hà Cầu, Huỳnh An Nhơn…) mượn một chiếc thuyền câu háo hức dong bườm chèo về Quy Nhơn dự lễ.
Mười giờ sáng ngày 14 tháng 5 AL (1959), thuyền lấy neo căng bườm lướt gió ra biển khơi đến 2 giờ chiều, thuyền đến Eo Dược (Phước Hải) thì trời ứng giông, trở gióù, Sấm sét mưa dữ dội như trút nước. Gió tây nam thổi mạnh, thuyền chở nước tràn vào sắp đắm giữa vời. Ông Võ Thẩn hô to: “Hạ buồm xuống, cuốn lại một nửa”, rồi ông vững tay lái đưa thuyền đi vững vàng vượt qua bảo tố. Sau một giờ qua cơn giông, đến 5 giờ chiều thuyền vào cảng Quy Nhơn. 6 giờ tối, chúng tôi đến Tịnh xá.
Những năm này, thành phố Quy nhơn có điện nhưng rất hạn chế, ngày lễ quanh tịnh xá phải dùng thêm đèn “măng-xông” để thắp sáng. Ánh sáng đèn vàng dịu đến ấm cúng, tạo nên một lễ hội rất trang nghiêm và long trọng. Mọi người đều cảm thấy an lạc. Đến 8 giờ tối, Pháp sư Giác Nhiên lên pháp Tọa. Đêm ấy Ngài thuyết bài “Chánh Kiến”. Người nghe Pháp rất đông, hồi ấy ai ai cũng thích nghe Pháp, nhất là được nghe những câu hỏi gay cấn… Giọng Pháp sư trầm hùng trên máy phát thanh, thao thao bất tuyệt… giải đáp thông suốt, người nghe thích thú im phăng phắt. Chúng tôi vui mừng hồi họp như người đi xa trở về quê nhà. Lòng từ nhũ từ đây mình đã gặp được đạo mầu, có thầy sáng để dựa nương tu hành.
Mười một giờ trưa ngày Rằm tháng 5 AL (1959) cúng ngọ trai-tăng. Thời kinh cầu nguyện của Chư tăng cùng quý Phật tử, cho đến 1 giờ thì độ cơm xong. Tịnh xá hồi ấy lợp tole lá, không có cửa ngăn vách, chung quanh trống rất thoáng mát. Phật ngự trên bảo tháp trang nghiêm, quý sư đắp y vàng thanh bần, tỉnh tại và điềm đạm tiếp chuyện với Phật tử thập phương. Thật đẹp và giải thoát. Đến 3 giờ chiều là khóa lễ Quy y Thọ Giới.
Sau một đêm nghe pháp, tôi suy nghĩ và so sánh Pháp lý và hạnh tu của quý sư phù hợp với Kinh điển của Đức Phật để lại nên tôi và ba huynh đệ vào bạch xin quy y thọ giới.
Dưới bàn tổ sư Minh Đăng Quang, Đức trưởng lão Giác Tánh ngồi giữa, bên phải là thầy Giác An, bên trái là Pháp sư Giác Nhiên. Trưởng Lão dạy 4 chúng tôi thắp hương đến trước tháp thờ Phật nguyện và đãnh lễ, rồi vào hậu Tổ. Đọc kinh theo lời Trưởng lão dạy: “con xin vân giữ điều học là cố tránh xa giết các loài…”. Bốn người chúng tôi được Trưởng Lão cho pháp danh:
– Thiện Giác (Nguyễn Thứ)
– Thiện Hưng (Hà Cầu)
– Thiện Tấn (Huỳnh An Nhơn)
– Thiện Quang (Nguyễn An Tân)
Sau lễ truyền giới Pháp sư giảng chi tiết lợi ích của sự quy và sự giữ giới. Chúng tôi đảnh lễ cảm tạ rồi lui ra.
Sáng ngày 16 tháng 5 AL (1959), chúng tôi vào tịnh lễ Tam Bảo, đến cốc từ giã quí sư. Thuyền rời bến qui Nhơn, trên thuyền chúng tôi nói cười vui vẻ, ca ngợi tán thán hạnh tu của chư sư và chia xẻ niềm tịnh lạc từ bài pháp mà Pháp sư đã thuyết. Nguyện trong lòng phải thỉnh chư tăng về quê hương thuyết pháp hành đạo. Thuyền đổ bến lúc 11 giờ ngày 16.
