Trang chủ Quốc tế Bangkok ký sự – phần cuối: Lời kết

Bangkok ký sự – phần cuối: Lời kết

123

Ngoài chùa tháp và các cơ sở Phật giáo, chúng tôi còn  ghé tham quan chợ nổi Damnoen Saduak và trung tâm Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của Hoàng gia Thái.


Chợ nổi tọa lạc tại tỉnh Ratchaburi cách Bangkok khoảng 105 km. Vào năm 1866, Vua Rama IV đã cho đào con kênh 32 km để nối con sông Mae Klong với Tacheen. Ngày nay, hàng quán được xây dựng trên hai bờ kênh và ghe chở hàng xuôi ngược trên con kênh này đã biến nó thành một chợ nổi nhộn nhịp thu hút không biết bao nhiêu khách du lịch mỗi ngày.























Cảm nghĩ của tôi khi ngồi trên ghe lênh đên trên dòng kênh là thiên nhiên không ban cho Thái Lan nhiều thắng cảnh, nhưng người Thái biết sử dụng đầu óc của mình để tạo ra những công trình để giúp thiên nhiên trở nên xinh đẹp, hữu tình. Họ đào rất nhiều con kênh, trồng cây xanh để tạo cảnh quan mát mẻ, xanh tươi và thanh bình. 


Người Thái  có ý thức bảo vệ môi trường cao, đi đến đâu cũng đều thấy sạch sẽ. Ngay cả những nơi buôn bán tấp nập như ở chợ nổi này, nước trong dòng kênh cũng được giữ thật sạch, không tìm thấy đâu một cọng rác.


Tôi chợt nghĩ lại đất nước mình mà thấy buồn, thiên nhiên phú cho đất ta rất nhiều thắng cảnh đẹp, miền núi cũng có, biển cũng có, đồng bằng cũng có,  nhưng ta không biết giữ gìn mà lại tàn phá nó. Chẳng hạn như các con sông thì bị ô nhiễm vì rác và nước thải, thác Cam Ly bị biến thành nơi đổ rác.


Vỏn vẹn chỉ có bốn ngày ngắn ngủi bốn ngày tại Thái Lan, chủ yếu là loanh quanh Bangkok và những vùng lân cận, nhưng qua chuyến đi, tôi đã học được rất nhiều điều quý giá về truyền thống Nam Tông, truyền thống này chỉ mới du nhập vào đất nước ta chỉ hơn khoảng hơn nữa thế kỷ (Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đầu tiên được  thành lập vào ngày 18 tháng 12 năm 1957) nên hầu như chưa phổ biến tại nước ta.


Đúng như một tên gọi khác là Phật giáo Nguyên Thủy, tăng chúng và Phật tử Thái đi đúng theo con đường trí tuệ và tư duy do chính Đức Phật đề xướng.  Giải thoát theo truyền thống này là một vấn đề cá nhân, mỗi người phải tự cứu mình như mình phải tự ăn, tự thở.


Tôi thấy truyền thống này thật hấp dẫn vì luôn khuyến khích Phật từ phải tự lực để có thể “làm chủ nhân ông của chính mình”, phải vận dụng trí tuệ để kiểm chứng lời của Đức Phật dạy qua sự phân tích, suy nghiệm và thực hành, chứ không nên tin suông giáo pháp như một thứ giáo điều và phải quán chiếu để có thể nhìn  thấy sự vật đúng như bản chất của nó. Điều này hoàn tòan phù hợp với tư duy, cách sống và hành xử của con người trong thế giới khoa học hiện đại. 


Phật tử Thái, do vậy, có mức độ mê tín dường như rất thấp, chẳng hạn, họ cũng  tôn kính Tam Bảo, cũng cúng dường, dâng hoa, cầu nguyện nhưng trong chùa không có cảnh khói nhang mù mịt vì rất ít người thắp nhang. Điều này càng được khẳng định thêm khi tôi tiếp xúc với một số Phật tử Thái phục vụ tại trung tâm thiền Dhammakaya.


