Trang chủ PGVN Nhân vật Nhớ về Đức Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Tâm Tịch...

Nhớ về Đức Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Tâm Tịch – Sáng mãi một Bậc Chân tu

161

Trời Hà Nội hôm nay rất đẹp – Bầu trời không cao xanh mà bàng bạc dịu êm. Trên tuyến đường đẹp nhất của thủ đô Hà Nội đường Trần Hưng Đạo, Kim quan Ngài đã từ từ di chuyển. Thật đúng như cuộc đời Ngài: Vào từ Chùa Quán Sứ và ra cũng từ Chùa Quán Sứ, hơn 70 năm trước (1931) con đường nhỏ gồ ghề dẫn Ngài về chốn Tổ Cao Đà vùng quê của tỉnh Hà Nam để tìm thầy học đạo, và đến bây giờ năm 2005, sau hơn 70 năm Ngài được đi trên con đường lớn để tới cao đăng Phật quốc. Kim quan Ngài đã nhập tháp xong, viên mãn tròn đầy – Hàng tứ chúng buồn nhưng đã trở về bình tĩnh khi vái biệt Ngài lần cuối cùng vì ai cũng biết như vậy là đã hoàn thành một Phật sự to lớn đền ơn Thầy tổ, đền ơn Đức Như Lai, rạng rỡ cho nền Phật pháp trường tồn.


            Ôi, trên đời thật có nhiều điều kỳ diệu hay nói đúng hơn là duyên khởi trùng trùng. Tang lễ Đức Pháp chủ buổi sáng làm vừa xong, mọi  việc đâu vào đấy thì đến chiều trời bỗng mưa – sân Tùng Lâm Quán Sứ trong một lúc như hứng nước trời, gió và rét. Thử hỏi nếu mưa gió như thế này từ buổi sáng thì liệu Ngài ra đi có vui vẻ được không? Sẽ xảy ra biết bao nhiêu chướng duyên tổn hại đến sức người và của cho chúng sinh mà ta thường thề nguyện độ. Phật đã độ cho Ngài, đã độ cho hàng tứ chúng trong việc làm nghĩa lớn… Tấm thân Ngài trong lúc này chắc là sẽ mát mẻ thêm…


            Hơn 70 năm tu hành của một vị Sa môn, kể cũng là một thời gian đáng kể. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch sinh năm 1915 xuất gia năm 1931 – đang được gia đình nuôi cho ăn học thì ra đi một cách lặng lẽ  – chỉ viết vài dòng để lại.


            Những ai có duyên được thị giả hay được tiếp xúc đàm đạo nhiều lần với Ngài đều được nghe Ngài kể nhiều chuyện vui, dí dỏm của việc yêu mến đạo và tìm tới đạo của Ngài. Về việc mộ đạo, Ngài nói là cũng không biết tại sao và từ lúc nào mình lại có ý thức kính yêu Phật đến thế – thiện duyên đó như một lẽ đương nhiên ngay từ nhỏ. Hồi học “Êlêmăngte” (Elémente – cấp tiểu học) ở tỉnh lỵ Yên Bái (khoảng năm 1926), nhà Ngài ở dãy phố sát bờ sông Hồng, đầu phố có chùa có sư (tức là chùa Ngọc Am bây giờ); cứ đi học về là lại ra chùa chơi, ngắm tượng Phật. Tối tối bên ngọn đèn dầu lạc học bài, ngồi trên giường xếp chân vòng tròn, trời rét thì khoác chăn giả làm áo cà sa, một tay chắp trước ngực, một tay nâng vở, miệng học bài như thể cầu kinh… Ngài kể về việc học bài kiểu như thế đã bị mẹ và anh mắng và không cho làm như thế. Ngài nói chính có ý thức kính yêu đạo như vậy đã làm Ngài có ý chí đi tu tuy chưa biết gì về giáo lý, sách kinh của Phật thời đó ít lắm, lại toàn chữ Nho, Ngài không đọc được. Về chuyện này, Ngài kết luận là về sau khi đã được học giáo lý Phật mới biết là mỗi người đều có Phật tính trong mình.