Ngày 17 tháng 5 ÂL, chúng tôi mời bổn đạo họp tại từ đường bàn thảo việc thỉnh chư Tăng Khất sĩ về quê hương thuyết pháp, hành đạo. Mọi người trong bổn đạo đều hoan hỹ đóng góp chút công đức, thỉnh quý sư về quê nhà hành đạo.
Đơn xin thỉnh Chư-Tăng về thôn Hưng Lương, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước thuyết pháp, nhưng xa,õ huyện không duuyệt. Nên chúng tôi nhờ quí sư xin thắng cấp tỉnh, và được tỉnh ký phép cho Chư-Tăng Khất-Sĩ thuyết pháp 3 ngày tại thôn Hưng Lương vào các ngày 19, 20, 21 tháng 5 AL (1959).
Biển đầu hạ tháng 5 êm mát, buổi sáng gió tây nam, buổi chiều gió đông nam. 4giờ chiều ngày 19-5 thuyền máy chở quí sư về đến bến. Lần đầu tiên nhìn thấy người đến ăn mặt khác lạ, mọi người lũ lượt kéo xuống bờ biển xem đông nghẹt, Phật tử chúng tôi cung thỉnh Chư tăng về nhà tự đường cụ Phụng. Ông Võ Cưu (pd Tâm Trường) che rạp nơi sân rộng và lót ván làm sàn để chư tăng tạm nghỉ. Trong đoàn chư tăng gồm có Đức Thầy Gíac An (Cố Trưởng Đoàn III Giác An hệ phái khất sĩ Việt Nam), Đức Thầy Giác Tịnh và 18 sư khác.
Bảy giờ tối, trăng nhô lên khỏi mặt biển, biển nước mênh mông, sóng êm, gió mát, sóng lượn lăn tăn chạy dài trên mặt nước như muôn ngàn còn rồng vàng đùa giỡn dưới trăng… Những chiếc thuyền câu bồng bềnh trên biển dưới ánh trăng vàng thật đẹp.
Lần đầu nghe Sư áo vàng thuyết pháp, mọi người đều thấy khác lạ. Người thích thì khen ngợi, người ganh ghét thì kinh khi thật ra dù Đức Di Lặc có tái thế độ sanh cũng có kẻ miệt thị khen chê. Đó là thói thường của người đời mà. Vì thế mà các bậc Bồ Tát muốn độ đời, phải kham nhẫn gánh chịu mọi khổ nạn của chúng sanh. Những bậc tu chân chính phải kiên nhẫn vượt qua mọi điều tốt xấu.
Đêm đầu tiên (19-5-1959 AL), sư Giác Tôn thuyết pháp. Sư còn trẻ, tính tình rất từ tốn điềm đạm, trả lời những chất vấn của mọi người rất rõ ràng khúc chiết.
– Có người hỏi : Thượng đế, Chúa Trời là tối thượng có đúng không?
– Sư hỏi lại: Thượng Đế ai sinh ra?
– Thượng Đế tự có, mọi người đáp.
– Sự nói : Hiện tại người ta chỉ thấy cái này nương cái kia, cái kia nương cái nọ mà có, mà tồn tại… Chúng ta không thấy vật nào sinh ra và tồn tại một cách độc lập cả. Bởi lẽ, các bậc thánh nhân cũng là con người có cha, và có mẹ.
Ba đêm thuyết pháp, người thính pháp rất đông. Sư ân cần giải đáp các câu hỏi hợp với căn cơ và trình độ của từng người. Vì đạo là con đường, đã là đường thì có lớn nhỏ, có rộng hẹp, có ngay cong… nhưng mỗi con đường đều để đi và hướng dẫn đến đích cần đến.
Kết thúc 3 ngày hành đạo, thuyết pháp. Ngày 22 – 5 – 1959 AL, Giáo đoàn đi hành đạo nơi khác. Số thiện nam tín nữ quy y thọ giới trên 200 người.
(Còn tiếp)