Trang chủ Tết Việt Phong tục Ngày xuân nói chuyện thú chơi đối

Ngày xuân nói chuyện thú chơi đối

67



Đó là hai câu thơ mang hương vị ngày Tết cổ truyền Việt Nam, cũng là một cặp đối rất hay mà mỗi dịp xuân về, khi đọc lại mỗi người Việt Nam, dù ở đâu cũng đều lâng lâng một niềm hoài cổ. Đối Tết là một thú chơi chữ thâm sâu, nho nhã, đậm chất dân tộc Việt.

Chơi chữ hay trò chơi ngôn ngữ được những người có tư duy phong phú, nhạy bén ưa dùng bởi ngôn ngữ vốn là hình thức của tư duy.

Nghệ thuật đối có nguồn gốc văn hóa Trung Hoa truyền sang văn hóa Việt, cũng có nghiên cứu cho rằng người Bách Việt xưa, tổ tiên của người Việt hiện đại đã có tục thờ cúng xua đuổi ma quỷ bằng hai câu bùa chú trước cổng nhà, sau đổi bằng câu đối đỏ để nói lên ước nguyện của mình.

Chơi đối cũng có luật của đối, đó là đối chỉnh, đối cân biểu hiện dưới hình thức đối ý, đối chữ.

Đối ý là đối gồm hai câu có ý cân nhau, sóng đôi nhau.

“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt

Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng”

(Tú Xương)

Đối chữ là đối thanh và đối từ. Âm bằng đối với âm trắc.

Danh từ đối với danh từ. Từ riêng đối với từ riêng.

“Áo đỏ lấm phân trâu

Lọng xanh che dái ngựa”

“Ba vạn anh hùng đè xuống đất

Chín ngàn thiên tử đội trên đầu”

Câu đối ít hơn bốn chữ là tiểu đối: Mày ăn dân/ Dân ăn mày

(Hữu Loan)

Đối được dùng phổ biến trong thơ phú, văn tế, lễ tết, chúc mừng, phúng điếu…

Nguyễn Công Trứ có một cặp đối nói về tình cảnh người nghèo đón Tết rất đặc sắc: “Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa

Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”

Trong thơ Đường tám câu thì bốn câu giữa bao giờ cũng là hai cặp đối.


Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia


(Bà Huyện Thanh Quan)

Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu viết hai câu đối rất cảm động:

Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng

Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ

Đối trào phúng được sử dụng phổ biến hơn cả, có lẽ vì tính hài phong phú của ngôn ngữ.

“Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới

Sáng mồng một lỏng theo tạo hoa, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào”

Đây là cặp đối của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thanh mà tục, tục mà thanh, càng đọc càng thấm, gây cười thầm, đó là cảm xúc thẩm mỹ tuyệt vời.

“Hối lộ, lộ rồi không kịp hối

Tham ô, ô hết có còn tham”

Hoặc nói láy:

“Chả lo gì chỉ lo già

Nỏ cần chi, chỉ cần no”

(Vương Trọng)

“Công an can ông đừng uống rượu

Chủ báo bảo chú chớ ăn chè”

“Ngậm tiền thì hám

Ngậm hàm thì tiến”

(Phạm Xuân Phụng)

Độc đáo hơn, có:

Luồn lót lên lương, lỗi lầm lấp liếm, luật lệ làm lơ, lũ lọc lừa luôn lẩn lút

Phe phẩy phè phỡn, phân phối phập phù, phạm pháp phỡn phơ, phường phản phúc phải phanh phui”

(Đàm Tiếu)

Để đáp lại ý của người đối trọng, các danh nhân, chí sĩ thường dùng câu đối. Xưa kia Đặng Trần Thường (cận thần Nguyễn Ánh) dùng đối để khiêu khích cận thần Nguyễn Huệ: Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần gian ai dễ biết ai và đã được Ngô Thì Nhậm ứng đáp: Thế chiến quốc, thế xuân thu, tại thời thế, thế thời phải thế. Câu ứng đáp thật tuyệt vời.

Người xưa nói “Xuất đối dĩ, đối đối nan” (ra đối thì dễ, đối lại mới khó). Trong lịch sử, có nhiều giai thoại người ta dùng đối để thử tài nhau. Từ đó, có những câu thách đối rất hay cho tới nay chưa có câu đối lại hoặc có nhưng không chỉnh.

