Trang chủ Quốc tế Bangkok ký sự – phần 5: Chùa, tháp và trung tâm Phật...

Bangkok ký sự – phần 5: Chùa, tháp và trung tâm Phật giáo (tiếp theo)

221

Bề  ngoài trông ngôi chùa có vẽ cũ kỹ nhưng bên trong có tượng Đức Phật Thích Ca bằng cẩm thạch nguyên khối lớn nhất thế giới. Sư Phra Viriyang trong một lần đến Canada đã tìm thấy một khối cẩm thạch nặng 32 tấn và ngài đã đem về Thái Lan. Khối đá được tách ra và tượng Phật Thích Ca được làm từ khối cẩm thạch nặng 14 tấn, phần còn lại được dùng để tạc tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Trần của gian thờ tượng Phật Thích Ca này là một tác phẩm phù điêu tuyệt đẹp mô tả cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.



Tượng Phật Thích Ca nguyên khối bằng đá cẩm thạch



Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nguyên khối bằng đá cẩm thạch


Bạn có thể đi thang máy đến tầng thứ 12 của tháp. Tầng này dường như được sử dụng làm một kho chứa đồ cổ vì bạn có thể tìm thấy đủ những chiếc quạt giấy, đồ trang sức, bình cổ và tiền đủ loại của các quốc gia trên toàn thế giới.



Tháp Dhammamongkol


Lên thêm 2 tầng nữa, bạn sẽ đến một tầng được trang trí bằng đá cẩm thạch màu trắng bạc, chính giữa gian phòng đặt một cái tháp bằng vàng rất cao bên trong thờ  xá lợi của Đức Phật và tóc của Ngài do đức Tăng thống của Bangladesh tặng. Tại tầng thờ xá lợi này, tôi thấy một số Phật tử nam đang ngồi thiền trong khi  một số khác đang đi thiền hành lặng lẽ  quanh tháp.



Tháp thờ xá lợi Phật


Khi chúng tôi đi xuống tháp lúc đó vào khỏang hai giờ trưa cũng là giờ các sư đến lớp học.  Các em học sinh cũng bắt đầu đổ đến trường.  Sư học tiếng Pali, tiếng Anh, vi tính… còn các em thì học kiến thức phổ thông.


Ở Thái Lan, không những sư mà người dân thường và ngay cả người ngoại quốc đến tham gia vào các khóa thiền  đều được khuyến khích học tiếng Pali vì hiểu được tiếng Pali cho dẫu ít hoặc nhiều đều rất có lợi cho việc tu học.  


Trong những khóa thiền, trong không gian tĩnh lặng, trang nghiêm và thiêng liêng của thiền đường, vị sư chứng đắc luôn đọc một số Kinh, chẳng hạn như Kinh Tứ Niệm Xứ bằng tiếng Pali cho thiền sinh.


Có những thiền sinh – ngay cả những thiền sinh nước ngoài và không biết tiếng Pali – trong lúc đó  đã xúc động mãnh liệt đến bật khóc, do họ cảm nhận những lời kinh đó như chính là lời của Đức Phật nhắn nhủ với chính họ.  Và điều này thực sự giúp cho họ tinh tấn rất nhiều trong việc tu tập. Thiền sinh nào hiểu được ít nhiều  tiếng Pali, trong tình huống như vậy, dĩ nhiên, sẽ có lợi hơn là những người không hề biết tiếng Pali.


Chùa Pak Nam Phasi Charoen, là một trong những ngôi chùa rất lớn ở Bangkok, là nơi tu hành của các sư tăng trong thành phố và trên khắp thế giới.  Nơi đây có nhiều tăng sĩ Việt Nam đến tu học trong nhiều thập niên qua, và cũng thường là nơi tạm trú của các vị Tỳ kheo Việt Nam mỗi khi có dịp sang Bangkok.



Chính điện của chùa tuyệt đẹp với các tượng Phật dát toàn vàng (mà cũng có thể làm bằng vàng ròng, tôi quên hỏi!). Điểm đáng chú ý là nhiều nơi trong chùa cũng đều có hình ảnh của sư tổ Luang Poh Sod, còn gọi là  Phra Monkolthempmuni. 



Chính điện chùa Paknam


Hiện nay, sư tại các chùa trên khắp Thái Lan đều phải đi bát (khất thực). Riêng tại chùa Paknam thì có bếp nấu ăn cho chư tăng nên các sư ở đây không phải đi khất thực, chỉ ở chùa chuyên tu học mà thôi. 



Việc này khởi sự khi sư tổ Luang Poh Sod còn là vị tỳ khưu trẻ tên Candasaro tu tập tại chùa Phra Chetupon. Nhiều lần ông đi khất thực và không nhận đủ thực phẩm cúng dường đủ và việc này lắm khi đã làm ông xao lãng việc tu tập.  Có những ngày, Candasaro chỉ được cúng dường một quả cam và thậm chí có những hôm Candasaro không xin được chút thức ăn nào cả.


