Trang chủ Tết Việt Du xuân Mùa xuân dạo thăm vườn chùa xứ Huế

Mùa xuân dạo thăm vườn chùa xứ Huế

71

Đã thành thông lệ cứ vào dị Xuân về Tết đến là trên các con đường dẫn đến các ngôi chùa Huế lại đông nghịt người. Họ đi chùa cầu sự an lành, thành đạt cho năm mới. Trong cái thời tiết buổi sáng mùa Xuân xứ Huế hơi se se lạnh, đến chùa, cùng quý thầy nhắp chén trà xuân, dùng một lát mức gừng ngọt ngọt cay cay rồi dạo thăm vườn chùa để dao hoà cùng khí xuân là cái thú du xuân của người Huế.


Bắt nguồn từ nhiều yếu tố, nhưng chung nhất vẫn là từ triết lý “lấy thiên nhiên làm đạo tràng hành đạo giải thoát giác ngộ”. Các vị thiền sư xưa đã đến Thuận Hoá – Phú Xuân chọn những vùng đất có cảnh quan thiên nhiên sông núi hữu tình lập ra những am tranh, lều cỏ để tu hành và đã góp phần mở mang, khai sáng văn hoá làm chỗ dựa tinh thần cho dân. Trong thời buổi đó, sự phát triển của Phật giáo cũng chính là sự khai mở văn hoá…



Cảnh vườn chùa Từ Hiếu


Là những người đi “khai hoang”, các vị thiền sư đã dừng chân giữa bạc ngàn rừng núi tạo dựng lên một loạt những am tranh mà sau này trở thành những ngôi cổ tự nổi tiếng xứ Huế như chùa Quốc Ân do tổ sư Nguyên Thiều dựng năm 1684, chùa Từ Đàm do tổ Minh Hoằng-Tử Dung khai sơn năm 1695, chùa Thiền Tôn do tổ sư Liễu Quán khai sơn 1708, chùa Báo Quốc, do tổ sư Giác Phong lập vào cuối thế kỷ 17, chùa Từ Lâm do tổ sư Từ Lâm khai sơn cuối thế kỷ 17, chùa Từ Hiếu do tổ sư Nhất Định khai sơn năm 1842…


Những ngôi chùa nầy tiền thân là những am tranh nằm ẩn mình trong núi rừng thâm u ít có dân cư. Nhiều sách vở ngày nay con lưu lại cho biết thuở ấy trong vùng nầy chỉ có những tiếng nói cười sang sảng của các thiền sư cùng với chim hót suối reo và tiếng gầm rú của thú dữ (Đây là một trong những lý do để chùa Huế có đất đai, vườn tược rất rộng). Cảnh quan của những am tranh ngày xưa và những danh lam thắng cảnh chùa Huế ngày nay do vậy thường hài hoà giữa suối khe, sông núi hữu tình.



Việc dựng một am thất như thế nào cho phù hợp với cảnh quan phong thuỷ rất được các Tổ sư xưa đặc biệt quan tâm. Khởi nguyên, các vị Tổ sư dựng thiền trượng lập am tranh là thuận theo địa thế, tự nhiên mà chọn lựa thế đất tiền khê thuỷ, hậu sơn lâm để làm minh đường hậu chẩm và hai bên có tả thanh long hữu bạch hỗ yểm trợ mà hoàn toàn không làm “tổn hại” đến cảnh quan xung quanh thậm chí còn tô thêm nét trầm mặc, thiền vị.


Sau nầy, khi các vị kế thế trong điều kiện vững mạnh, dân tình ngày càng đông đúc hơn, nhu cầu về tín ngưỡng cao hơn, những am tranh đó được nâng lên thành những ngôi chùa bằng gỗ với mô thức chung là nhà rường một gian hai chái (hoặc là ba gian hai chái) với hệ thống chùa-tăng đường-trai đường-hậu tổ liên hoàn với nhau tạo thành một thể thống nhất kiểu chữ khẩu rất đặc trưng, một kiểu kiến trúc khiêm tốn hài hoà với thiên nhiên.



Một góc vườn chùa Kim Tiên


Cho nên, việc “thiết kế” một  khu vườn chùa  như thế nào trong cảnh quan và kiến trúc của ngôi chùa cũng là một nét đặc trưng của chùa Huế. Ngay từ thuở còn trong hình thái của am tranh với sự an cư đơn giản của các vị thiền sư, vườn chùa chưa mang tính phổ quát mà chỉ mang tính tạp mộc rất tự nhiên.


Sau nầy, các vị trụ trì kế thế, do nhu cầu của đời sống nhà chùa, trong vườn chùa đã có sự cải đổi về chủng loại cây trồng có nhiều rau, cải, cà, mướp, đậu, mè…một số cây ăn quả như mít, dừa, măng cụt, nhãn…cũng đã được đưa vào để thay thế các cây cổ thụ tự nhiên nhằm để cải thiện bữa ăn…Do vậy vườn chùa rất quan trọng trong đời sống tu hành của nhà chùa.



Một góc vườn chùa Thiên Mụ


Ngày nay vườn chùa Huế chủ yếu đã được cải tạo theo hướng “kiểng tính” nhiều hơn chứ ít thấy chùa nào trồng hoa màu nữa. Các chùa đã chú trọng việc làm đẹp vườn chùa sao cho thật hài hoà với yếu tố tự nhiên mà ngôi chùa toạ lạc. Vườn chùa Huế ngày nay đa số đều trồng cỏ, có hòn non bộ, có vườn hoa, có nhà thuỷ tạ rất đẹp.



Vườn chùa Trà Am