Thí dụ, do hiểu được rằng giải thoát là một vấn đề cá nhân nên Phật tử Thái hầu như không có thái độ cầu xin trong việc tu tập.  Một nữ Phật tử Thái phục vụ tại gian hàng bán sách của trung tâm thiền Dhammakaya mà tôi có dịp tiếp xúc và tình cờ trao đổi về sự xuất hiện gần đây của một thanh niên, được nhiều người cho là hiện thân Đức Phật Thích Ca  tại Nepal, nói rằng, “Nhiều người khi thấy những người được cho là hiện thân của Phật này, Bồ tát nọ hoặc là những hiện tượng có vẻ linh thiêng hoặc khác thường thì ùn ùn kéo nhau đến để cầu nguyện hoặc cầu xin, họ tin rằng làm như thế sẽ được ban cho sự giải thoát.”


Theo cô, nếu có một vị toàn giác như Đức Phật xuất hiện thì cô cũng đến để chiêm bái và cúng dường vì “vị đó xứng đáng được như vậy”. Tuy nhiên việc lễ bái, cầu xin vị Phật bên ngoài chẳng giúp gì cho cô tìm thấy vị Phật bên trong của chính cô. “Cứu độ” đúng nghĩa theo tinh thần Phật giáo, theo cô,  là  “sự chỉ dẫn của vị thầy giúp cho mình đi đến giải thóat” tuy nhiên muồn được giải thoát thì “ tự thân mình phải đi con đường đó”.


Cô nêu trường hợp của ngài A Nan để chứng minh. Anan là anh em họ của Đức Phật. Ngài sinh cùng ngày với thái tử Sidharta và hai người cùng trải qua thời thơ ấu với nhau. Khi Phật chứng đắc giác ngộ, ngài Anan xuất gia theo Phật.


Năm Đức Phật 55 tuổi, Đức Phật cần một người thị giả. Anan chấp nhận làm thị giả cho Đức Phật với một lời thỉnh cầu mang tính điều kiện nếu như Thế Tôn chịu từ chối ba việc:


1. Không cho A Nan y dù cũ hay mới
2. Đồ ăn
3. A Nan không gặp Đức Phật nếu không phải lúc


Và chấp nhận bốn việc:


1. Nếu A Nan được mời thọ trai thì Thế Tôn sẽ sẵn lòng đi dự.
2. Thế Tôn sẵn lòng gặp những người ở xa đến và do A Nan giới thiệu.
3. Thế Tôn chấp nhận cho A Nan tiếp kiến nếu như A nan gặp phải những sự phân vân, khó xử.
4. Thế Tôn sẽ giảng lại những bài kinh khi A Nan vắng mặt.


Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của A Nan. 


Tôn giả  Anan có khả năng ghi nhớ kỳ diệu. Nếu được nghe điều gì một lần, ngài có thể lập lại chính xác nguyên văn bất kỳ lúc nào.


Anan đã sống kề cận bên Đức Phật và phục vụ Ngài suốt 25 năm và nghe tất cả mọi lời giảng của Đức Phật.  Mặc dù biết pháp rất rõ và đã dạy cho hàng ngàn người kỹ thuật Minh Sát để tu tập,  tôn giả vẫn chưa phải là một A La Hán mà chỉ là một vị thánh Nhập lưu (đắc quả vị thứ nhất gọi là Tu Đà Hàm) do vì phải lo chăm sóc cho Đức Phật nên không có thời gian để tu tập.


Ngay sau khi Đức Phật vừa nhập Niết Bàn, trong khi tăng đoàn đang buồn, một vị sư tuổi đã già và không có trí tuệ đã tỏ ra vui mừng và nói rằng ông già (Đức Phật) đã chết, giờ đây tăng đoàn thoát khỏi sự kềm thúc của Ngài và có thể làm những gì mình thích vì Đức Phật đã chẳng dạy rằng “ta là chủ nhân của ta” hoặc “ta là nơi nơi nương tựa của chính ta” hay sao? 


