Truyền thống thiền định Dhammakaya được đại sư Luang Poh Sod, còn gọi là Phra Monkolthempmuni (1884 -1959), người khai sơn chùa Paknam Bhasicharoen khôi phục lại từ năm 1916.
Cách đây khoảng 100, đại sư Luang Poh Sod, lúc bấy giờ còn là một vị tỳ khưu trẻ tên Candasaro, đang tu học tại chùa Pra Chetupon, nhận thấy rằng mặc dù mình đã được truyền giới 11 năm và đã thực tập thiền định cũng như học kinh Pali miệt mài nhưng vẫn chưa nếm được hương vị của pháp bảo.
Vào một buổi trưa trời mưa tầm tã trong mùa an cư kiết hạ, Candasaro ngồi thiền với một nguyện lực kiên cố là sẽ dâng hiến cả cuộc đời của mình cho mục đích khai phá nội tâm.
Candasaro phát nguyện, “Kính lạy đức Thế Tôn, hãy trao truyền cho con Pháp mà Người đã chứng đắc trong ngày giác ngộ. Nếu sự giác ngộ của con có ích và mang đến sự lợi lạc cho Phật giáo thì xin Người hãy trao truyền cho con. Con sẽ giữ gìn và xiển dương chính pháp vĩ đại của Người. Nhưng nếu sự giác ngộ của con chẳng lợi ích cho chính pháp, con xin được chết trong thời thiền này và xem đó như là một tặng vật để hiến dâng lên Người.”
Trời mưa lớn hơn sau khi Candasaro vừa phát nguyện xong, không khí trong ngôi chùa trở nên ẩm ướt. Vị tỳ khưu trẻ thấy một đàn kiến bò ra từ một kẽ nứt trên sàn nhà và nghĩ rằng những con kiến này có thể sẽ bò đến chỗ của của ông và quấy phá buổi hành thiền của ông, ông chấm ngón tay vào chai dầu hôi và định dùng dầu vẽ một vòng tròn quanh nơi mình ngồi để ngăn không cho kiến bò đến gần.
Nhưng sau đó ông chợt nghĩ ra rằng ông vừa mới nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho Phật pháp, vậy mà chẳng lẽ nay ông lại nao núng trước mấy con kiến? Tự cảm thấy ghê tởm chính bản thân mình, ông bỏ chai dầu hôi qua một bên và bắt đầu ngồi thiền mà không cần bảo vệ mình trước những con kiến.
Khi hành thiền vào buổi sáng, Candasaro đã quán tưởng thấy quả cầu Pháp trong và sáng có kích thước bằng lòng đỏ quả trứng gà nằm tại trung tâm cơ thể của mình. Trong lần hành thiền này, quả cầu lại xuất hiện và dần dần trở nên trong hơn cho đến khi trở thành trong suốt như pha lê. Quả cầu sáng rực trong ánh sáng giữa ngày.
Candasaro tập trung vào quả cầu này hàng giờ trong suốt thời thiền từ xế chiều cho đến quá nửa đêm, tuy nhiên ông thấy rằng công phu của mình chẳng tiến triển gì thêm. Ông cũng không biết phải xử lý ra sao với khám phá này vì trong quá khứ chưa một vị thầy mô tả một kinh nghiệm như vậy.
Bỗng nhiên, trong sự yên lặng, từ trung tâm của cầu vọng ra âm thanh êm dịu “majjhima patipada”, đó là từ kỹ thuật cổ của Pali có nghĩa là “Con đường trung đạo”.
Candasaro thử nhìn mỗi lúc một sâu hơn và trung tâm của quả cầu, quả cầu trở nên mỗi lúc một lớn hơn, cuối cùng trở thành một quả cầu khổng lồ rồi biến mất vào chân trời. Ông tiếp tục nhìn sâu hơn nữa, các quả cầu khác lại lần lượt tiếp tục xuất hiện tại trung tâm cơ thể của ông, lớn dần ra, trở thành một cầu khổng rồi biến mất vào chân trời.
Ông tiếp tục nhìn sâu hơn nữa, thì hàng ngàn quả cầu hiện ra, cái này thay thế cái kia, cái xuất hiện sau thì sáng hơn và trong hơn cái xuất hiện trước đó. Càng nhìn sâu hơn, ông nhìn thấy trong mỗi quả cầu Pháp hình ảnh của chính mình trong đó.
Candasaro đắc Dhammakaya, một pháp định rất sâu của đức Phật Thích Ca đã bị thất lạc hơn 2.000 năm trước.
Truyền thống Dhammakaya đã trở thành pháp tu phổ biến để rèn luyện tâm trí ở Thái Lan nhờ giảng dạy vị đại sư này. Một trong những vị đệ tử nổi tiếng của đại sư là Sư bà Khun Yay Ubasika Chandra Khonnokyoong, người thừa kế sự nghiệp của tổ sư.
Năm 1970 Sư bà Khun Yay (1909-2000) xây dựng chùa Phra Dhammakaya trên một khu đất rộng 80 mẫu do nữ thí chủ Prayat Phaetayapongsa hiến cúng. Sư bà cùng hai người đệ tử là Đại Đức Dhammajayo và Đại Đức Dattajivo đồng thời xây dựng đại thiền đường Dhammakaya với sức chứa 100.000 người để có thể đáp ứng số lượng đông đảo tín đồ đến tham dự các khóa tu Thiền ngày càng tăng mà ngôi chùa Paknam Bhasicharoen ở Bangkok không dung chứa nổi.
Tượng đài Sư bà Khun Yay
Đến năm 1985, khuôn viên của chùa được mở rộng đến 1000 mẫu để xây dựng Phật đài Dhammakaya.