Một lần nọ, Candasaro không xin được thức ăn trong hai ngày liên tiếp, ông bắt đầu tự hỏi, “Ngay cả những người đã hy sinh mọi thứ vui trần tục của mình cho việc giữ gìn giới luật và cho sự bất diệt của chánh pháp – chẳng lẽ số phận của anh ta lại là chết đói cho ý nguyện cao cả của mình chăng?”


Những suy nghĩ về cái chết cứ bám lấy tâm trí của Candasaro nhưng chúng không làm cho ông thất vọng, ông nghĩ, “Ít ra, nếu tôi có chết đói vì sự chai đá của những cư dân của thành phố này, tôi sẽ là kẻ tử vì đạo và sẽ quấy động lòng từ bi của họ  để những huynh đệ còn lại của tôi có thể có đủ thức ăn trong tương lai.”


Khi Candasaro đi khất thực trong ngày thứ ba, ông nhận được một môi cơm đầy và một trái chuối. Yếu và mệt do hai ngày không có gì trong bụng, tỳ khưu Candasaro lê bước về phòng của mình. Khi ông ngồi xuống trước cửa phòng để ăn bữa ăn của mình trong chính niệm, một con chó hoang, lai, ghẻ lở đầy mình lang thang đến chỗ của ông. Con chó ốm đến nỗi loài xương ra ngoài. Hiển nhiên là con vật này đã bị đói trong nhiều ngày, ngày hôm nay có thể là ngày cuối cùng của nó.


Candasaro ném phần thức ăn còn lại mà mình xin được cho con chó và trang nghiêm ước nguyện, “Với sức mạnh của sự bố thí rộng lượng này mặc dù bản thân đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, cầu xin rằng tôi sẽ không bao giờ gặp cảnh đói khát nữa. Qua sự trong sạch trong việc giữ gìn giới luật và qua những lời chân thật này, cầu xin rằng tôi sẽ không bao giờ đi khất thực về với chiếc bát rỗng không.”


Sau khi ông đã quẳng phần thức  ăn còn lại của mình cho con chó, mặc dầu ốm đói và có lẽ chẳng được ăn thứ gì trong nhiều ngày, con chó chỉ ăn cơm và không đụng đến trái chuối. Candasaro trong một phút yếu lòng đã tính lượm lại trái chuối nhưng ông nhớ lại rằng một tỳ khưu thì không lấy lại bất cứ vật gì mà mình đã cho đi. Ông không thể lượm lại trái chuối trừ phi có một người dâng lại quả chuối đó cho ông bằng hai tay. Nhưng chẳng người nào khác, dĩ nhiên, có mặt ở đó vào đúng thời điểm đó.


Kể từ ngày hôm đó, nhờ vào việc  việc giữ gìn giới luật trong sạch và sự những lời nguyện chân thành, Candasaro không bao giờ đi khất thực về với bát không, ông luôn có nhiều thức ăn hơn mình cần để chia sẻ với huynh đệ của mình.


Candasaro suy ngẫm về những khó khăn về vấn đề thiếu hụt thực phẩm mà bản thân ông và huynh đệ của ông  thường gặp phải, vì vậy ông phát nguyện, “Một ngày nào đó, khi tôi nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ các thí chủ, tôi sẽ xây một cái bếp để giúp cho các sư bữa ăn ổn định và do vậy các sư có thể toàn tâm toàn trí  thiền định và học hỏi kinh điển Pali mà không phải lo lắng về bữa ăn sắp đến của mình.”


Phải mười năm sau, ước mơ của Candasaro mới thành hiện thực.


Chúng tôi đến chùa Paknam vào sáng thứ ba. Tuy đây là ngày làm việc trong tuần nhưng vẫn có những Phật tử chùa lặng lẽ mỗi người một góc trong chùa để hành thiền. Sư nói với tôi rằng ở Thái Lan, những Phật tử muốn tu thiền định để rèn luyện tâm trí thì đến tu tập tại trung tâm thiền Dhammakaya, các Phật tử muốn tu tập Minh Sát Tuệ hướng đến giải thoát thì đến các chùa, nơi đây họ nhận một vị sư có đủ tư cách hướng dẫn cho họ tu tập.


Thiền sinh đến chùa gặp sư phụ của mình để trình pháp và để được hướng dẫn những điều mới. Họ thường ngồi lại ở lại chùa hành thiền để thực hành những điều mới được hướng dẫn trước khi ra về.  Có một điều tôi thấy cũng hơi ngồ ngộ là ở trung tâm thiền Dhammakaya, số Phật tử nữ đến tu tập xem ra áp đảo số Phật tử nam, nhưng ở những nơi ít người, hết sức tĩnh lặng  như thế này thì chỉ thấy Phật tử nam chứ không thấy Phật tử nữ.