Khi ngài Đại Ca Diếp, một bậc A la hán và là một trong những đại đệ tử của Đức Phật nghe được lời này, ngài hiểu có những người xin gia nhập tăng đoàn nhưng không phải vì cầu Pháp mà chỉ vì muốn có địa vị, muốn được kính trọng và được cúng dường, ngài quyết định bảo toàn những lời dạy chân thật của Đức Phật khỏi những sự xuyên tạc, bóp méo của những phần tử như vậy, nên ngài quyết định triệu tập một cuộc kết tập kinh điển gồm 500 vị trưởng lão Tỳ khưu và các A la hán, những người đã đích thân chứng kiến lời dạy của Đức Phật để đọc tụng và xác nhận tính xác thực của các lời dạy của Ngài.


Tôn giả A Nan được tiến cử như thành viên thứ 500 của đại hội kết tập kinh điển với điều kiện ngài phải tu tập và chứng đắc A la hán. Tôn giả do đó bắt đầu hành thiền để có thể trở thành A la hán. 


Là một bậc thầy nắm rõ kinh điển và kỹ thuật Minh Sát, ngài A Nan, khi giảng dạy,  thường khuyên người khác không nên phát triển cái tôi hay bản ngã vì đó là chướng ngại rất nguy hiểm. Tuy vậy,  người thầy, khi thực hành bao giờ cũng quên lời dạy của mình. Giờ đây, do quá chú tâm vào mục đích “trở thành một A la hán” , ngài A Nan  đã tạo một sức ép lên tâm,  làm cho nó mất thăng bằng và đi lệch khỏi con đường trung đạo, vì vậy, mặc dù thực tập miệt mài ngài chẳng tiến bộ được chút nào.


Buổi tối trước ngày diễn ra buổi kết tập kinh điển, tôn giả lại cố sức hành thiền cả đêm nhưng hoài công. Khi mặt trời ló dạng, kiệt sức vì việc thực hành Minh Sát, tôn giả A Nan quyết định đi nghỉ. Giờ đây tôn giả không còn nhắm trở thành một bậc A la hán, tâm trí không còn vướng bận đến chuyện kết tập kinh điển sẽ diễn ra vào ngày mai, chỉ chuyên chú vào sát na của thực tại hiện tiền, và, do vậy, khi ngài vừa ngã đầu xuống gối, ngài trở thành một bậc A la hán.


Người Phật tử Thái kết luận rằng, nếu Đức Phật có thể cứu độ được cho ai đó, hẵn Ngài đã cứu cho tôn giả A Nan trước, vì tôn giả đã tận tụy phục vụ Đức Phật trong thời gian làm thị giả cho Ngài.


Cô kết luận, “Giải thoát là vấn đề của tâm. Chỉ có bạn là người duy nhất nhìn thấy tâm của mình rõ hơn ai hết. Không một ai, kể cả Đức Phật, có thể nhìn thấu vào tâm của bạn để thanh lọc và tẩy trừ những bợn nhơ của nó dùm cho bạn và biến bạn thành một con người giác ngộ. ” 


Nhân đây tôi cũng muốn làm rõ quan niệm ăn chay/ ăn mặn của truyền thống Nam Tông. Chư tăng và Phật tử Thái không coi trọng việc ăn chay.  Đi khắp cả Bangkok mới có một tiệm cơm chay nhỏ xíu. Sư đi với chúng tôi thì dùng gì cũng được, có đồ ăn chay thì dùng chay, có đồ ăn mặn thì dùng mặn. 


Sư nói rằng vào thời Đức Phật, những người Bà La Môn ăn chay nhưng khi cúng tế thì họ giết rất nhiều thú vật. Đề Bà Đạt Đa có lần đề nghị Đức Phật cho tăng đoàn ăn chay nhưng sau khi thẩm định ý kiến của Đề Bà Đạt Đa, Đức Phật đã từ chối.


Do Phật và chư tăng hàng ngày phải đi khất thực để sống  và cũng là một phương tiện qua đó để hoằng hóa độ sinh, cách hay nhất là tăng đoàn nhận và thọ dụng tất cả những gì mà thí chủ có khả năng cúng dường, nếu chỉ nhận đồ cúng dường giới hạn trong thức ăn chay mà từ chối đồ ăn mặn thì rất nhiều người nghèo sẽ mất cơ hội cúng dường và như vậy họ sẽ mất  cơ hội tạo phước báu và kết duyên lành với Phật pháp.


