Là một người con Phật mà là một người xuất thân từ nông thôn nghèo, nơi mà bây giờ cha mẹ vẫn lo toan vất vã với ruộng đồng mưa nắng thất thường, trong tâm niệm là phải làm một điều gì đó, phải về thăm để tận mắt thấy được sự lo toan, cực khổ của bà con trong những ngày cuối năm này mà tu.
Nhưng mãi đến ngày 25 Tết tôi mới rảnh rỗi để thực hiện tâm niệm bằng một chuyến đi.
Nhưng cũng thật may là đến ngày hai mươi lăm Tết thì trời nắng rất đẹp trong khi mọi người ở thành phố Huế đang từng giờ, từng phút từng dòng người xe cộ ngược xuôi tất bật, náo nức trên các nẻo đường, người thì đi chợ hoa, chọn một vài chậu hoa ứng ý về để trưng trong nhà ba ngày Tết cho vui cửa tươi nhà, cũng có người thì mua sắm rượu bia, bánh trái, mứt, hạt dưa…về trữ trong nhà chuẩn bị đón Xuân thết đãi bạn đãi bè mà cũng để đám trẻ có cái để khoe với chúng bạn.
Nhìn cảnh mọi người tại thành phố Huế đang nô nức chuẩn bị mãi rồi tôi cũng vui vui nhìn những đoá hoa xuân đua nhau khoe sắc khoe hương tôi chợt nhận ra một điều: À thì ra “làm gì thì làm, chứ Tết vẫn có hoa” nhiều nguồn thông tin trước Tết rằng nhiều làng trồng hoa thất bát, hư hại…nhưng bây giờ trước công viên Phu Văn Lâu hoa vẫn đầy tràn và thậm chí còn phong phú hơn các năm trước về chủng loại cũng như số lượng.
Nhìn cảnh ấy ai dám nói rằng năm nay do ảnh hưởng thiên tai, kinh tế mà Tết Huế bớt vui. Quả đúng là người Huế, thâm trầm kín đáo đến khó hiểu. Nghèo thì nghèo thật nhưng mỗi năm Tết đến cũng phải mua mua sắm sắm cho có cái không khí Tết với chòm xóm.
“Đi chợ Tết” do đó mà đã trở thành sở thích của người Huế nói chung và những người nội trợ nói riêng, mọi người ra đường đều hỏi nhau đã mua thứ này chưa, đã sắm thứ nọ chưa…một không khí rạo rực của những buổi “chợ Tết” vui rất khác thường.
Từ thành phố của hoa, của sự rộn ràng đón Tết tôi miên man suy nghĩ đến vùng quê Quảng Điền, trên những cánh đồng tôi thấy trắng người già trẻ gái trai cũng rất “tấp nập” mọi người ai ai cũng luôn tay luôn chân; người thì cuốc, người thì cào bùn văng tung toé vương đầy mặt mày, những mãnh ruộng làm vội làm vàng rồi cấy, rồi gieo cho kịp thời vụ, “kịp Tết”.
Những chiếc máy cày nổ ì ạch giữa cánh đồng, tiếng nổ như đang văn xin cầu cứu một điều gì đó cuối năm chứ không như tiếng của từng đoàn xe hơi, xe gắn máy hạng sang được những con người ăn mặc những bộ quần áo đắt tiền lướt nhanh trên các đường phố.
Tôi dừng lại và hỏi thăm tình hình chuẩn bị Tết dứt thế nào, một bác nông dân khuôn mặt hao gầy khắc khổ nhìn tôi nói “Chao ơi là Tết! ai vui đâu không biết chớ bà con nông dân tụi tui cực lắm, ngó đây, đã 25, 26 Tết rồi mà còn cả mẫu ruộng chưa gieo, cùng vài trào đất khô chưa đụng đến, đói thì không chứ tiền để mua sắm thì…thôi đành đợi Tết khác”.
Ngậm ngùi bước đi mà lòng thì trĩu nặng, bởi chính mẹ cha mình cũng là nông dân, giờ nầy chắc cũng đang túi mắt túi mũi với ruộng đồng, thửa đàng chi Tết với dứt. Chạnh lòng, xách điện thoại hỏi thăm thì chẳng ai bắt máy cả, buồn và lo quá, tự trấn an mình rằng “chắc là mọi người đã ra đồng hết cả rồi!”.
Biết rằng cuối cùng rồi thì ai cũng được “ăn Tết” ai cũng được đón xuân nhưng có người thì “ăn Tết” no đủ sung sướng áo quần tươm tất, nhưng nhìn cảnh trong khi người dân thành phố đang rộn ràng với hội hoa xuân với đi chợ Tết mua mua sắm sắm mà thương quá những người nông dân đang từng ngày vật lộn với ruộng nương trong những ngày cuối năm này và nhớ quá mẹ cha nơi quê nghèo lo toan cái ăn chỗ ở quanh năm chỉ đợi đến 3 ngày Tết thông thả rảnh rang cùng vui với con với cháu, với bà con ruột thịt, chòm xóm.
Có lẽ cái Tết này họ sẽ cũng rất vui nếu trời đừng mưa và lạnh nữa thì những “mầm lúa” sẽ trở thành những mầm xuân đầy hy vọng.