Trang chủ Quốc tế Những giờ đầu tiên của năm Kỷ Sửu tại San Jose, California

Những giờ đầu tiên của năm Kỷ Sửu tại San Jose, California

62

Cộng đồng người Việt ít đốt pháo hơn mọi năm…


Không chỉ đêm giao thừa năm nay ít nghe tiếng pháo, mà ngày 30 Tết cũng vắng tiếng pháo, so với mọi năm…


Có thể kinh tế tồi tệ, lòng người buồn và lo, hay cũng có thể tâm lý tiết kiệm,… đã làm tiếng pháo “bị lép” trong những ngày tháng đầu tết năm nay tại San Jose.


Cũng có nghe tiếng pháo, thế nhưng, lẻ tẻ, thiếu hẳn sinh khí như ngày Tết của mấy năm trước, thời kinh tế hưng thịnh.


Như đã hẹn trước, Nguyên Vinh Nguyễn Ngọc Mùi, Thái Phạm, Nguyễn Hồng Dũng, Nguyễn Xuân Nam,… đã có mặt tại chùa Đức Viên vào lúc 11:30 tối để chuẩn bị đón giao thừa và làm phóng sự giao thừa.


Chùa Đức Viên rất rộng, nhưng cũng chật cứng người du xuân, hái lộc. So với nhiều năm trước, cũng chật cả người ấy, nhưng không đến mức chật cứng người như vài năm trước. Điều ngạc nhiên là gần như hầu hết người đi chùa lễ Phật đêm nay tại Đức Viên là giới trẻ, khiến nhiều anh chị em ký giả gọi chùa Đức Viên là chùa Trẻ, chùa của giới trẻ. Tuổi trẻ đi lễ thật đông, tuổi trẻ nghe sư cô thuyết pháp đầu năm, tuổi trẻ đốt pháo mừng xuân, và tuổi trẻ xin xâm,…


Năm nay, người ngoại quốc đi lễ giao thừa tại chùa Đức Viên khá nhiều. Phần lớn họ là những con rễ của cộng đồng Việt Nam. Họ theo “người tình” Việt, “vợ” Việt đi lễ chùa vào lúc giao thừa… Họ cũng lạy, cũng lễ,… thật nghiêm trang. Tình yêu đã đưa họ đến những mái chùa Việt, và từ đó họ khám phá thêm một thế giới đông phương còn xa lạ.


Có một nhóm sinh viên Việt và Mỹ từ Stanford kéo xuống đi lễ đầu năm… Trong đó vó một số người Mỹ, và một số du học sinh đến từ miền Bắc Việt Nam. Họ nói với nhau theo âm giọng Hà Nội bây giờ, và gây mọi người sự chú ý. Cả nhóm họ cùng mua bún chay và ngồi ăn uống thật ngon lành. Tôi tiến đến một cô sinh viên Mỹ và hỏi:


– Cô thấy Tết của người Việt ra sao?


Cô ta trả lời ngay bằng tiếng Mỹ:


– Lạ lắm và thú vị lắm.


Nhìn các bạn ngoại quốc trẻ mặc áo dài Việt, đi chùa, ăn chay và lễ Phật, tôi cảm thấy một cảm giác thật lạ chạy qua tâm trí của tôi: Thế giới này giao thoa tinh thần và niềm tin mạnh quá, rồi không biết ngày mai sẽ như thế nào?


Đức Viên vì thế ngày càng trở thành chùa Trẻ, vì sức thu hút tuổi trẻ và người ngoại quốc của ngôi chùa này…


Trước giờ giao thừa, sư “già” Đàm Nhật thuyết pháp, khuyên Phật tử giữ gìn lòng từ bi, sống đạo, và tin vào nhân quả… Sư cô kết thúc thời thuyết pháp ngay trước giao thừa, và bên ngoài chánh điện không khí đón giao thừa bắt đầu tưng bừng….


Điều đáng lưu ý nữa là năm nay khu hàng ăn và khu hàng “bán” lộc đầu xuân của chùa Đức Viên quá đông người đến độ mà nhóm chúng tôi phải sắp hàng chờ đến tới 30 phút mới mua được tô bún chay, mà nhìn vào tô là bún và một vài đậu hủ với giá 6 Mỹ kim/tô…. Hơi bị “cao giá” chứ nhỉ.


Thật đông người sắp hàng chờ xin xâm. Nhiều người muốn xem quẻ xâm đầu năm của mình. Tôi cũng đứng vào sắp hàng xin cho mình và cho người bạn quẻ xâm. Xin xâm xong, ra tủ sách một bên lấy lời giải và rồi bình đoán cuộc đời theo quẻ xâm. Một số cô thanh niên theo mẹ đi chùa, cũng tập tành khan vái, xin xâm, và đoán chuyện dữ lành, tình duyên gia đạo,…


Gần 2 giờ sáng, sân chùa vắng khách dần dần…


Tôi lái xe ra về, và con đường khuya vắng lặng…


Một năm mới đang đến, tôi cũng tự hỏi mình: Mình mong chờ điều gì trong năm nay?


Và chiếc tay tôi bấm nhẹ các con số trên chiếc phone, và bên kia đầu dây là tiếng mẹ hiền từ Việt Nam,… Có lẽ, điều tôi mong ước đầu tiên chính là sức khoẻ của mẹ,…


Tôi khẽ nói: Chúc mừng năm mới và bước vào nhà đánh một giấc ngủ an lành.






Hai hoa hậu đi lễ chùa đầu năm


Ngoại quốc cũng khấn nguyện














“Sư già” mà chưa già Đàm Nhật


Đốt pháo