Nơi này thế tục, nơi kia tâm linh, cố nhiên cũng có nhiều nơi lễ hội mở ra huyên náo màu sắc, cốt là để quảng bá thương hiệu cho một vùng đất.
Là người đã từng có những lần tham gia viết kịch bản cho lễ hội ở nơi này, nơi kia, tôi hiểu ra một giá trị tinh thần không lấy gì thay vào đấy được, đó chính là linh hồn của lễ hội. Nghĩa là, lễ hội nào gieo được vào lòng người những thiện cảm, những gắn bó tình yêu với đất, những bịn rịn “chân bước đi xa mà lòng ở lại”…, chính lễ hội ấy đã được tạo dựng trên nền một cảm xúc cộng đồng có thực, rất thực.
Lễ hội Quán Thế Âm trên vùng danh thắng Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng là một lễ hội như thế. Hơn thế nữa, từ bao năm nay, hễ sắp đến kỳ tổ chức Lễ hội ấy, là tôi lại ngong ngóng hướng về, cứ như là trông đợi Tết. Thì ra, đấy còn là quê nhà rực rỡ những hồi quang trong tôi, những chùm hoa đăng lung linh bồng bềnh trôi lờ lững trên dòng sông Cổ Cò, từ bấy đến nay chưa bao giờ chịu tắt.
Có những thứ ánh sáng lễ hội mà mỗi khi được thắp lên cứ mãi cháy đỏ trong lòng người, nó thuộc về tình yêu mà đất đai huyền nhiệm ban phát cho con người lưu giữ vào tâm thức. Tôi đã hội ngộ với Lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn, nói theo giáo lý nhà Phật, đấy là một nhân duyên, để rồi từ cái duyên lành đó trở thành nơi thành chốn cho mọi bước chân vô phương của mình trở về an trú. Trở về như trở về trong vòng nôi Đức từ mẫu để thấm đẫm vào mỗi từng giọt huyết thanh nuôi cơ thể hai nguồn đức từ bi và trí tuệ! Nói đến nhân duyên cũng tức là nói đến những lý do vô tận.
Nhân duyên nào mà một pho tượng Quán Thế Âm hiển lộ bằng đá, tay cầm bình nước Cam Lồ, do bàn tay thiên nhiên tài tình chạm trổ được phát hiện trong hang động của hòn Kim Sơn cách nay hơn nửa thế kỷ. Chưa hết, chung quanh và phía sau tượng còn cả một thế giới của Đức Bồ Tát, với những hình tượng Ngọc Nữ, Thiện Tài, Thiện Sĩ. Tất cả cảnh quan hiển lộ trên đá nhiều hình tượng kỳ thú khác, như vừa quyến rũ vừa thách thức trí tưởng con người khám phá sự kỳ diệu. Làm sao lý giải về những huyền nhiệm.
Tôi không có cái khả năng khám phá và truy vấn những lý do vô tận ấy, để rồi nhận ra một điều: mọi lời giải đáp của con người mới chỉ là một thứ ánh sáng yếu ớt mỏng mảnh chiếu rọi vào cõi thăm thẳm của thế giới bao la và bí mật. Triết lý nhà Phật hướng nhận thức con người đến sự vẹn toàn của trí tuệ bát – nhã, nghĩa là một nhận thức tuyệt đối về một khả năng siêu việt (Phật tánh) bên trong mỗi con người.
Chứng ngộ được tinh thần siêu việt đó tức là trả lời, là giải đáp hết thảy mọi bí mật kia của thế giới. Nhưng, là tôi cũng lần dò theo kinh kệ mà chập chững bước tùy duyên, để một ngày xuân reo vui giữa tưng bừng Lễ hội Quán Thế Âm giống như trẻ thơ reo vui cùng những cánh diều ngũ sắc bay lượn giữa bao la bầu trời! Nếu như từng mùa lễ hội biết réo gọi cảm xúc con người thì với tôi, mỗi dịp lễ hội là một lần đánh thức sự hồn nhiên từng bấy lâu lặng im dưới gương mặt nặng trĩu thời gian nắng mưa già cỗi từng ngày.
Tôi tin vào lễ hội như thế, cũng như quý thầy và các bậc cao tăng tin vào sự phát hiện pho tượng Quán Thế Âm, đã cho xây dựng ngôi chùa Quán Thế Âm dưới chân núi. Và kể từ đó, tại đây lấy ngày 19 tháng 2 âm lịch hằng năm – ngày sinh nhật của Bồ Tát Quán Thế Âm làm ngày lễ kỷ niệm. Khởi xướng từ buổi đầu đó cho đến về sau này hình thành Lễ hội Quán Thế Âm ngày mỗi huy hoàng hơn. Đấy là chưa nói đến cơ chế Nhà nước, đã xếp Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn là một trong 15 Lễ hội Văn hóa cấp quốc gia.
Nửa thế kỷ con đường lễ hội đi qua là phần bao nhiêu của vô tận, đấy cũng là tương quan giữa hữu hạn và vô hạn, giữa hữu thể và vô thể. Thấu hiểu sự tương quan đó để diễn dịch về sự hóa thân của Bồ Tát nghìn mắt, nghìn tay, hoặc gần gũi hơn là hình tượng một người phụ nữ, một Mẹ hiền từ bi luôn hy sinh cứu khổ cứu nạn cho tất cả mọi người.
Hình ảnh của Đức Quán Thế Âm trong lễ hội hay là trong các sinh hoạt văn hóa dân gian, trong thơ, trong nhạc cũng chính là hình ảnh của đức tin được xây dựng từ hiện thực của những tâm hồn. Bỗng dưng tôi lại liên tưởng đến bài ca “Hóa thân Quán Thế Âm” trong “Đạo ca” của nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ của Phạm Thiên Thư. Đây là một truyện thơ viết về một người Mẹ đi tìm con, mòn mỏi cho đến một ngày Mẹ chết. Từ đấy Mẹ hóa thành Mẹ chung của tất cả, hóa thành thiên nhiên chở che bao bọc con người.
Có bà Mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng
Có bà Mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng
Có bà Mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím
Có bà Mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang
Trên đỉnh mùa Xuân, Mẹ ta thương cả rừng hoa lá
Trong mùa Hạ, bên bờ lau. Mẹ yêu tiếng ve rầu rầu
Thu về nằm trong bụi cây, nhớ mây trời xanh ngát
Nuôi một đàn chim mồ côi, khi đông tuyết lạnh rơi.
…
Tôi đã hát bao lần bài ca ấy trong Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn. Với tôi đấy cũng là một nhân duyên để hiểu thêm về sự hóa thân nhiệm mầu!
Đường về Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, tôi đã nghe ra thế giới thanh âm ấy không cạn tiếng bao giờ. Cũng như ánh hoa đăng trên dòng sông Cổ Cò, một thứ ánh sáng lung linh ùa vào trong mắt tôi khai thị ra một quê nhà vĩnh hằng cái đẹp. Thì ra, quê nhà không chỉ là ngọn núi dòng sông vinh danh trong địa lý, như câu thơ cổ nào đó mà cố Nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã dịch Núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết, mà còn là tình yêu, là Lễ hội – nơi hằng cửu cái đẹp nuôi sống đức tin con người.