Trang chủ Tết Việt Phong tục Tết xưa trong tranh Đông Hồ, Hàng Trống

Tết xưa trong tranh Đông Hồ, Hàng Trống

60

Cái rộn ràng của những bức múa rồng, tưng bừng của những bức múa Lân, trên nền điệp, giấy điều, như vang vọng một câu ca dao nhà nào còn đèn còn lửa/ mở cửa tôi vào/ bước lên gò cao có con rồng ấp/ bước xuống gò thấp/ có con rồng chầu/ bước ra đàng sau có nhà ngói lợp” của một trò chơi dân gian trong dịp Tết.

Tranh dân gian có thể chơi, treo quanh năm, nhưng có lẽ nó vẫn được thịnh hành nhất trong dịp Tết, khi người ta có một khoảng thời gian dài rộng nhất để thư giãn, để chiêm nghiệm cũng như để thưởng ngoạn. Đề tài về Tết trên các tác phẩm  tranh Đông hồ, Hàng trống là phong phú nhất.








Múa rồng.


Không phải là sự minh họa về ngày Tết, mà các tranh dân gian này là sự gửi gắm, là lời chúc phúc những gì tốt đẹp nhất cho một năm mới một năm phát tài phát lộc. Bằng những hình ảnh biểu tượng rất dân giã gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn. Như Tiến Tài, Tiến Lộc, luôn được người dán ở cổng để mời gọi thần tài đến nhà. Bộ tranh Phúc – Thọ với câu chúc “Phúc Như Đông Hải” và “Thọ Tỷ Nam Sơn”, là những chữ được viết lấy hình sau đó trong các chữ lại được minh hoạ cho nội dung câu chúc.

Đây cũng là cách thức chơi thư họa đồng nguyên của người Việt. Nhiều bức chữ Phúc được khắc vẽ một cách rất cầu kỳ có tới 24 hình ảnh về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, hay trong chữ Thọ có vẽ tới 28 chòm sao. Những bộ tứ bình như Xuân Hạ Thu Đông, hay bốn cô tố nữ, chơi đàn sênh, sáo, nhị lại là một nét tao nhã khác của những bức tranh Tết. Chúng kết hợp với thú chơi cây cảnh, chơi hoa, khiến không gian ngày tết có nét đặc biệt sang trọng khác thường ngày.








Lý ngư vọng nguyệt.


Tuy nhiên, chơi tranh Tết không chỉ là mang niềm vui cho cả năm, mà người Việt chơi tranh còn gửi vào đó những triết lý tế nhị. Tranh Lý ngư vọng nguyệt là một ví dụ điển hình về cái triết lý âm dương. Nó được thể hiện ngay trong cái uốn mình của con cá tạo thành hình lưỡng cực chữ S. Con cá trông trăng ở đây không phải là trông khuôn trăng hiện trên trời, mà là ánh trăng in dưới nước. Sự đối nhau của hai cái vòng tròn đầy ẩn ý này đã kiến tạo nên hai cái nhân của đồ hình lưỡng cực, tức trong âm có dương, trong dương có âm. Cái màu xanh mát mắt, cái hình con cá bơi uyển chuyển có lẽ chỉ là cái cớ để chuyển tải cảm xúc về thiên nhiên, mà cái ý nghĩa về sự hòa hợp âm dương mới là cái ẩn tàng mà người xưa muốn gửi gắm. Nó cũng mang lời chúc cho một mùa xuân mới hòa hợp thịnh vượng.








Phú quý.


Nếu văn hóa Trung Hoa đề cao chữ hơn tranh, thì tranh Tết Việt Nam cái giản dị hồn hậu chính là biểu tượng của hình ảnh. Hình ảnh mới làm nên cái thần hồn của những câu chúc năm mới. Những đứa trẻ bụ bẫm trong bộ đôi tranh Vinh hoa, Phú quý hay lợn đàn, gà đàn. Các dòng chữ Hán xuất hiện trên tranh nhiều khi chỉ mang tính điểm xuyết cho bố cục hay tiêu đề bức tranh. Tuy nhiên cái tiêu đề đó cũng được người Việt diễn “Nôm” cho dễ hiểu dễ nhớ, như Vinh hoa, Phú quí được gọi là em bé ôm con gà, ôm vịt, vừa gần gũi mà cũng rất dễ hình dung. Mặc dầu các tác phẩm này mượn tứ từ các tác phẩm tranh dân gian Trung Quốc, nhưng trên đó người ta vẫn nhận ra cái tâm hồn của người Việt, rất trong trẻo, thuần khiết. Con gà là biểu tượng cho lòng dũng cảm và năm đức tính quí của con người, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, Con Vịt biểu tượng cho sự sung túc ấm no.








