Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Vãn cảnh chùa Hang (Quảng Ngãi)

Vãn cảnh chùa Hang (Quảng Ngãi)

45

Trên đường từ cầu cảng Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn trên tàu cao tốc, sau một chặng dài 40 phút vượt qua 17 hải lý ngắm biển và trời mây, chúng tôi đặt chân lên đảo Lý Sơn. Từ đây, theo con đường trải nhựa đi về hướng nam chừng vài cây số là đã đến khu vực huyện lỵ, rồi cũng theo con đường, hướng về thôn Đồng Hộ, xã An Hải.


Trong tiết tháng 7 tháng 8 hay tháng 11, 12, về chùa Hang bạn sẽ tha hồ ngắm nhìn những cánh đồng trồng tỏi và hành xanh ngút ngàn. Đến khu vực chân núi Thới Lới là gặp con đường nhỏ hẹp sát mép biển, sau đó, theo những bậc tam cấp dẫn lối nằm ở phía bên phải để vào chùa.


Đúng như tên gọi, chùa Hang là một hang đá rộng chừng 480m2, với chiều dài chừng 24m, rộng 20m, trần hang  nơi cao nhất khoảng 3,2m. Theo tài liệu khảo tả các ngôi đền Chăm ở An Nam của nhà nghiên cứu H.Parmentier, những bệ đá bằng phẳng trong chùa nguyên là những bệ đá đặt các tượng Chăm. Đến khoảng thế kỷ 16-17, người Việt tiếp nhận và xây dựng nên chùa.








Lối vào chùa Hang


Những người xuất gia tu hành ở chùa thì gọi chùa Hang là “Thiên Khổng thạch tự” (tức chùa đá trời xây). Dòng chữ này được khắc trên nền vách đá trước hang. Trong chùa, nơi chính điện thờ Phật, hai bên tả hữu có thờ đức Đạt Ma, hộ pháp và những vị của những người sáng lập, trụ trì chùa như Trần Công Chất, Trần Công Tiềm cùng những bài vị thờ thất tộc tiền hiền khai sinh ra làng An Hải cũng như cả huyện đảo Lý Sơn gồm: Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn, Đặng. 


Trong mùa nắng nóng bước vào chùa, du khách cảm thấy mát rượi. Vào mùa đông giá rét thì hang đá lại là nơi ấm áp, tránh được những cơn gió bấc mang theo cái hơi lạnh từ biển Bắc tràn về. Một điều rất đỗi kỳ lạ là chùa Hang nằm sát mép biển, nhưng có mạch nước ngọt chảy ra quanh năm từ vách đá. Nhiều du khách sau chặng đường dài đến vãn cảnh chùa thường hứng nước uống để giải nhiệt và cũng để lấy lộc cầu may. 








Những ruộng tỏi, ruộng hành ở thôn Đồng Hộ, nơi dẫn lối vào chùa Hang


Trong khuôn viên chùa Hang có những cây phong ba khá lớn, quanh năm suốt tháng lá xanh rờn. Đứng từ đây nhìn ra thấy biển mênh mông thấp thoáng những con thuyền. Khi thủy triều rút xuống ở biển thoai thoải có nhiều đá vôi, san hô.


Xung quanh chùa bao phủ nhiều giai thoại như các ông Trần Công Châu, Trần Công Tiềm có thể lấy nón làm thuyền đi lại trên biển, có thể “rấm đậu thành binh”. Nhìn vào ngóc ngách của chùa, trong dân gian từ lâu kể rằng nơi đây có đường xuống âm phủ, có lối lên trời.








Bàn thờ nơi chính diện của chùa Hang


Chùa Hang đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hàng năm, cứ đến lễ Phật đản, lễ Vu lan hay Tết Nguyên đán, nhiều thiện nam, tín nữ trong đất liền lại về chùa cúng bái, cầu may. Còn đối với du khách khi ra thăm đất đảo, chùa Hang từ lâu là một điểm tham quan.


Du khách đến đây ngoài việc ngắm nhìn trời mây, biển cả còn được hưởng cái cảm giác đi vào một thế giới huyền ảo, thuần khiết…