            Về  sự quyết tâm tìm thầy học đạo, Ngài kể: Sự quyết tâm phải được thể hiện bằng hành động cụ thể nhưng sự quyết tâm phải cho đúng thì mới nên quyết tâm. Như với Ngài, khi đã nung nấu ý định xuất gia và thấy xuất gia là việc đúng thì Ngài trốn nhà đi ngay. Tiền đi đường chỉ có vài hào trong túi, tạm đủ vé tàu và ăn uống vài ngày, Ngài vẫn đi. Ngài đến chùa Quán Sứ (lúc đó chùa nhỏ, đất rộng, cây cối um tùm), hồi hộp gõ cửa phòng một vị sư cao niên xin trình bày ước nguyện. Do nói năng chân thật, hình thức ngoan ngoãn đĩnh đạc nên Sư Tổ đem lòng tin, quý và chấp nhận ngay… Được gửi về học đạo, thử thách tại chốn chùa quê thanh bần vắng vẻ, thầy giao việc gì Ngài đều làm tròn xuất sắc, học chữ Nho khó phải rất kiên trì, giờ giấc tu hành hàng ngày rất nghiêm trang, thức khuya dạy sớm Ngài đều kiên nhẫn y lời thầy dạy. Sau vài tháng thấy được, Sư Tổ đồng ý cho Ngài xuống tóc. Vừa cạo đầu hôm trước thì hôm sau người anh của Ngài tìm được đến chốn Tổ mà Ngài đang ở. Thấy em đã cạo trọc đầu với nâu sồng giản dị, ông anh ôm em khóc và nhất định xin Sư Tổ cho em về nhà. Sư Tổ cũng bằng lòng với đề nghị của gia đình và nói “chú tiểu” nên yên lòng về nhà với anh, đến khi nào có duyên hợp thì sẽ lại tiếp nhận. Tổ và người anh nói thế nhưng Ngài đã có chí đi tu nên quyết xin được ở lại chùa. Ngài chắp tay vái anh; cúi đầu lễ Sư Tổ nhất định xin ở lại tu hành báo hiếu cha mẹ và Ngài đã toại nguyện; anh bằng lòng cho đi tu và Tổ bằng lòng cho ở lại, hai anh em Ngài chia tay nhau, đường đạo và đường đời mỗi người một cảnh. Rồi Ngài kể tiếp như có ý khuyên người nghe là hàng con cháu sự quyết tâm cần phải có kiên trì, có nghĩa là phải giữ được dài lâu, cụ thể như Ngài, năm xuống tóc ấy là năm 1931 thì mãi hơn 10 năm sau Ngài mới về thăm người nhà, chỉ ở vài tiếng đồng hồ rồi lại về chùa – Ngài nói cứ để thời giờ trôi qua vô ích là thấy tiếc lắm.


            Lần về thăm gia đình thứ hai lâu tới 2 ngày là để dành cho việc báo ân nuôi dưỡng của gia đình: cúng 49 ngày cho người chú ruột vừa tạ thế. Cùng đi với Ngài có hai sư ông nữa. Ngài kể đây là dịp làm tròn chữ hiếu với giòng họ huyết thống mà cũng là để gia đình họ hàng thấy được cái hay nét đẹp của đạo Phật trong đạo thờ cúng, lúc đó Ngài là một sư ông 30 tuổi. Ngài giảng Phật pháp cho gia đình hiểu về nghi lễ cúng 49 ngày theo Phật giáo là tụng kinh niệm danh hiệu Phật và cúng cơm chay. Tụng kinh do Ngài và hai vị đi cùng đảm nhiệm, gia đình và thân nhân ngồi dưới chắp tay niệm Phật. Cỗ chay do Ngài hướng dẫn làm vài chục mâm mời hàng phố. Cuộc cúng lễ ấy vào năm 1944 – Ngài nói về sau được thông tin lại của gia đình, lễ cúng chay tịnh cho cụ chú đã để lại một ấn tượng đẹp về đạo Phật, qua đó mà hiểu đạo hơn, cảm động cho gia đình và xung quanh. Xem như vậy lòng quyết chí tu hành phải được thể hiện từ những việc làm nhỏ nhất, cơ bản nhất. Hay như trong việc ăn chay, tuy Ngài nói là tùy thuận không nên quá chấp nhưng với Ngài khi đã phát nguyện ăn chay thì duy trì đến cùng.


            Đại lão Hòa thượng Pháp chủ từ lúc tuổi đời còn trẻ cho tới lúc đã cao niên lúc nào cũng giữ một tình cảm quân bình và hòa ái, quan tâm, hiểu biết sâu sắc từng hoàn cảnh của từng người xung quanh, ai đến với Ngài cũng đều được nhận những sự an lạc bình tĩnh của Ngài truyền cho.


