Thi nhau “hành hạ” chùa Đồng
Sau khi đưa vào phục vụ nhu cầu tâm linh của khách hành hương được đúng 2 năm, di tích chùa Đồng ở đỉnh non thiêng Yên Tử đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, dòng người đổ lên chùa Đồng như “nước lũ”. Ai cũng muốn vào tận cửa chính của chùa để đặt tiền, lễ nên thường xuyên xảy ra cảnh chen chúc, xô đẩy một cách kinh hoàng. Nằm giữa biển người là ngôi chùa màu đồng đỏ vươn lên trời như một búp sen.
Dùng tiền để xát lên chuông, làm các chữ Nho bạc trắng, lu mờ hẳn |
Thế nhưng, bên trái, bên phải, lúc nào cũng có khoảng 8-10 người “bu” vách chùa, đánh đu. Trông cứ như là cảnh nhồi nhét trên xe khách vài năm trước. Rồi tiếng hò hét, chửi mắng, tranh giành nhau một chỗ để chân. Bất chấp nguy hiểm, nhiều du khách còn đứng lên cả lan can, trèo lên cả mái, nóc chùa để thả tiền công đức xuống.
Trông ngôi chùa thật tội nghiệp. Những tai nạn như trượt chân, chen lấn, xô đẩy vẫn xảy ra như cơm bữa. Nói thật, hàng vạn người tràn lên chùa Đồng mỗi ngày, bảo là “hành hạ” chùa cũng không sai.
Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là nạn tín chủ, du khách dùng tiền để chà xát lên vách chùa. Mỗi ngày, chùa Đồng đang phải gồng mình gánh chịu hàng vạn bàn tay chà xát như cảnh dùng giấy ráp đánh lên mặt gỗ cho nhẵn bóng. Xát tiền chưa đủ, nhiều du khách còn ngẫu hứng dùng đinh, chìa khóa khắc lên vách, cột những câu từ, hình vẽ không ra một thể thức nào, như một cách để lưu dấu mình ở chốn non tiên, chay tịnh này. Chữ người nọ đè lên nét của người kia. Cảnh viết vẽ bậy như vậy có lẽ không nơi nào có!
Ngay cả cặp khánh và chuông đồng đặt ở hai bên tả hữu phía trước sân chùa cũng không thoát nạn. Trong đó, quả chuông có chiều cao 1,52m, đường kính 0,9m, nặng 0,44 tấn, được phật tử cung tiến một lượng vàng bạc đủ để ngân vang khi đánh, đặt ngay trước sân chùa, hiện đã bị bạc và trầy xước, không còn rõ nét các chữ Nho được khắc khi đúc nữa.
Nguyên nhân là sau khi dùng tiền chà xát lên mái hoặc vách chùa Đồng chưa đủ, mỗi người còn đua nhau cầm những tờ 500 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, thậm chí cả loại mệnh giá 100.000 đồng chà xát rào rào lên thân chuông để lấy “hên”. “Phải làm như vậy mới linh nghiệm”, một cô gái nói.
Hỏi tại sao lại làm vậy, một chàng trai nói: “Tôi cũng không rõ nhưng ai cũng đều làm thế cả”. Một người đàn bà giải thích: “Làm thế là để thụ lộc của chùa. Mang đồng tiền về, đặt lên bàn thờ thì cả năm sẽ có nhiều tài lộc”. Dùng tiền để chà xát lên chuông, khánh đã thành lệ. Ai đến đây cũng “phải cướp” cơ hội cầm vài đồng tiền xát lên chuông mới thỏa dạ…
Thế rồi, trong tay mỗi người thường là có một cây gậy trúc. Họ bảo nhau rằng, trước khi cầu nguyện thì phải thỉnh chuông một cái thì Phật mới “chứng”. Do đó, tiện tay hầu như ai cũng cầm cả cây gậy của mình dộng vào thân chuông.