Sư nói, “Thức ăn chỉ là thức ăn thôi, không phân biệt chay hay mặn, đó là tinh thần trung đạo của Phật giáo. Vả lại, ăn chay hay ăn mặn không liên quan gì tới việc giải thoát cả. Giải thoát đặt căn bản trên trí tuệ.” 


Khi tôi hỏi một Phật tử Thái tại thiền đường Dhammakaya việc ăn mặn  theo quan điểm của cô có phù hợp tinh thần từ bi của Phật giáo hay không thì cô nói  rằng theo kinh điển, Đức Phật không hề khuyến khích hoặc cấm ăn chay hay ăn mặn vì Ngài xem thức ăn như là phương tiện để nuôi thân. Ngài  chỉ cấm chúng ta ăn tam tịnh nhục và dạy chúng ta nên ăn trong chính niệm.


Ngày nay, nhiều người cổ vũ cho việc ăn chay vì cho đây là cách thể hiện lòng từ bi đối với sinh vật. Tuy nhiên theo cô thì rau quả không phải tự nhiên mọc lên cho chúng ta ăn mà phải qua quá trình trồng trọt và chăm bón. Chẳng hạn như khi trồng lúa, người nông dân phải làm cỏ, cày bừa và như vậy sẽ có nhiều giun, rắn, chuột đồng, cá, lươn, ếch, nhái v.v… bị giết hại, chưa kể là khi lúa đơm bông  thì người nông dân phải xịt thuốc để diệt côn trùng và sâu rầy đồng thời phải đánh bẫy chim muông để bảo vệ mùa màng. Như vậy, ăn chay không có nghĩa là hoàn toàn không sát sinh và cũng không hẵn là hoàn toàn từ bi.


Theo cô thì chúng ta đang sống trong một thế giới mà tất cả các tất cả mọi loài trên trái đất này phải phụ thuộc, nương dựa  lẫn nhau để sống. Để tồn tại, chúng ta cần phải ăn và chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng để có thức ăn, chúng ta phải giết hại nhiều loài sinh vật khác nhau, cho dẫu chúng ta ăn thịt, hay chỉ ăn rau quả.


Cô nói, “Tôi nghĩ rằng chẳng hợp lý tí nào khi bạn để cho con heo, con bò, gà vịt, cá… được sống  trong khi dồn mọi sát hại lên đầu các con sâu và các con rầy…. Như vậy chẳng khác gì bạn thể hiện từ bi với một loài này mà lại dồn khổ đau cho một loài khác, tôi không nghĩ điều đó phù hợp với quan điểm từ bi cũng như con đường Trung đạo của Đức Phật..”


Cô nói, từ trước đến nay một số người cứ tranh cãi quanh ăn chay và ăn mặn nhưng đây là điều mà Đức Phật không hề dạy, trong khi họ lại bỏ qua việc ăn trong chính niệm (biết mình đang ăn gì, nhai kỹ,  ăn vừa đủ và quán chiếu sự bất tịnh của thức ăn trong khi ăn), và đây mới chính là điều Đức Phật dạy.


Theo cô, nếu chúng ta ăn trong chính niệm thì không cần ăn nhiều nhưng cơ thể vẫn có thể hấp thụ đầy đủ chất bổ dưỡng từ thức ăn nhờ nhai kỹ. Việc ăn vừa đủ còn giúp giảm thiểu lượng thức ăn mà chúng ta ăn và do vậy hạn chế được tối đa sự sát hại các loài vật liên quan đến việc cung cấp thức ăn cho chúng ta, cho dẫu là chúng ta ăn chay hay ăn mặn.


Việc ăn trong chính niệm cũng giúp giải quyết phần nào nạn thiếu hụt lương thực toàn cầu ngày một trở nên trầm trọng hơn (Liên Hiệp Quốc đã ước tính số người đói trên thế giới vào năm 2020 sẽ là 50 triệu người)  do dân số ngày mỗi tăng trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại để xây dựng nhà ở, đồng thời hiện tượng ấm lên toàn cầu đã gây ra các trận thiên tai, bão  lụt và hạn hán mỗi năm mỗi thường xuyên hơn, tàn phá không biết bao nhiêu hoa màu. 