            Trong lĩnh vực gia đình huyết thống, tôi là cháu gọi Ngài bằng chú ruột. Dù có quan hệ gần gũi như thế nhưng mãi tới năm 11 tuổi, tôi mới được kiến diện Người, tuy trước đó thỉnh thoảng có nghe bố tôi nhắc đến chú và nói rằng “nhà ta cũng có một chú đi tu”. Chị em chúng tôi luôn thấp thỏm chờ ngày được gặp chú. Và rồi mong muốn ấy của chúng tôi đã được đáp ứng. Đó là vào năm 1948, gia đình tôi đang ngụ cư tại một làng quê của tỉnh Hà Nam, hôm đó tan học về, đến đầu nhà thì nghe thấy có nhiều tiếng người lạ đang nói chuyện vui vẻ, tôi nghĩ thầm nhà có khách lạ và khép nép bước vào nhà. Nhìn thấy hai vị sư, tôi nghĩ ngay đến chú. Còn lúng túng chưa biết cách xưng hô ra sao thì đã nghe thấy hai vị cùng cười và nói: “ Cháu đấy à, lớn đấy nhỉ, vào đây”. Hai vị mặc đồng phục áo dài nâu thụng, chít khăn nâu trên đầu. Nâu sồng nhưng trông đẹp và sang, vị nào mặt cũng đẹp và tươi, khi cười nói để lộ hàm răng đen bóng. Rồi bố tôi  giới thiệu chú và bạn chú (sau này tôi biết vị đi cùng chú là Hòa thượng Thích Tâm Nguyện, chùa Vọng Cung – Nam Định) cho tôi biết và giới thiệu tôi với các Ngài. Tôi khoanh tay chào chú . Các Ngài xoa đầu tôi hỏi han việc học hành và xem vở viết của tôi. Lật từng trang vở, hai Ngài cùng chụm đầu xem với nét mặt rất vui tươi cùng những lời nhận xét vui vui. Thấy chữ tôi viết xấu các Ngài nói đùa có ý chê là “chữ như gà bới ấy”, cố viết đẹp cháu nhé – học lớp ba là khá cao rồi đấy, là bằng lớp “pờ rê pa ra toa” thời xưa rồi”. (Tiếng Pháp Préperatoire là lớp dự bị trong bậc học tiểu học thời cũ). Ngày xưa ai học đến Préperatoire là “oách lắm”. Xem vở xong các Ngài ra cho tôi vài phép tính nhân và bảo đọc bảng cửu chương để kiểm tra. Đưa lại vở viết cho tôi, Ngài dặn phải tập viết đẹp, giữ vở sạch hơn nữa. Còn việc xưng hô thì Ngài dặn rằng: Bây giờ chú đã đi tu rồi, đã là vị sư tăng rồi nên không gọi là chú nữa mà gọi là sư ông nhé. Tôi vâng ạ và mọi người cùng cười vui vẻ.


            Như dòng nước liên tục chảy trôi, thời gian qua đi hết mùa này đến mùa khác, mải bận rộn với cuộc sống đời thường trong thời bao cấp, thỉnh thoảng tôi mới được thăm Ngài tại Hà Nội, lúc này Ngài đã về chùa Quán Sứ hành đạo, hoằng pháp. Nhưng từ những năm 1965-1967, do chiến tranh chống Mỹ, Ngài lại về chốn Tổ Cao Đà sơ tán, chuyên tu tập. Một ngày của mùa hè năm 1967, tôi từ xa đạp xe đạp về thăm Ngài. Vào đến chùa nghe tiếng kinh mõ hòa quyện trong cảnh hoàng hôn yên tĩnh của chùa quê, đứng dòm qua khe cửa thấy Ngài đang một mình tụng kinh. Phút yếu lòng tự nhiên đến làm tôi không cầm được nước mắt, tôi đứng khóc hồi lâu mà nhà chùa không ai biết – vừa khóc vừa tự hỏi tại sao chú lại bỏ phí tuổi thanh xuân để đi tu… (Viết tới đây, con xin sám hối trước Đức Phật từ bi vì sự hiểu biết quá nông cạn sai lạc khi ấy về Đạo pháp của con). Đứng khóc xong trở lại trấn tĩnh, khi trời đã sâm sẫm tối, tôi mới xin vào kiến diện Ngài. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu hỏa trong phòng, Ngài nhận ra tôi – thấy tôi từ xa đến, Ngài tỏ ý vui mừng vì đã mấy năm qua không gặp và thấy tôi vẫn khỏe mạnh bình thường. Ngài cho cùng ngồi ăn cơm và cùng nói chuyện về đạo và thời cuộc. Lần gặp Ngài này được nghe giảng nhiều về Đạo và Đời trong tôi lại có thêm sức sống và sự hiểu biết mới đó là đừng bi luỵ, đừng chấp thường, chấp ngã, thời chiến tranh là có mất mát đau thương, điều không ai muốn nhưng nó vẫn xảy ra vì con người ta hãy còn vô minh quá, tham lam quá. Ngài có ý than phiền là thật tiếc có nhiều người cứ cho đạo Phật là đạo chán đời, chứ thực ra đạo Phật là đạo quý đời nhất, yêu người nhất. Đạo Phật chỉ mong cho mọi người hết khổ đau bằng con đường hiểu biết… Ngài nói thêm nếu đưa được đạo vào đời, vào cuộc sống hàng ngày thì lợi lạc lắm, xã hội sẽ không có chiến tranh, con người có văn minh, nhân cách. Ngài chân tình giảng giải, quạt nan phe phẩy trên tay, mãi tới khuya lắm Ngài và tôi mới chợp mắt. Đó là một đêm mùa hạ 1967, tôi còn nhớ mãi. Sáng hôm sau cơm nước xong, tôi xin cáo lui tạm biệt Ngài để tránh giờ cao điểm của máy bay bắn phá. Đạp xe trở về trên đoạn đường dài vắng tanh gồ ghề, cứ nhớ đến những lời nói của Ngài là tôi lại khóc nhưng cũng lại thấy vui vì nhiều vướng mắc trong lòng đã được lý giải qua sự tóm tắt về Tứ diệu đế mà Ngài đã nói cho nghe.