“Da trắng vỗ bì bạch”. Được đối lại: “Rừng sâu mưa lâm thâm, trời xanh màu thiên thanh, tay sơ sờ tí ti”… Các câu ứng đối xét về đối từ có thể chấp nhận nhưng về đối ý qua tượng hình, tượng thanh và tục thì không đáp ưng được câu thách đối trên. “Hiệu thuốc Bắc có Nam, có Bắc, khách Đông, Tây, Nam, Bắc đến hàng đông”. Vế thách đối khó ở chỗ có đủ phương hướng, loại thuốc và cả sự nhộn nhịp.

Khi giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng đường không và biệt kích, trên Báo CAND có ra vế thách đối rất hay: “Người nhái bơi ếch vào bắt cóc, cóc bắt được ai, bị trói bén, ngồi trơ mắt ếch”. Với bốn từ nhái, ếch, cóc, bén được sử dụng theo nhiều ý nghĩa khác nhau, đọc lên thật sảng khoái.

Để phê phán hiện tượng con phe trong kinh doanh thời bao cấp, có câu “Phi pháp phi phong, phe phẩy phố phường phô phế phẩm”. Vế thách đối toàn từ có âm “ph”.

Một vế thách đối khác có ý nghĩa động viên CBCS CAND: “Công tác Công an phải vì công lý, giữ vững công tâm, có thế mới được công chúng tuyên dương công trạng”.

Rất nhiều câu thách đối không có câu ứng đối.

Tôi có một anh bạn tuổi ngoại ngũ tuần, một thời anh đã từng là chiến sĩ công an, kể cho tôi nghe một câu chuyện lý thú về thách đối xảy ra ở Bến Tre vào thập niên 80, lúc đất nước còn vô vàn khó khăn… Hồi ấy, gần dốc cầu nhà thương thị xã Bến Tre có một ngôi biệt thự cổ của đôi vợ chồng già, người dân ở đây quen gọi ông bà là bác Ba Râu. Không có con cháu cận kề, để bù đắp sự thiếu vắng, hai ông bà mở quán bán cà phê, đồ nhậu và cho một số trí thức người TPHCM về Bến Tre công tác ở trọ miễn phí. Ông Ba là dân chơi tài tử nhạc, thơ. Hai ông bà có đặc điểm ghiền đánh bài tứ sắc nên thường bắt anh em ở nhờ thức đêm hầu bài ông bà có khi suốt sáng. Vì nể tình, anh em phân công nhau ráng chiều ông bà nhưng ai nấy đều oải. Chịu không xuể, anh em cầu cứu đến bạn tôi. Lúc đó bạn tôi chưa đầy ba mươi nhưng là mọt sách nên tính tình như cụ non, với vốn thi phú lận lưng, chẳng mấy chốc anh đã thâm nhập và chơi thân với gia chủ. Tết năm 1981, nhân mọi người quây quần nói chuyện thi, đối, bạn tôi ra một vế thách đối nếu ai đối được thì có quà, nếu không đối được thì không được thức đêm chơi bài hại sức khỏe. Vế rằng “Canh bạc trắng canh thâu, thua trắng chiếu, mắt trắng đờ, họa đến bất ngờ, tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã trắng cờ, thất trắng”. Sau đó hiện tượng thức khuya trong ngôi biệt thự không còn nữa.


Tết năm đó bạn tôi đề tặng ông bà Ba một cặp đối để gọi là…


“Quán mến khách mừng xuân, mừng khách đến

Người yêu thơ đón tết, đón thơ về”

Xem xong bác Ba thích thú, gật gù rồi dõng dạc tuyên bố phải dán cặp đối trước cổng nhà và sai kỹ sư Thành (về sau trở thành giám đốc Công ty Thủy sản Đồng Tháp) ra chợ mua ngay giấy đỏ nhũ vàng viết chữ to trân trọng dán lên cho ông. Bất ngờ hơn, gia chủ còn tuyên bố “Từ nay tác giả của cặp đối này được đặc ân ghé quán ăn uống miễn phí bất cứ lúc nào”.

Trong nghệ thuật đối không chỉ có sự thâm thúy như mấy cụ đồ nho xưa mà còn có tính cách, có tình người và sự hào sảng đậm chất Nam Bộ. Nét văn hóa đối có sức lan tỏa và phát triển trong cuộc hành trình về phương Nam của cha ông ta mang một sắc thái riêng rất phong phú.

“Người khoe vui, hoa khoe sắc, thêm sắc, thêm vui, phố phường đón tết

Đất sinh lộc, nước sinh tài, phát tài, phát lộc, làng xóm mừng xuân”.