Phật giáo và con người của đất nước này, quả thật, đã cho tôi những điều đáng nhớ. Đặt chân lên đất nước này, tôi cảm thấy nức lòng vì thấy Phật giáo được tôn trọng đúng với giá trị của nó.  Ở đây, người ta đã dành những gì đẹp đẽ nhất, tôn quý nhất, mà người ta có được cho chính pháp.


Tuy nhiên, điều làm tôi hài lòng hơn cả  chính là phẩm chất tốt đẹp của đa số Phật tử Thái, đây là một bằng chứng cho thấy những giá trị thực sự mà Phật giáo có thể đem lại cho xã hội và nền văn minh của loài người.


Sẽ chẳng hợp lý, hợp thời, hợp cảnh tý nào nếu dùng hai  từ “mạt pháp” để dành cho Phật giáo ở Thái Lan vì trên đất nước này, chính pháp dường như vẫn cứ mãi trường tồn với thời gian…  Tôi đâm ra phân vân không hiểu là trong kinh điển của Đức Phật có thực sự đề cập đến thời kỳ mạt pháp việc này hay không, vì nếu có mạt pháp thì tại sao Phật giáo ở Thái Lan không hề thấy mạt, trong khi tôn giáo này được truyền vào Thái Lan và Việt Nam có lẽ cũng vào cùng một thời điểm mặc dù qua hai ngả khác nhau.


Tôi cảm thấy rằng  hai từ “mạt pháp” dường như chỉ là một cách nói để thuyết phục chúng ta, Phật tử ở những nước Phật giáo đang có hiện tượng suy yếu, cứ việc buông xuôi, để mặc tình cho tương lai chính pháp ra sao thì sao.


Thật vậy, ở nước ta,  “mạt pháp” dường như là hai từ đầu môi, chót lưỡi của  rất nhiều Phật tử và ngay cả các tăng, ni.  Gặp chuyện bất bình trong chuyện tu hoặc chuyện đạo, ai cũng buông hai tiếng “mạt pháp”,  vậy là xong!


Tôi nhớ cách đây khỏang 1,5 năm, tôi và người bạn đến nhà hàng Việt Chay để ăn tối. Ngồi đối diện với bàn của tôi là hai vị thầy, một vị đứng tuổi còn một vị khoảng  trên 20. Ngồi  chung bàn với hai thầy là một cô gái trạc 25 hoặc 26.


Cô gái  chủ động bới cơm và  gắp thức ăn bỏ vào bát của vị thầy đứng tuổi, cô cũng gắp bỏ cho vị thầy trẻ nhưng vị này từ chối. Vị thầy đứng tuổi, sau một thời gian chuyện trò,  dường đã bắt đầu cảm thấy cảm thấy thoải mái nên tỏ ra tự nhiên hơn, thầy đáp lễ  lại bằng cách bới cơm và gắp thức ăn bỏ vào chén cho cô gái.  Cô gái – mắt đong đưa, môi cười lúng liếng  – chìa bát ra nhận lấy thức ăn từ vị thầy với vẻ biết ơn.


Tôi thấy khó chịu vì sự coi thường giới luật của vị thầy đứng tuổi này nên phàn nàn với người bạn của mình. Bạn tôi chép miệng, lắc đầu, buông mấy tiếng, “Mạt pháp rồi!” và tôi cũng chẳng còn cách nào khác là đáp theo một cách đồng thuận, “Ừ, mạt pháp rồi!”


Ở Việt Nam thì vậy, nhưng ở Thái Lan thì đừng có hòng. Trong trường hợp này, Phật tử sẽ gọi điện thoại báo ngay cho cảnh sát. Nếu là sư giả thì bị lột y, còng tay ngay tại chỗ, còn nếu sư thật mà phạm giới thì sẽ bị chở về chùa, làm lễ giải y và sau đó là tra tay vào còng.  