Vinh hoa.


Ngoài bộ tranh Vinh Hoa, Phú quý, còn là bộ đôi tranh Nhân nghĩa là em bé ôm con cóc, và Lễ trí là bé gái ôm con rùa. Đây là những tác phẩm hoàn toàn do người Việt nam sáng tạo nên. Con cóc trong dân gian là con vật nhỏ bé nhưng dũng cảm, nhân nghĩa và tinh khôn, biểu lộ trong cổ tích “con cóc là cậu ông Giời”. Nên bé trai ôm cóc chính là ôm cái chí khí của cóc, cái nhân nghĩa của cóc, cái gan dạ của cóc. Đồng thời người ta cũng muốn gửi gắm niềm mong ước đứa trẻ lớn lên có được các đức tính tốt đẹp đó. Còn con rùa là biểu tượng sống lâu, cao quí bền vững, nó cũng là con vật nằm trong tứ linh Long – Ly –Quy – Phượng. Hình tượng bé ôm rùa là hình tượng mong gìn giữ một giá trị tường tồn: Lễ – Trí.


Cái tết trên tranh tết, không những được thể hiện trên các đề tài của các tờ tranh mà còn thể hiện chính trong các màu sắc của tranh. Như sắc đỏ của son hay chu sa, trên các tranh gà lợn, được coi như điềm may mắn của người Việt. Cái sắc đỏ, sắc tía, trên cái nền điệp óng ánh dường như xua đi cái giá lạnh của mùa đông. Từ cái sắc đỏ trên những tờ tranh đến sắc hồng trên những bông hoa đào, sắc đỏ trên những đôi câu đối, khiến cho cảm giác Tết trở nên rộn ràng.








Nhân nghĩa.


Ngoài ra cái đậm đà của những nét đen, rực của vàng hoa hòe, thẫm của màu lục từ lá chàm, trắng lấy từ vỏ điệp… tuy đơn sắc nhưng khi được in chồng nhiều lớp lên nhau lại tạo nên những hiệu ứng khác, không chói lói mà đầm ấm vui tươi, như cái không khí của Tết vậy. Màu sắc này ngoài giá trị tạo ra những sắc thái hòa hợp tươi mới, mà nó còn là năm sắc của ngũ hành, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đầu xuân cũng là thời điểm khởi phát của những nhân tố này, nên sự hòa hợp của chúng trên những tờ tranh dán trên vách cũng khiến gia chủ nhận thêm vào nhà cái không khí bừng khởi của đất trời sang xuân.


Làng Hồ mặc dầu không bán được tranh nhộn nhịp như xưa kia vào những dịp xuân sang tết đến, mà họ túc tắc bán tranh quanh năm cho những du khách về thăm làng. Nghệ nhân Hàng trống chỉ còn duy nhất một hậu duệ biết làm tranh là ông Lê Đình Nghiêm. Và mặc dầu trong những năm gần đây thú chơi tranh Tết của người Việt không còn thuần nhất như cái Tết cổ truyền xa xưa. Các tranh in sẵn của Trung Quốc  thay thế cho Vinh Hoa, Phú quý bằng những tranh em bé ôm thỏi vàng, Lý Ngư Vọng Nguyệt là tranh cá, tranh rồng chế tác bằng vi tính rất hào nhoáng.

Tuy nhiên đối với những người sành chơi, thì các tranh dân gian Việt Nam vẫn là những tác phẩm vừa giản dị, mà lại mang những nét đẹp tinh tế. Việc đóng khung tre cho những bức tranh dân gian Đông Hồ là một cách thức mới để họ có thể tìm được sự hoà hợp giữa cái truyền thống và khung cảnh của một phòng khách hiện đại. Nó cho thấy cái chân giá trị, cái tinh cái quí sẽ vẫn luôn được bảo tồn như thể truyền thống luôn chảy trong huyết quản của mỗi con người Việt Nam.