Lại nữa, ta phải thấy rằng mọi giá trị thuộc về tài sản vật chất, chúng có thể bị mòn diệt theo thời gian, nhưng những giá trị tinh thần thì không bị thời gian làm mòn diệt. Chúng không những không bị thời gian làm mòn diệt mà trái lại, thời gian càng đi qua, lại càng làm cho những giá trị tinh thần càng trở nên trong sáng, lớn mạnh và cùng khắp.
Trong đời sống con người, ta chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất và đánh giá đời sống con người bằng những giá trị ấy, thì trước sau gì ta cũng bị thất vọng. Thất vọng, vì đời sống con người đúng nghĩa không phải chỉ là những vật chất.
Tài sản lớn nhất của con người chính là sự hiểu biết và thương yêu. Càng hiến tặng sự hiểu biết cho mọi người, thì tài sản hiểu biết của ta lại tăng lên một cách kỳ lạ; và càng hiến tặng sự thương yêu đến cho mọi người và mọi loài, thì tài sản phước đức và hạnh phúc của ta lại tăng lên một cách kỳ diệu.
Gia tài hiểu biết và thương yêu của ta không cần phải nhọc công tìm kiếm và vay mượn ở bất cứ nơi nào. Ta không cần phải nhọc công tìm kiếm những sự hiểu biết và thương yêu nơi những kho tàng kinh viện, hay trầm mình kiếm tìm nơi những suy tưởng hoặc lao mình bươn chải tới tận những cõi thiên đàng, mà ta chỉ cần chấm dứt những hạt giống kiếm tìm và vọng động ngay ở nơi tâm thức ta, là tức khắc ta có thể tiếp nhận được gia tài quý báu của sự hiểu biết.
Gia tài hiểu biết là gia tài quý báu vốn có của tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ cần buông bỏ mọi vọng tưởng ở nơi tâm thức ta là tức khắc gia tài quý báu ấy hiện ra cho ta và ta có thể tùy nghi sử dụng. Và ta có thể đem gia tài ấy hiến tặng cho tất cả mọi người và vô số chúng sanh nhiều như cát bụi mà gia tài ấy không bao giờ bị suy giảm.
Và càng hiến tặng gia tài hiểu biết ấy bao nhiêu, thì tình thương của ta càng sâu thẳm và lớn mạnh bấy nhiêu. Tình yêu hay tình thương được biểu hiện từ sự hiểu biết ấy là tình yêu hay tình thương đích thực. Tại sao? Vì thương hay yêu từ sự hiểu biết ấy, không hề tạo ra bất cứ một sự vọng cầu nào. Thương và yêu có vọng cầu, là thương yêu từ vọng tưởng. Vọng tưởng thì điên đảo. Điên đảo thì khổ đau. Không có bất cứ sự thương yêu nào đi từ điên đảo, vọng tưởng mà có hạnh phúc và an lạc cả. Chỉ có sự thương yêu không đi từ điên đảo, vọng tưởng mới tạo nên hạnh phúc và an lạc cho ta và cho người ta thương yêu.
Ta cần phải thực tập sự hiểu biết và thương yêu nầy, để ta có một gia tài quý báu không bao giờ bị mòn diệt bởi thời gian và không gian, nhằm hiến tặng cho đời.
Vậy, ta hãy thở và cười với một chiếc lá vàng đang tái tạo một mầm xanh của nó với tất cả gia tài hiểu biết và thương yêu của chính ta là sự an lạc và bình an trong ta đã bắt đầu hiển lộ.