Đa số chùa Việt Nam thường hoằng dương pháp môn Tịnh Độ, vì vậy khi Phật tử  vào chùa, các thầy và các sư cô thường  khuyên tu niệm Phật và ăn chay vì lẽ thời này mạt pháp rồi, chuyên tâm niệm Phật thì không những giúp tìm được sự an lạc trong đời sống hàng ngày sẽ mà khi chết còn được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi Cực Lạc, thật là thù thắng biết bao!


Mặt tiêu cực của lời khuyên này là làm cho Phật giáo mất dần đi phẩm chất của mình và dần dần bị biến dạng,  nếu lời khuyên này không đi kèm thêm một  sự khuyến khích rằng các Phật tử trong trường hợp có thời gian, có sức khỏe, có điều kiện thì nên tìm hiểu và khám phá  thêm về thiền và hành thiền vì thiền là cốt tủy và tinh hoa của Phật giáo.


Một số Phật tử theo pháp môn niệm Phật có thể sẽ không đồng tình với ý kiến của tôi vì cho rằng tôi có sự phân biệt giữa các pháp môn nhưng các bạn thử nghĩ xem đạo Phật có còn là đạo Phật nữa không nếu tất cả Phật tử đều ngồi lần chuỗi niệm Phật, cầu xin vãng sinh Cực Lạc mà không ai quan tâm đến việc hành thiền cũng như nắm được các kỹ thuật Minh Sát để tự thanh lọc tâm, để có thể tự mình đi đến giác ngộ và giải thoát và chứng đắc Niết Bàn như Đức Phật Thích Ca?


Hiện nay, một số Phật tử có tâm huyết đang tìm cách chấn hưng Phật giáo. Một trong những đề nghị là Việt hóa các kinh điển. Theo tôi nghĩ, làm gì thì làm, chúng ta phải vứt bỏ hai cái chữ “mạt pháp” ra khỏi đầu của chúng ta trước đã thì mới mong nỗ lực của chúng ta mới có kết quả.  Như một tác giả nào đó đã viết “chính pháp không bao giờ mạt, chỉ có tâm con người mới mạt mà thôi”.


Đúng vậy giáo pháp của Đức Phật để lại cho chúng ta muôn đời vẫn vậy bởi vì Ngài đâu có dấu diếm ta điều gì, chỉ có chúng ta không tu hành tinh tấn, phóng dật, dễ duôi rồi lại đổ thừa cho chính pháp là mạt.


Việc tận mắt  chứng kiến cảnh tu hành của Phật tử Thái giúp tôi “ngộ” ra sự nguy hiểm của hai từ “mạt pháp” vì lẽ ngoài lý do làm cho Phật tử buông xuôi như kể trên, nó còn làm sản sinh ra hai hạng Phật tử có tu tập (Phật tử mà không tu tập thì không kể).


Ví như Đức Phật Thích Ca là người đã bỏ công leo lên một ngọn núi thật cao để khơi một nguồn nước, có một hạng Phật tử không nề hà khó khăn, gian khổ cố gắng đi theo con đường của Đức Phật, tự leo lên đến đỉnh để có thể uống ngụm nước uyên nguyên ở đầu nguồn thì đồng thời cũng có một hạng Phật tử tuy cũng cố gắng leo nhưng chấp nhận uống nước ở lưng chừng nguồn vì “núi cao quá, thời buồi này đường sá xuống cấp rồi, thôi thì uống nước lưng chừng nguồn cũng tốt   vì nước ở đâu chất lượng cũng như nhau thôi” (thật vậy sao?)


Việc quyết định trở thành hạng Phật tử nào đó là quyền của bạn. Tôi chỉ muốn kết thúc bài ký sự của tôi bằng lời nhắn nhủ cuối cùng của Đức Phật Thích Ca với các đệ tử của Ngài mà có lẽ cũng dành  cho chúng ta – những đệ tử hơn 2.500 năm sau của Ngài –  trước khi từ giã cõi đời để nhập Niết Bàn là “Hỡi các đệ tử! Hãy tinh tấn lên để được giải thoát!”

Tài liệu tham khảo:
Tứ Niệm Xứ Giảng Giải – Thiền sư Goenka,  Tỳ Khưu Pháp Thông dịch


Xem thêm: