Tết Kỷ Sửu 2009, đây là cái Tết đầu tiên tôi đón giao thừa ở một nơi rất xa quê hương. Chắc giờ này ở quê mình vui lắm? Đứng giữa phố xá tấp nập trên đất Sydney mà tôi mường tượng cảnh Sài Gòn đang “yểu điệu” đón xuân với không khí lạnh đặc trưng, với đường hoa Nguyễn Huệ hay những lễ hội dân gian rất riêng của miền Nam…
Khi những cánh hoa đào miền Bắc nở rộ, xen lẫn một màu vàng quyến rũ của nhành mai miền Nam, thì những người con xa quê lại thổn thức nỗi nhớ nhà đến da diết khôn nguôi. Những hoài niệm về một Tết xưa bỗng chốc lại òa về như mới ngày nào… Có lẽ từ nhỏ tôi đã gắn bó với vùng quê yên ả nên không thể nào quên được cái không khí của những ngày cuối tháng Chạp. Hàng xóm láng giềng phụ giúp nhau để cùng đón năm mới. Những ngày giáp Tết tôi lại chạy qua nhà bà Sáu bắt nồi nước “tổ chảng” để nấu bánh tét rồi cùng mấy đứa bạn thân (từ thuở tắm mưa chạy rong ngoài đường) ra sau vườn nhà hái lá chuối để cô Ba gói bánh chưng…
Năm nào cũng vậy, sáng sớm mùng Một “diện” đồ đẹp để đi đến chùa mừng tuổi Sư phụ, được Người ban cho những lời Pháp đầu năm thật nhẹ nhàng, mỗi lúc như thế lòng tôi lại càng có niềm tin vào cuộc sống và trên con đường tu học. Còn năm nay tôi lặng lẽ đến chùa ở gần chỗ trọ học để thắp hương lễ Phật và thầm nguyện cầu năm mới an lành…
Bây giờ, tôi thèm hương vị Tết quê lắm, Tết năm nào tôi cũng được má nấu cho ăn những món thật ngon và đều là những món đặc trưng của ngày Tết, ăn muốn “ngán cổ họng”… Nhưng Tết năm nay dù có muốn “ngán” cũng không được nữa…
Trong những ngày này, ở phương xa, tôi chỉ có thể cảm nhận bằng ký ức rằng hơi thở của mùa xuân đang ùa vào từng mái nhà, làm rộn ràng từng con đường, góc phố. Vào thời khắc giao hòa giữa đất trời thiêng liêng trong đêm giao thừa, ai ai cũng muốn về đoàn tụ bên gia đình và người mình yêu. Mùa xuân đã gắn kết những yêu thương và để lại trong ta những kỷ niệm không thể phai nhòa. Một du học sinh khi vừa xa quê hương như tôi sẽ nghĩ đến những người thân yêu và gắn bó vào lúc này nhất.
Ba má hẳn sẽ tôi nhiều trong mùa xuân này vì tôi ở xa không thể về đoàn tụ trong ngày xuân. Còn tôi – đứa con phương xa cũng đang nghe lòng rộn nhớ Tết quê nhà. Nhớ những chiều 30 Tết hồi họp chờ thời khắc giao thừa được nhận tiền lì xì, chúc Tết cho nhau…
Xuân này tôi còn có một nỗi nhớ khác, xa em – người mà tôi ao ước sẽ cùng em đi hết cuộc đời. Tết, tôi lại nguyện cầu cho tôi và em giữ gìn tình cảm của hai đứa để đến một ngày tôi sẽ về bên em. Lúc đó chúng ta sẽ cùng đón những giọt nắng xuân tươi mới, không muộn màng và chưa bao giờ tắt trong tôi…
Tác giả bài viết với nỗi hoài cảm tết quê tại xứ người
Trịnh Xuân Phúc (Đại học Curtin – Australia)