Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Đức Phật dạy thế nào về một người bạn chân thật

Đức Phật dạy thế nào về một người bạn chân thật

328

Người bạn là bóng mát bên đường mà ta có thể nghỉ chân, là cốc nước trong lành giữa trưa hè oi bức, là chiếc dù che ta dưới cơn mưa và là chiếc áo ấm khi mỗi mùa đông đến.


Với giá trị tinh thần lớn lao đó, nên dân gian có câu ‘Ăn cơm có canh, tu hành có bạn’. Đây là câu nói đơn sơ, mộc mạc; thế nhưng, đầy đủ nghĩa tình. Không có canh, ăn cơm nghẹn lắm, khó nuốt làm sao; cũng vậy, con đường tu hành như thuyền chèo ngược nước, ai từng đi mới thấy cái khó của nó.


Cho nên, đi trên con đường đó, nếu không có người bạn song hành, chúng ta sẽ vất vả hơn nhiều. Vất vả không có nghĩa là không đến đích, cũng như không có canh không có nghĩa là không nuốt được mà là khó nuốt thôi.


Tuy nhiên, dù bạn là gì gì đi nữa thì mỗi chúng ta cũng phải tự nỗ lực một mình trên con đường đi tới, đó là con đường của độc cư thiền định, mà đức Phật đã từng dạy trong bài kinh cuối cùng trước khi nhập Niết bàn ‘Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi’.


Một con đường tự khám phá bản thân để tìm ra câu giải đáp cho cả vũ trụ nhân sinh. Đó là một con đường không phải giản đơn, mà mỗi người tự đối diện với chính tham ái và chấp thủ của tự thân, phủ nhận và không sống cùng với nó.


Trong cuộc sống thường nhật, việc chọn cho mình một người bạn tốt, một người bạn chân thật là điều quan trọng và cũng là cần thiết đối với mỗi một chúng ta. Dù bạn là tu sĩ hay không phải tu sĩ thì vẫn phải xem việc trui rèn nội tâm, sửa đổi tật xấu là điều cấp thiết. Khi nói đến tu, người ta thường chỉ nghĩ đến những người tu sĩ. Không, tất cả mọi người đều phải tu, vì tu là sửa, sửa đổi những thói hư tật xấu đó chính là tu.


Xã hội được cấu tạo từ những nhân tố bé nhỏ như chúng ta, nếu nhân tố đó thiếu tính thiện thì xã hội sẽ rơi vào đen tối, căng thẳng, và sẽ không bao giờ có hạnh phúc, an lạc.


Vậy thì thế nào là một người bạn tốt, một người bạn chân thật?


Ở đây, xin lược trích lời đức Phật dạy ở trong Trường Bộ, kinh Giáo thọ Thi ca la việt, số 31, về một mẫu người chân thật cần nên làm bạn . Đây là bài kinh được đức Phật dạy cho gia chủ Thi ca la việt tại Ràjagaha (Vương Xá thành):


Này Gia chủ tử, có bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật: Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật; người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật; người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật; người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật.


1. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là người bạn chân thật.


2. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật.


3. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chận bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.


4. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.


Bài kinh đã nêu ra bốn loại người bạn và được xem là người bạn chân thật. Mỗi loại người bạn như vậy bao gồm bốn trường hợp khác nhau để nói lên những đức tính cần thiết của mỗi loại người bạn. Sống với một trong bốn loại người bạn đó, chắc chắn chúng ta sẽ được lợi ích lớn, được hạnh phúc lớn và được an lạc lớn. Vấn đề hạnh phúc của tự thân và tha nhân luôn được xem là mục đích cuối cùng của cuộc sống.
 
Trong việc ‘chọn bạn mà chơi’, ai cũng mong muốn người bạn của mình là một người tốt, một người chân thật. Điều đó nói lên rằng, chúng ta là người yêu thích sự chân thật, yêu thích sự lành mạnh, yêu thích cái gì mang đến lợi ích lớn cho tự thân và tha nhân. Quen thân với bạn hiền thì như đi trong sương móc, tuy không ướt áo nhưng lúc nào cũng thấm đậm hơi sương, “Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”.


Ngược lại là một sự tối tăm, không bao giờ thấy được điều hay lẽ phải. Vì thế, ngài Quy Sơn dạy, đi xa thì phải nhờ bạn tốt để luôn lọc sạch tai mắt, trú ở thì phải chọn bạn hiền để nghe điều chưa nghe, “Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn”. Cho nên mới nói, sinh ra ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè, “sinh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu”.


Sự cần thiết của một người bạn trong cuộc sống chính là điều mà ai trong chúng ta cũng cảm thấy như vậy. Sự cần thiết của tâm hồn chính là điều mà chúng ta cần chứ không phải cần một người bạn thể xác. Khi người bạn đó trong trường hợp hội tụ đầy đủ những đức tính cần thiết trên thì có thể nâng cao lên thành Tri âm, tức là một sự hài hòa cảm thông lớn.


Tri âm có nghĩa là cùng hiểu nhau, cùng thông cảm nhau để hướng về cùng một hướng. Ở đây chữ Tri nói lên sự cần thiêt của trí tuệ trong bất cứ sự việc gì dù đó chỉ là một người bạn. Một người bạn như vậy thì đó thật sự là  một thiện hữu tri thức, là một pháp lữ quý kính trong cuộc sống hiện tại và mai sau.
 
“Bạn sẵn sàng giúp đỡ,
Bạn chung thủy khổ vui,
Bạn khuyến khích lợi ích,
Bạn có lòng thương tưởng.
Biết rõ bốn bạn này,
Người trí phục vụ họ,
Như mẹ  đối con ruột”.