Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Hương

Chùa Hương

166

Vì vậy nên hàng năm, cứ đến mùa lễ hội Chùa Hương, hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đây dự Hội bằng cách vượt qua dòng Suối Yến trên những chiếc ghe mỏng manh.

Chùa Hương là một ngôi chùa nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Chùa Hương nằm trong động Hương Tích và là trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này. Chùa Hương còn gọi là chùa Trong.




Một công trình kiến trúc trong quần thể kiến trúc chùa Hương.

Đường xuống hang chùa là một dốc gồm 120 bậc lát đá. Vách trước cửa động có năm chữ Hán 南天第一 (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770 đời chúa Trịnh Sâm.




Cánh cổng dẫn vào chùa Hương.


Vào trong động vẻ đẹp lạ thường của những nhũ đá tưởng như những công trình điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên. Nhũ đá ở đây có khối to, có khối nhỏ, có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái mọc từ dưới đất lên. Tất cả đều tùy theo hình dáng mà được đặt những cái tên rất trần thế, biểu hiện những mơ ước của con người.

Trước hết là Đụn Gạo đồ sộ, bước vào cửa động đã trông thấy. Gạo là cái quan trọng hàng đầu nên Đụn Gạo trong động nhà Phật cũng ở vào vị trí hàng đầu.






Đụn Gạo trong chùa Hương.

Dưới chân Đụn Gạo có một hõm đá nhỏ xíu gọi là Cối Giã. Gần Đụn Gạo là Núi Cô và Núi Cậu. Núi Cô nhỏ hơn Núi Cậu nhưng giống nhau ở chỗ có những hình em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Núi Cậu ngang tầm với Sữa Mẹ quanh năm suốt tháng rỏ xuống không ngừng.




Suối Yến.


Cùng một hàng dọc với Núi Cô, Núi Cậu và lui vào phía trong là Cây Bạc, Cây Vàng ngồn ngộn chất chứa những hình tròn như những đồng tiền vàng bạc lấp lánh. Vào trong góc động gần tận cùng sẽ thấy Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén… Toàn là những hình ảnh bằng nhũ đá. Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long.

Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc, không những trong chùa Hương mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng bằng đá, có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (tức là mũ Bồ Tát) nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống.

Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo bài ký khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm 1793.