Từ sáng đến chiều, anh nhân viên bảo vệ đứng trực bên quả chuông cứ liên hồi phải to tiếng với khách vì ngăn không cho dùng gậy “chọc” chuông. Mặc, anh cứ quay đi là khách lại nhanh tay chọc một cái. Thậm chí anh còn không đủ tay để ngăn cản hàng trăm cái gậy lao về phía chuông. Giờ đây, quả chuông trông đã có phần biến dạng. Cứ mãi đà này, một ngày nào đó quả chuông sẽ méo hoặc bục.
Ý thức làm đầu
Mặc dù hiện nay đã là tháng 2 Âm lịch nhưng mỗi ngày vẫn có hơn 1 vạn du khách kéo về danh lam thắng cảnh Yên Tử. Theo Ban quản lý di tích Yên Tử, tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 40 vạn du khách kéo về trẩy hội.
Trước đây, khi chỉ mới có tuyến cáp treo giai đoạn 1 (đưa du khách từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Hiên-Một Mái), đặc biệt là khi còn chưa có ga cáp treo thì lượng du khách lên được chùa Đồng khá vắng. Tuy nhiên, đúng 2 năm nay, cùng với ngôi chùa được xây dựng lại và tuyến cáp treo giai đoạn 2 (dẫn lên bãi đá An Kỳ Sinh, cách chùa Đồng 700m) được đưa vào sử dụng thì lượng du khách lên chùa Đồng gần như đạt 100% lượng khách hành hương về danh lam Yên Tử do việc đi lại khá dễ dàng, nhàn hạ.
Trong khi đó, diện tích ngôi chùa chỉ có khoảng 16,55m2, đủ chỗ đứng nguyện cầu khấn vái cho hơn chục người. Bên ngoài sân cũng chừng 30-40m2. Cũng vì điều đó đã dẫn đến cảnh thường xuyên xảy ra quá tải xung quanh chùa Đồng do nơi đặt chùa là bãi đá nhọn trên đỉnh núi, địa hình cheo leo hiểm trở.
Hiện nay, Ban quản lý di tích Yên Tử mới làm được việc là treo những tấm biển xung quanh chùa và gác chuông để cảnh báo khách không xâm hại đến di tích, các vật thể. Đồng thời xây dựng hai dải lan can sắt ở phía sau để du khách có nơi neo vịn, không bị rơi xuống vách đá dựng đứng phía sau, sâu hàng trăm mét, mù mịt khói sương.
Trước tình trạng trên, Đại đức Thích Thanh Quyết – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, giãi bày rằng, mặc dù nhà chùa và ban tổ chức cũng như cơ quan quản lý di tích, danh lam thắng cảnh đã nỗ lực, cắt cử nhân viên bảo vệ tại nhiều vị trí để bảo vệ cho di sản, song do lượng khách hành hương quá đông nên không thể kiểm soát xuể.
Trong khi nơi đây là chốn tâm linh, thiền tịnh, đòi hỏi sự tĩnh tâm, cử chỉ trang nghiêm, hành động đúng mực và sự tự giác của khách thập phương là chính. “Thực sự là bên cạnh sự kiên trì tuyên truyền, cảnh báo thì điều quan trọng vẫn là trông đợi ý thức tự giác của mỗi tín chủ, du khách trong việc tôn trọng và giữ gìn các di sản văn hóa, không nên quá sa đà vào những hành động có tính mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh” – Đại đức Thích Thanh Quyết nói.
Ban quản lý di tích Yên Tử cũng cho biết, hiện nay danh thắng Yên Tử đã được đầu tư khá đồng bộ và bổ sung thêm nhiều hạng mục mới nhằm giúp du khách có được một cuộc hành hương thú vị. Chùa Đồng cũng như danh thắng Yên Tử là một di tích đẹp và độc đáo trong cả nước. Do đó, du khách cần nêu cao tinh thần, ý thức bảo vệ di sản hơn.