Trang chủ Tin tức Tìm về cội nguồn

Tìm về cội nguồn

76

Thượng toạ viện chủ Thích Thanh Vân thay mặt chư Tăng sơn môn Đống Cao cùng các cấp chính quyền địa phương đã long trọng tiếp đón phái đoàn.


Trước khi tổ chức buổi gặp mặt, Thượng toạ viện chủ đã hướng dẫn toàn phái đoàn thắp hương bái Phật, lễ Tổ tại chính điện chùa, Tổ đường và vườn tháp chùa – nơi tôn trí Bảo tháp Trung đạo thờ Xá lợi Thiền Sư Như Cảm.


Thiền Sư Như Cảm hoá thân Bồ tát sinh ngày 22 tháng 8 năm Đinh Mão ( 1687), niên hiệu Chính Hoà thứ 8 tại thôn Xuân Nhân, xã Xuân Dục, Phủ Đường Hào nay là Huyện Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên.


Ngài sinh trưởng trong một gia đình quý tộc nho phong thanh bạch. Thân phụ là cụ Phan Quý Công, tự Đức Nhân; thân mẫu là cụ bà Hiệu Từ Ý. Từ thưở nhỏ Ngài đã lầu thông tam giáo. Noi theo sự nghiệp Thánh hiền, chuyên tâm trau dồi kinh sử, Ngài đã thi đỗ khoa trường và cũng theo sự nghiệp quan trường.


Mặc dù tước vị cao sang nhưng Ngài sớm nhận chân được cuộc đời là vô thường huyễn ảo, thế sự phù hoa, Ngài quyết chí xuất gia tầm đạo. Năm 33 tuổi (1720), Ngài cáo quan, lên cầu đạo với Thiền Sư Trúc Lâm Tuệ Đăng Tăng Thống Chính Giác Hoà Thượng Chân Nguyên tại chùa Long Động dưới chân núi Yên Tử (thiền viện Trúc Lâm ngày nay).


Tại đây, Ngài được thế phát và thu giới Tam đàn.. Với chí nguyện kiên cường cầu đạo, ngay tại giới đàn Ngài đã đốt ngón tay phát nguyện “Nhiên chỉ hành thâm, bất tích thân mệnh” cúng dàng Tam bảo.


Suốt 8 năm, nơi non thiêng Yên Tử, thừa hành sứ mệnh “hành Như Lai xứ, tác Như Lai sự”, Ngài luôn làm tròn bổn phận của người đệ tử phụng Phật sự Sư cầu Đạo giải thoát.


Năm 1728, Đức Tăng Thống Chân Nguyên Thiền Sư xả huyễn quy Tây, Ngài tiếp tục ở lại Yên Tử 3 năm làm tròn hiếu Đạo đồng thời sự nghiệp tuyên dương chính pháp tại đạo tràng Long Động, Quỳnh Lâm…


Lúc này danh thơm của Ngài lan khắp muôn phương. Nhân dân thông Liễu Thị (Khuê Liễu -Tân Hưng ngày nay) đã cầu thỉnh Ngài về trụ trì tổ đình Đống Cao – Huyện Gia Phúc – phủ Ninh Giang (tức Khuê Liễu – Tân Hưng – Hải Dương ngày nay).


Từ đây, Ngài đã khai sáng mở rộng chốn Thiền môn làm nơi tu hành giảng đạo, tiếp tăng độ chúng. Tại chốn Tổ đình Đống Cao, Ngài đã tiếp độ và đào tạo được 27 vị đệ tử xuất gia trưởng thành đi trụ trì các nơi để hoằng đạo. Tứ chúng Tăng Ni và môn nhân tứ chúng theo học rất đông. Xuất sắc nhất có Sa Môn thủ toạ tự Tính Lâm Thích Sái Sái được Nhà Vua sắc phong Phó Tăng thống.


Niên hiệu Long Đức thứ 4 ( Năm Kỷ Mão -1735), Sự nghiệp Hoằng Pháp lợi sinh nơi cõi Ta Ba được công viên quả mãn, giã từ tứ chúng, chọn xứ Đống Thầy – “ đất cấm địa” Ngài an nhiên hoá thân ( tự thiêu) về cõi Niết Bàn. Thế thọ 49 năm, hạ lạp 17 năm.


Sau khi lập đàn Trà Tỳ, môn đồ tứ chúng thu nhặt được rất nhiều Xá lợi, xây tháp cúng dàng, tạo dựng kim tượng dâng tôn hiệu Trung Đạo Bảo Tháp, ma ha sa môn Tỷ khiêu – Bồ tát giới tự Như Cảm thiền sư hoá thân Bồ tát.


Trải qua gần 300 năm, hôm nay trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, vấn tổ tầm tông, gia tộc họ Phan con cháu hậu duệ của Tổ đã tìm về thăm chùa bái Tổ.


Đại diện dòng tộc phát biểu căn nguyên và lý do tại sao sau gần 300 năm con cháu dòng họ Phan mới tìm về lễ Phật lễ Tổ. Dòng họ cũng có ý kiến xin Thượng Tọa viện chủ, chư Tăng Tổ đình và chính quyền địa phương cho phép con cháu trong dòng họ hàng năm được về thăm viếng và tham gia các hoạt động nhằm báo ân Tổ, phát huy truyền thống khoa bảng và tinh thần từ bi cứu khổ của người con Phật.


Thượng toạ Viện chủ đại diện chư Tăng tổ đình Đống Cao phát biểu tán thán công đức của Dòng họ đã nhớ đến Tổ và tìm về nơi Ngài đã từng hành đạo và gửi trọn nhục thân của mình nơi mảnh đất Khuê Liễu – Tân Hưng.


Thượng toạ nói: “Ngoài đời quý vị có Huyết mạch, trong chùa chúng tôi có Đạo mạch. Quý vị là con cháu huyết mạch của Tổ, chúng tôi là con cháu đạo mạch. Tôi rất xúc động khi hôm nay được đón tiếp quý vị. Tôi mong rằng chúng ta sẽ gắn bó đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp, xây dựng chốn thiền môn hưng thịnh là báo đáp được phần nào công đức của Tổ. Tôi tin tưởng rằng Tổ sư Như Cảm hôm nay cũng đang chung vui cùng với chúng ta .………”


Buổi gặp mặt giữa chư Tăng Tổ đình Đống Cao và thân quyến dòng họ Phan được diễn ra trong không khí thiêng liêng xúc động và thắm tình đạo vị.





















Thượng toạ Thích Thanh Vân đọc văn bia giới thiệu về thân thế sự nghiệp của Tổ














Kim tượng Tổ bên trái từ ngoài nhìn vào





Thượng toạ giới thiệu về thân thế sự nghiệp Tổ qua cuốn sách cổ được in lại





Thắp hương tưởng niệm tại Đống thầy nơi Tổ an nhiên hoá thân về cõi niết bàn