Phật đài Dhammakaya
Phật đài được kiến tạo theo hình tháp tròn theo truyền thống của Phật giáo Theravada, vòm đỉnh tròn ở trên tôn trí bởi 300.000 tượng Phật bên ngoài và 700.000 tượng bên trong, mỗi tượng cao 18 cm, nặng khoảng 2,5 kg, được đúc bằng loại đồng pha vàng. Nhìn từ xa, Phật đài Dhammakaya trông rất hiện đại vì có hình dáng giống một chiếc đĩa bay bằng vàng ròng.
Một góc Phật đài Dhammakaya
Công trình của trung tâm Phật giáo Dhammakaya ước tính có thể tồn tại trong vòng 1.000 năm.
Trung tâm có 10 khu vực sinh hoạt và làm việc như phòng tiếp khách quốc tế, nơi thọ thực của quý sư, phòng điều hành, phòng may pháp phục, cửa hàng bán sách và băng đĩa, bưu điện, cây xăng, nơi đổi tiền… Điều đáng tất cả mọi hoạt động trong trung tâm đều do các vị sư trực tiếp quản lý một cách khoa học với sự hỗ trợ đắc lực của các computer.
Thiền đường
Trong 20 năm qua, Trung Tâm Dhammakaya là nơi thu hút Phật tử ở Thái Lan và khắp nơi trên thế giới trở về tu học. Hiện tại, tổ chức Dhammakaya có 6 chi nhánh trong nước và 11 trung tâm chi nhánh ở nước ngoài.
Chúng tôi ghé vào tham quan thiền đường. Đó là một thiền đường rộng mênh mông xây dựng trước Phật đài. Thiền đường gồm có hai tầng, tầng trên làm chỗ tu tập, tầng dưới dùng làm chỗ đậu xe.
Hãy để dép vào mỗi ô để dép trước khi vào thiền đường
Một nữ Phật tử làm việc trong thiền đường ra đón tiếp chúng tôi, khi đứng nói chuyện với sư, cô luôn chắp tay, chỉ khi nào cần đưa tay chỉ hướng, cô mới bỏ tay ra, nhưng sau khi chỉ xong cô lại đứng chắp tay cung kính để nói chuyện với sư. Sư ở Thái Lan rất được kính trọng, các Phật tử tu tập, đi lại trong thiền đường khi giáp mặt sư đi chung đoàn với chúng tôi luôn chắp tay vái chào cung kính.
Nhân viên phục vụ tại Dhammakaya vái chào Sư
Chúng tôi đến trung tâm Phật giáo Dhammakaya vào chiều chủ nhật nên nơi đây đang tổ chức khóa thiền. Ngồi trên tầng cao nhất của chiếc bục giảng gồm nhiều tầng có hình dáng như nữa chiếc đĩa bay là một vị sư đang thuyết pháp, sau lưng ngài là một màn hình TV thật lớn. Bên dưới ngài, gần 100 vị sư khác ngồi vòng quanh bục giảng trên các tầng thấp hơn.
Thuyết pháp
Đông đảo Phật tử ngồi bên dưới thành từng nhóm với nhau, mỗi nhóm khoảng chừng 20 người, trước mặt mỗi nhóm là một cái TV đang truyền hình trực tiếp vị sư đang thuyết pháp.
Phật tử Thái Lan chỉ tu thiền. Từng chiếc xe buýt lớn chở Phật tử từ trẻ đến già trong đó có rất nhiều sinh viên và học sinh cấp hai đến thiền đường Dhammakya để tu tập.
Trình pháp
Khác với phần lớn Phật tử Việt Nam tu niệm Phật và xin vãng sinh về Cực Lạc, Phật tử Thái Lan cho rằng việc chúng ta tái sinh vào một cảnh giới tốt hoặc xấu là do kết quả của những việc thiện hoặc ác mà chúng ta làm cũng như công phu chúng ta tu tập trong kiếp hiện tại. Nếu chúng ta luôn giữ tâm ý trong sạch, biết giữ gìn giới luật và làm việc thiện, thì sau khi chết, theo luật nhân quả, đương nhiên sẽ sinh vào một cảnh giới tốt đẹp (như cõi trời chẳng hạn), không cần phải cầu xin.
Phật tử Thái Lan đến Thiền đường tu tập
Ngược lại, nếu chúng ta để cho tâm ý của chúng ta bị ô nhiễm, buông thả, phạm giới, làm những việc bất thiện và không chịu tu tập thì tự động địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh sẽ mở cửa để chào đón chúng ta.
Phật tử Thái Lan xem việc lập nguyện là quan trọng. Họ thường nguyện đời đời kiếp kiếp được sinh ra trong gia đình có cha mẹ là người có tín tâm đối với Phật pháp để gieo trồng căn lành cho mình khi còn ấu thơ, nguyện sinh ra trong nước có chính pháp, được nghe chính pháp, tu tập theo chính pháp và hộ trì chính pháp cho đến khi chứng đắc Niết Bàn.
Nói một cách khác, Phật tử Thái Lan không sợ sau khi chết không được sinh lên cõi trời mà chỉ sợ phải tái sinh vào một nước không có Phật giáo (chẳng hạn như các nước Hồi giáo), và như vậy, họ sẽ không có duyên may để tiếp tục con đường tu tập của mình cho đến khi đạt được đạo quả giải thoát.
Một công trình đang xây dựng dở
Quảng Hiền
Tài liệu tham khảo
– Phật đài Dhammakaya: Một kỳ quan của Phật giáo thế giới trong thời hiện đại, Đại đức Thích Nguyên Tạng
– The Life and Times of Luang Phaw Wat Paknak
Xem thêm: