Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ngọn tháp ở ngôi chùa cổ nhất Thủ đô

Ngọn tháp ở ngôi chùa cổ nhất Thủ đô

178

Đầu thế kỷ trước (1925), Viện Viễn Đông Bác cổ xếp ngôi chùa cổ nhất Hà Nội này vào nhóm 10 công trình lịch sử – văn hoá có giá trị trong toàn cõi Đông Dương. Theo các tài liệu nghiên cứu, chùa được xây từ trước khi ra đời kinh thành Thăng Long – vào thời Lý Nam Đế (544 – 548). Khi ấy chùa có tên là chùa Khai Quốc – mang ý nghĩa dấu mốc của kỷ nguyên độc lập – Nhà nước Vạn Xuân.


Theo thời gian, chùa nhiều lần đổi tên và chịu sự dịch dời địa điểm. Thế kỷ 15 gọi là chùa An Quốc. Thế kỷ 17 gọi là chùa Trấn Quốc. Thế kỷ 19 gọi là chùa Trấn Bắc… Từ thời Lê Trung Hưng, chùa yên vị trên bán đảo Kim Ngư (cá vàng) bên Hồ Tây và đến nay người dân vẫn quen gọi là chùa Trấn Quốc, trên nền cũ của cung Thuý Hoa đời Lý.


Là một ngôi chùa thiêng, lại gắn bó chặt chẽ tới sự thịnh suy của đất đế đô nên sau nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được nét tinh hoa của kiến trúc cổ truyền dân tộc, cũng là nơi lưu giữ được nhiều đồ thờ và các giá trị cổ quý giá… Duy có khác: xưa Phật tử phải đi thuyền để vào chùa lễ Phật – cảnh ấy đẹp và thanh tịnh thế nào chúng ta đều biết; Sau này đắp đê Cổ Ngự (khoảng thế kỷ 17, nay gọi là Cổ Ngư – đường Thanh Niên), người ta cho mở đường đất nối với bán đảo. Con đường nhỏ được lát gạch và trồng 2 hàng cau, tạo giữ được cảm giác nền nã thanh bình của làng quê thân quen…


Sống giữa đời thường ồn tạp, chỉ cần đặt chân tới đây, sẽ lập tức được đón nhận sự tinh khôi lạ thường và dễ dàng lấy lại sự quân bình tâm tính. Đặc điểm vốn có đó ở chốn thiền môn như được nhân lên bởi tầm mức cao thiêng của danh thắng Hồ Tây, từng nổi tiếng với những huyền tích kỳ bí.


Câu chuyện nhỏ mà tôi kể là về ngọn tháp nơi vườn chùa Trấn Quốc, do Hoà thượng Kim Cương Tử trụ trì và hưng công xây dựng vào đầu thế kỷ XXI. Cụ là một bậc danh tu, giữ ngôi vị cao trong hàng chức sắc Phật giáo và liên tục nhiều năm là đại biểu Quốc hội.


Khi tháp vút lên, có dư luận: cụ xây tháp là để sau này viên tịch sẽ di chúc đưa xá lỵ của mình vào đó, như các thế hệ chân tu tiền bối thường làm. Đã có lúc cơ quan hữu trách có ý dỡ phá. Chỉ có những người tâm phúc mới thấu hiểu và trân trọng việc làm của cụ.


Thì ra, cuối đời thấy cảnh xâm lấn – nhất là các công trình to nặng cứ như đè dí và nuốt chửng Hồ Tây (mà ngoài nhà dân là các khách sạn, nhà hàng cuốn hút thói hưởng thụ…), cụ hiểu và làm việc cần làm để đăng đối và góp phần yên định đất vùng hồ thiêng của đế đô muôn đời.


Ít lâu sau thì Hoà thượng viên tịch. Giờ thì ngọn tháp chùa Trấn Quốc – giữ nước, giữ “Thăng Long phi chiến địa” còn đó, góp một dấu tích Phật giáo thế kỷ chúng ta vào số những công trình quý hiếm trong lịch sử như tháp Hoà Phong (chùa Dâu hơn 2.000 năm), tháp Bình Sơn thời Lý, tháp Cổ Lễ thời Trần…


Và tôi ghi lại câu chuyện này – như một nén hương nhỏ kính tưởng một đấng danh tu bên thềm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội./.