            Tiếp sau đó những năm của thập niên 90 của thế kỷ XX, tôi chuyển công tác về Hà Nội, gần nhà, gần chùa nên cứ có thời giờ rảnh rỗi là đến thăm Ngài. Tôi  mừng thầm vì thấy Ngài vẫn bình dị như xưa, an nhiên tự tại, tịch mặc giống như pháp danh mà thầy tổ đã đặt cho Ngài. Ngài đã nối kết được một hàng ngũ Phật tử rộng lớn tín tâm và thuần thành – Phật tử quanh vùng ai cũng nhận được từ Ngài những tình cảm chân tình, những ứng xử hòa ái đúng như câu nói:


            “Phật độ chúng sinh mạc luận phú, bần, vinh, nhục khách


            Pháp môn chuyển hóa vật đàm quý, tiện, trí, ngu dân”


            Có nghĩa là cửa Phật không có phân biệt trình độ và giàu nghèo, cửa Phật là bình đẳng chúng sinh – ai cũng là Phật sẽ thành.


            Sang thời kỳ đổi mới của đất nước, Phật sự cũng mở rộng theo – nhưng Ngài luôn giữ tư thế quân bình và luôn đề cao sự tri túc thiểu dục: chiếc áo dài bông bằng vải chúc bâu mặc rét từ nửa thế kỷ trước Ngài vẫn mặc, trông vẫn đẹp hợp với dáng cao to của Ngài. Chiếc nón dứa cùng chiếc ô đen thời cũ vẫn giữ, đôi dép nhựa trắng Ngài dùng tới 6, 7 năm. Không nhớ đến ngày sinh và chưa bao giờ kỷ niệm sinh nhật; ngày giỗ song thân chỉ lẳng lặng nhờ thị giả sửa soạn hoa quả rồi thắp hương đọc kinh cúng cha mẹ, sau đó hạ quả chia lộc cho chung quanh, lúc đó Ngài mới nói là lộc của giỗ ông, bà. Ngài tu nghiêm mật nhưng vẫn nhẹ nhàng, coi trọng lý nhân quả, thấy đôi khi có người dùng nước phí phạm Ngài nói vui mà cũng là nói thật là bây giờ dùng nước nhiều kiếp sau ở trên non và trên sa mạc.


            Nhớ về Đức Pháp chủ, nghĩ về cuộc đời đạo hạnh của Ngài thì còn biết bao điều đáng ca ngợi. Giờ đây phải xa cách Ngài, chúng con buồn lắm và trống vắng vô cùng. Song theo lẽ vô thường của đạo Giác ngộ, cái tình cảm yếu ớt này phỏng có nghĩa lý gì trước sự đi lên của đại gia đình Phật giáo, Pháp giới bao la. Con người của Ngài là:     


Bỏ cái đẹp hình thức


Dứt hết mọi ái ân


Xuất gia hành chánh đạo


Nguyện độ hết xa gần.   


            Con xin mượn lời bài kệ phát nguyện thụ giới pháp để nghĩ về Ngài như vậy.


            Từ bây giờ trở đi, khi vào chùa lễ Phật tại Quán Sứ Tùng Lâm, Phật tử chúng con không còn được kiến diện Ngài nữa. Nhưng trong tâm tưởng, nhìn lên trời chắc sẽ thấy Ngài tự tại nơi nước Phật.


            “Đạo thụ Tây thùy” (Cây đạo lớn đã ngả trời Tây) và “Sen nở trời phương ngoại”, hai bức đại tự viếng Ngài treo trong tang lễ thật ý nghĩa đối với Ngài.


            Tất cả các Phật tử yêu kính Ngài đồng xin cầu nguyện cho Giác linh Ngài:


Nhất chân hằng tỏ ngộ                                      


Lục dục vụt tan không


Cõi nhân gian sinh tử xa lìa                                


Nơi cực lạc hóa thân tự tại.


17h 13/3/2005 Sau cơn mưa tạnh trong ngày tiễn đưa Kim quan THẦY nhập tháp