Chùa cũng đào kênh để nuôi cá. Bạn có thể tận hưởng niềm vui của sự bố thí bằng cách bỏ ra 10 baht để mua một ổ bánh mì xé ra từng miếng nhỏ để cho cá ăn. Cá ở các chùa Thái rất lớn, đại loại giống cá trê hoặc cá tra nhưng dân sống trong những vùng kế cận không ai bắt chúng để ăn thịt cả. 



Cho cá ăn vui và hạnh phúc ghê


Muốn cho chim bồ câu ăn ư? Chỉ cần thảy bánh mì xuống sân là cả đàn chim bồ câu sà xuống nhảy nhót quanh chân bạn để ăn. Nhìn những chú chim bồ câu hồn nhiên ăn vụn bánh mì ngay dưới chân mình, tôi thấy cuộc sống thật dễ thương làm sao khi muôn vật sống an lành cùng nhau!




Nhà Sư Thái Lan và chim bồ câu


Trung tâm Phật giáo Thái Lan (Buddhamonthon) tọa lạc tại quận Phutthamonthon của Nakhon Pathom, một tỉnh nằm ở phía tây của Bangkok.  Đây là một cơ sở Phật giáo lớn nhất của Thái Lan nằm trong một công viên rộng đến 40  hectare được xây dựng hoàn tất vào năm 1957 để kỷ niệm 2.500 năm ngày Đức Phật đản sinh.


Ở đây có tượng Đức Phật Thích Ca đang đi rất đẹp do giáo sư Silpa Bhirasri thiết kế vào năm 1955 và được đúc vào năm 1981.



Tượng Phật Thích Ca đang đi tại Buddhamonthon



Tượng cao 18m, được đặt ngay chính trung tâm của công viên. Đây là tượng Phật Thích Ca đang đi cao nhất trên thế giới. Chung quanh tượng có bốn công trình phụ  được xây dựng để ghi nhớ bốn giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Ngài: Ngày đản sinh của Ngài được tượng trưng bằng bảy hoa sen, sự giác ngộ mà Ngài đạt được dưới cây bồ đề, bài Pháp đầu tiên của Ngài và ngày Ngài nhập Niết Bàn.



Chính điện


Do trung tâm được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nên nơi đây có rất nhiều tòa nhà. Một trong những tòa nhà quan trọng được gọi là “viharn” làm bằng đá cẩm thạch chứa 1.418 tấm bia cũng làm bằng cẩm thạch, mỗi tấm bia là một trang chính tạng Pali khắc bằng chữ Thái, mạ vàng. Để đảm bảo cho tính chính xác của Kinh, các tấm bia được chính tay của các vị các sư của  chùa Paknam khắc. Công trình này ước tính sẽ tồn tại trong 100 năm. 



Bia khắc Chánh tạng Pali



Trần của gian thờ Chánh tạng Pali với kiến trúc và trang trí tuyệt đẹp


Công viên thật rộng nhưng vô cùng sạch sẽ. Quang cảnh nơi đây thật thanh bình. Trong công viên có đào sông rất rộng để thả và nuôi cá. Các em học sinh Thái sau giờ học đến thăm công viên để cho cá và chim bồ câu ăn bánh mì, rất nhiều người dân sống cạnh trung tâm vào đây để đi bộ tập thể dục. Tôi đứng nhìn trời đất, sông nước bát ngát mênh mông và tận hưởng sự an lạc thanh bình do ngọn gió nhẹ thoảng từ mặt sông đưa tới, khó có thể dùng lời để tả cho hết vẽ đẹp và sự yên bình ở đây!



Học sinh Thái Lan cho cá ăn


Buddhamonthon cũng là một trong những nơi mà Thái Lan tổ chức lễ Phật Đản quốc tế (Vesak).



Cảnh quan trong thanh bình trong Buddhamonthon


Đi bộ tập thể dục trong Buddamonthon


Cũng nên kể thêm, trên đường đi đến Buddhamonthon, khi đi ngang qua một ngôi chùa, chúng tôi thấy nhà tù cho đem xe đến chùa đón các sư đến nhà tù để thuyết pháp cho phạm nhân. Chúng tôi được nói cho biết ở Thái Lan, các nhà tù thường tổ chức mời chư tăng đến để thuyết pháp cho các phạm nhân cũng như mời các sư đến thuyết pháp và đọc kinh cho phạm nhân bị kết án tử hình trước khi xử tử để nạn nhân có thể ra đi trong sự thanh thản.

Tài liệu tham khảo: The Life and Times of Luan Phaw Wat Paknam


Xem thêm: