Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1997.
Dựa lưng vào núi Bái Đính, nhìn ra thung lũng chùa rộng khoảng 3 ha, Khu chùa Bái Đính mới đang được Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Xuân Trường đầu tư và thi công với quy mô hoành tráng trên diện tích 107 ha với nhiều công trình kiến trúc to lớn đạt kỷ lục quốc gia. Khu chùa nằm trong tổng thể dự án xây dựng Trung tâm du lịch văn hóa Tràng An rộng gần 2.000 ha do ông Nguyễn Xuân Trường làm chủ đầu tư.
Ngôi điện thờ Tam Thế Phật là công trình kiến trúc lớn đã được khánh thành vào ngày 17-5-2008. Trong buổi đại lễ khánh thành chùa giai đoạn 1, chùa vinh dự được đón tiếp nhiều đoàn đại biểu Phật giáo Quốc tế và đoàn đại biểu Phật giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước (đến Hà Nội dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008) đến viếng chùa, lễ Phật, trồng cây Bồ đề (được đem về từ Ấn Độ) lưu niệm và dùng tiệc chay. Ngôi đại điện có 2 tầng với 12 mái. Tầng trên thờ Phật, bộ tượng Tam Thế Phật bằng đồng đúc nguyên khối, mỗi tượng có trọng lượng khoảng 50 tấn, được tôn trí trang nghiêm.
Dưới chân núi, giếng Ngọc có nước màu xanh ngọc, đã được tôn tạo và mở rộng năm 2006 với chu vi 97,3m, đường kính 30m, sâu 10m. Tương truyền ngày xưa, Thiền sư Nguyễn Minh Không thường lấy nước ở đây để sắc thuốc trị bệnh cho dân.
Một số công trình lớn đang xây dựng, chưa khánh thành là :
Ngôi điện Thích Ca hay điện Pháp Chủ là ngôi điện lớn 8 mái tôn thở tượng đức Phật Thich Ca bằng đồng đúc nguyên khối có trọng lượng 100 tấn, cao 10m, được Công ty trách nhiệm hữu hạn thủ công mỹ nghệ Đoàn Kết do nghệ nhân chính Nguyễn Trọng Hạnh đúc thành công ở Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định.
Tháp chuông bát giác 3 tầng 24 mái treo quả đại hồng chung nặng 36 tấn đồng, cao 5,40m, đường kính 3,45m do nghệ nhân Nguyễn Văn Sính ở phường Phường Đúc, thành phố Huế thực hiện. Ông Sính đã đúc thành công 2 đại hồng chung lớn nhất nước (27 tấn và 36 tấn) cho chùa Bái Đính, phá kỷ lục đại hồng chung chùa Cổ Lễ nặng 9 tấn.
Điện thờ và tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Điện được xây bằng những cột gỗ lim lớn, tượng Bồ tát Quán Thế Âm được đúc bằng đồng.
Tam quan nội được dựng bằng gỗ, khu nhà Tăng, hành lang La Hán, hồ bán nguyệt …
Bộ tượng 500 vị La Hán bằng đá do các nghệ nhân làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) thực hiện tại xưởng đá của nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn hơn 3 năm qua.
Ghi nhận các thành quả đã đạt được trong 2 năm 2006 và 2007, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập 4 kỷ lục chùa Bái Đính :
1. Pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam (xác lập kỷ lục ngày 04-5-2006).
2. Bộ tượng Tam Thế Phật bằng đồng lớn nhất Việt Nam (xác lập kỷ lục ngày 12-12-2007).
3. Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam (xác lập kỷ lục ngày 12-12-2007).
4. Giếng nước lớn nhất Việt Nam (xác lập kỷ lục ngày 12-12-2007).
Ngôi phạm vũ lớn nhất Việt Nam đang xây dựng giai đoạn 2.
Nhiều công trình kế tiếp sẽ được xác lập kỷ lục hoặc phá kỷ lục Phật giáo Việt Nam. Rất mong chùa có một số công trình được ghi vào sách Guinness thế giới.
Hằng ngày, các đoàn chư vị Tôn đức, Tăng, Ni, Phật tử và du khách gần xa không ngớt đến lễ Phật, viếng chùa, chiêm bái những công trình kiến trúc, điêu khắc và cảnh quan lớn đẹp của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XXI.
Chùa sẽ tổ chức đại lễ khánh thành vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ ban chiếu Thiên Đô và quyết định chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Mô hình chùa Bái Đính
Các công trình đang xây dựng (ảnh chụp tháng 5-2008)
Ngôi điện Tam Thế Phật
Tượng Tam Thế Phật
Tượng đức Phật Thích Ca ở điện Tam Thế Phật
Khóa lễ cầu an trong ngày khánh thành chùa
Đại hồng chung trong điện Tam Thế Phật
Đại hồng chung
Văn khắc trên đại hồng chung
Tượng các vị La hán
Giếng ngọc
Mặt chính Điện Tam Thế Phật
Lễ đài Đại lễ khánh thành chùa giai đoạn I
Múa rồng chào mừng Đại lễ khánh thành chùa
Bà Phạm Thị Lan, đại diện Công ty xây dựng Xuân Trường nhận cúp và giấy chứng nhận kỷ lục Phật giáo Việt Nam
Ảnh tư liệu của Công ty xây dựng Xuân Trường
Bài và ảnh: Võ Văn Tường